Trước tình trạng 47 nhà máy điện đang chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Giải pháp trước mắt được đưa ra là phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt tăng khả năng mua điện từ Lào và Trung Quốc.

Nguy cơ phải mua điện từ Trung Quốc

18/07/2019, 16:58

Trước tình trạng 47 nhà máy điện đang chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Giải pháp trước mắt được đưa ra là phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt tăng khả năng mua điện từ Lào và Trung Quốc.

Từ năm 2021 và các năm tiếp theo sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam - Ảnh: Internet

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định tại cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm diễn ra ngày 17.7.

Cụ thể nói về tình hình cung cấp điện, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết hiện 62 dự án điện có công suất trên 200MW chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch. Dự án chậm nhiều nhất là 1 năm, còn lại 3 - 4 năm.

Theo Thứ trưởng, một phần nguyên nhân thiếu điện cũng do trước đây Chính phủ bảo lãnh vốn cho dự án điện, chỉ 1 năm nhà đầu tư có thể thu xếp xong vốn. Nhưng hiện nay Chính phủ không bảo lãnh cho các dự án điện khiến nhiều nhà đầu tư không thu xếp được vốn. Hơn nữa, hiện không có chế tài đối với các nhà đầu tư chậm triển khai dự án.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng ngoài triển khai chương trình tiết kiệm điện thì cần phải mua điện từ Lào và Trung Quốc, cần đẩy nhanh tiến độ 47 dự án đang chậm tiến độ. Đối với các dự án còn vướng mắc nhỏ như nhiệt điện Vĩnh Tân, Thái Bình 2 cần kiến nghị Chính phủ gỡ vướng ngay.

"Về lâu dài, cần phải thay đổi cách làm sơ đồ các dự án trọng điểm trong tương lai. Đặc biệt, xây dựng cơ chế đặc thù đối với các dự án điện...", ông Vượng nhấn mạnh.

Trong khi đó, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết từ năm 2021 và các năm tiếp theo sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ năm 2025.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với các tính toán trước đây là do tiến độ các dự án khí lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 và 2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thậm chí lùi sau năm 2030. Dự án ô Môn 3 lùi tiến độ đến năm 2025.

"Trường hợp dự án nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023. Tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024 - 2025 sẽ trầm trọng hơn", Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thông tin

Trước đó, câu chuyện mua điện từ Trung Quốc đã khiến dư luận băn khoăn bởi lẽ theo nhiều nhà máy thủy điện, nguồn cung từ các thủy điện vừa và nhỏ trong nước rất khó bán cho EVN hoặc bán với giá rất thấp.

Số liệu từ năm 2015 cho biết giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường trong 3 năm qua là 1.087,3 đồng/KWh. Mức giá bình quân được tính trên cơ sở mua điện trong nước và của Trung Quốc.

Theo đó, giá mua điện của các thủy điện trong nước là 847,5 đồng/KWh, nhiệt điện than 1.286 đồng/KWh, tuabin khí là 1.065,2 đồng/KWh. Trong khi đó, giá điện mua từ Trung Quốc có giá lên tới 1.300 đồng/kWh, cao hơn tới hơn 456 đồng/kWh so với trong nước.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ phải mua điện từ Trung Quốc