Ngày 30.8, phiên xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTEX) kết thúc phần tranh luận. HĐXX thông báo sẽ tuyên án vào sáng mai (31.8).
Nói những lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVTEX) mong HĐXX sẽ đưa ra phán quyết công tâm, khoan hồng. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch PVTEX cũng khẳng định bản thân không có ý thức nhận hối lộ của bị cáo Hồng bởi cả hai không trao đổi về việc góp vốn.
Về phần mình, bị cáo Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC.KBC) cho rằng bản thân đã khai báo thành khẩn, tích cực phối hợp với cơ quan điều tranên mong HĐXX đánh giá đúng vụ việc.
Bị xác định là đồng phạm trong vụ án này, hai bị cáo Đào Ngọ Hoàng (nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX) và Vũ Phương Nam (nguyên Kế toán trưởng PVTEX) bày tỏ sự hối hận và nhận thức sâu sắc sai phạm của mình. Cả hai bị cáo đều mong HĐXX xem xét bối cảnh và vai trò của từng bị cáo trong vụ án này để có quyết định công tâm,mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Trần Trung Chí Hiếu - Ảnh: T.Anh
Luôn ở tình thế “việc đã rồi”
Trước đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Trần Trung Chí Hiếu phân tích: Từ năm 2008, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã có chủ trương phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của đơn vị trong tập đoàn. Chủ trương đó đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận và đồng ý.
Thực hiện chủ trương trên, PVN đã ra nghị quyết chấp nhận chủ trương chỉ định thầu với các gói thầu thực hiện trong năm 2010, trong đó có dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Công ty PVTEX (thi công xây dựng công trình giai đoạn 1, bao gồm cả san lấp mặt bằng).
Theo luật sư Thiệp, là Công ty thuộc PVN, PVTEX phải thực hiện nghiêm túc chủ trương nêu trên của Chính phủ, của PVN. Như vậy, ngay từ đầu, Trần Trung Chí Hiếu với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVTEX đã có ý thức rất rõ việc lựa chọn nhà thầu theo đúng chỉ đạo của PVN - phải là một công ty thuộc PVN, có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án nhà ở; đó là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) tham gia triển khai xây dựng công trình Khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên.
Như vậy, luật sư Thiệp nhận định: Việc lựa chọn liên danh nhà thầu để thực hiện dự án được bắt đầu từ chủ trương ưu tiên sử dụng tối đa các dịch vụ trong nội bộ PVN (đã được Chính phủ chấp thuận) và từ sự giới thiệu của PVC. Do cả haicông ty PVC.KBC và HEERIM.PVC đều là đơn vị thành viên của PVC nên PVC phải biết rất rõ về năng lực, kinh nghiệm của 2 công ty này. Do đó, chính PVC cũng phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư (PVTEX) với tư cách là đơn vị giới thiệu, giám sát và chỉ đạo quá trình thực hiện hợp đồng.
LS Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Trần Trung Chí Hiếu - Ảnh: M.Hùng
Đối với việc cho tạm ứng 20 tỉ đồng, luật sư Thiệp cho rằng từ những lời khai của các bị cáo, những chứng cứ và tài liệu có thể thấy trong việc tạm ứng 20 tỉ đồng trái pháp luật nêu trên, Vũ Đình Duy là người hoàn toàn chủ động.
Về hành vi “Nhận hối lộ”, luật sư Thiệp chỉ ra rằng: Trong ý thức chủ quan, Trần Trung Chí Hiếu vẫn coi số tiền 3 tỉ đồng thoái vốn là tiền của Vũ Đình Duy và luôn mong muốn trả lại số tiền này cho Duy. Do Duy nói “anh cứ để đấy khi nào cần sẽ lấy” nên bị cáo coi đây là món nợ của bị cáo đối với Duy mà không có ý định chiếm hưởng số tiền này.
Theo luật sư, nếu sau này, khi bắt được Vũ Đình Duy và Duy thừa nhận việc này thì khả năng oan sai đối với bị cáo Hiếu về tội “Nhận hối lộ” là rất lớn. Mặt khác, có thể thấy việc góp vốn 3 tỉ đồng này, bị cáo luôn ở trong tình thế “việc đã rồi”, trong khi đó Vũ Đình Duy mới là người hoàn toàn chủ động. Vì vậy, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét và đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo Hiếu thấp hơn mức mà đại diện VKS đề nghị.
LS Nguyễn Xuân Anh bào chữa cho bị cáo Đào Ngọ Hoàng - Ảnh: M.Hùng
Nhà thầu có sai phạm?
Bào chữa cho bị cáo Đào Ngọ Hoàng, luật sư Nguyễn Xuân Anh chỉ ra rằng việc bị cáo Hoàng ký Tờ trình số 12/TTr-TMHĐ không nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của Phòng Thương mại hợp đồng theo quy chế làm việc của PVTEX. Theo quy định của pháp luật và dựa trên thực tế triển khai dự án, việc PVTEX tạm ứng 20 tỉ cho Công ty PVC.KBC là phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và không trái với quy định của pháp luật.
Theo luật sư, Đào Ngọ Hoàng đã dựa vào Biên bản ghi nhớ ngày 6.1.2012“báo cáo về tiến độ thi công và đề xuất xin tạm ứng của nhà thầu” và Phụ lục 05 của Hợp đồng số 14 làm căn cứ để ký tờ trình trình lãnh đạo công ty ký liên quan tới khoản tạm ứng 20 tỉ cho PVC.KBC. Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng nếu hai bên có thỏa thuận về việc không dùng số tiền này để thực hiện hợp đồng thì đó mới là trái luật. Chừng nào cơ quan tố tụng không xác định được hành vi cố ý ở đây thì không thể quy kết tội "Cố ý làm trái".
Trong phần bào chữa, vị luật sư cũng chỉ ra rằngsự việc xảy ra cho tới hôm nay là do nhà thầu nhận tiền rồi không triển khai thực hiện như quy định trong hợp đồng. Đào Ngọ Hoàng hoàn toàn không đáng phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật do hậu quả từ hành động này của nhà thầu. Đặc biệt, bị cáo Hoàng không có động cơ, mục đích vụ lợi; chỉ là người làm công, ăn lương, làm đúng theo chỉ đạo của cấp trên và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Căn cứ vào những điều trên, luật sư Xuân Anh cho rằng hành vi của Đào Ngọ Hoàng không có dấu hiệu “Cố ý làm trái”, không đáp ứng đủ điều kiện về mặt khách thể, khách quan, chủ quan của tội “Cố ý làm trái”.
Đại diện VKS trong phiên xử sơ thẩm - Ảnh: T.Anh
Trước quan điểm bào chữa của các luật sư, phía đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Trong phần luận tội, VKS đã đề nghịxử phạt bị cáo Trần Trung Chí Hiếu từ 27 – 29 năm tù về cả 2 tội danh “Cố ý làm trái” và “Nhận hối lộ”. Các bị cáo đồng phạm bị đề nghị mức án từ 8 – 11 năm tù về hành vi “Cố ý làm trái”.
Nhã Thanh
Bị truy tố 2 tội danh, nguyên Chủ tịch PVTEX bị đề nghị mức án từ 27 đến 29 năm tù
Nguyên Chủ tịch PVTEX đẩy trách nhiệm cho Vũ Đình Duy?
Xét xử vụ án PVTEX: Đưa tiền góp vốn để công việc được thuận lợi?