Nhờ nhanh nhạy nắm bắt xu thế của thị trường, một diêm dân ở Bạc Liêu đã kiếm được hàng tỉ đồng mỗi năm từ nghề sản xuất muối truyền thống.
Gắn bó với nghề sản xuất muối gần 40 năm, ông Phan Văn Phúc (71 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) được biết đến là một tỷ phú giàu lên từ nghề truyền thống của gia đình.
Ngược về ký ức, ông Phúc kể, năm 1979, ông xuất ngũ trở về quê lập gia đình và khởi nghiệp từ nghề sản xuất muối. Từ 6ha đất bạc màu, phèn mặn, vợ chồng ông Phúc đã cần cù, chịu khó cải tạo để làm ruộng muối và tạo dựng cơ ngơi như hiện tại.
“Những ngày đầu lập nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn, thất bại. Tuy nhiên, đó chính là động lực để tôi quyết tâm làm giàu từ chính nghề muối và thành công như hiện tại”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết, nước biển là nguyên liệu chính để làm muối. Nước biển sẽ được dẫn lên ruộng và trải qua quá trình bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời, rồi kết tinh thành hạt muối. Vụ muối thường kéo dài khoảng 4 tháng, bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trong thời gian này, nông dân có thể thu hoạch 3 - 4 lần/vụ.
Với bản tính cần cù, chịu khó, ông Phúc vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Ông sẵn sàng đầu tư vào quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, vì vậy sau mỗi vụ muối ông đều có lãi. Từ đó, vợ chồng ông bắt đầu mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất muối. Đến năm 2000, ông Phúc đã sở hữu trên 40ha đất sản xuất muối và được xem là người có diện tích ruộng muối quy mô lớn ở địa phương.
Chính nhờ nghề làm muối, gia đình ông Phúc trở nên khấm khá nhất vùng. “Nhiều người thua lỗ hoặc lợi nhuận thu được không tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng riêng tôi, qua nhiều năm làm muối chỉ có thắng không thua. Mỗi vụ tôi đều có lãi từ 1 - 2 tỉ đồng”, ông Phúc chia sẻ.
Theo ông, một trong những ưu điểm đáng chú ý là hạt muối Bạc Liêu được đánh giá rất ngon, có vị mặn nhưng không chát đắng, khiến cho sản phẩm này được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ muối của ông Phúc luôn rộng mở ở trong và ngoài nước.
“Dẫu vậy, nghề sản xuất muối cũng đối diện với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự không ổn định về sản lượng và giá cả. Hễ năm nào trúng mùa, sản lượng muối tăng là giá giảm. Ngược lại, khi thời tiết không thuận lợi, sản lượng thấp thì giá tăng. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người làm muối dẫn đến nguồn thu nhập không ổn định”, ông Phúc cho hay.
Từ kinh nghiệm có được, ông Phúc cho biết thêm, thông thường từ 3 - 4 vụ muối, giá sẽ tăng một lần. Nếu bà con diêm dân sau khi thu hoạch bán liền thì giá sẽ không cao, nhất là những năm trúng mùa, sản lượng lớn. Vì vậy, ông Phúc đã chủ động xây nhiều kho để trữ muối, khi giá cả phù hợp mới xuất bán.
Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh đánh giá, gia đình ông Phúc là hộ sản xuất muối có diện tích lớn nhất ở địa phương. Ông thường xuyên hỗ trợ các hộ cùng nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Ngành sản xuất muối cũng là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực văn hóa và truyền thống của tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng là nghề truyền thống có bề dày hơn 100 năm.
Theo kế hoạch, tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival Muối vào tháng 12.2024 để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm muối của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối được chính quyền tỉnh Bạc Liêu quan tâm, coi trọng. Địa phương này đã được Bộ NN-PTNT hỗ trợ một số khoản đầu tư lớn cho đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh, nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và bảo tồn di sản văn hóa này cho thế hệ sau.