Liên quan đến sự khuất tất trong việc cấp chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng và chuyển mục đích sử dụng đất ở cho ông Hồ Trung Việt - nguyên Chủ tịch UBND TP.Cà Mau và vợ là bà Đoàn Như Mỹ, PV Một Thế Giới còn phát hiện thêm nhiều điều bất ngờ.
Đăng ký 14 sổ đỏ chỉ trong 22 tháng
Theo cán bộ địa phương, ngày 26.4.2013, ông Hồ Trung Việt được giữ chức Chủ tịch UBND TP.Cà Mau thì từ đó, tài sản tăng chóng mặt. Nhờ chức danh này nên hồ sơ liên quan đến đất đai của ông được giải quyết nhanh như… diều gặp gió.
Các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 5.2014 đến tháng 3.2016, vợ chồng ông Việt chuyển quyền sử dụng đất và đứng tên bất động sản trên địa bàn nội ô TP.Cà Mau đến 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hầu hết, các khu đất giáp ranh với đất thuộc hộ ông Việt, từ ao tù, nước đọng hay đất vườn đều được ông Chủ tịch TP khi đó mua hết.
Ngày 12.5.2014, ông Hồ Trung Việt và vợ là bà Mỹ nhận chuyển nhượng của ông Trần Quốc Việt thửa đất 214 (cũ) với diện tích 1.300m2, loại đất cây lâu năm, thời hạn sử dụng đến năm 2064. Một tuần sau, UBND TP.Cà Mau đã cấp sổ đỏ mới cho ông Trung Việt và bà Mỹ với diện tích 1.367,6m2 với lý do cán bộ đo đạc phát hiện đất bị thiếu so với sổ đỏ cũ.
Ngày 27.6.2014, Công ty TNHH Dịch vụ & Thương mại MTV Việt Mỹ (gọi tắt là Công ty Việt Mỹ, do bà Mỹ làm Giám đốc) mua thửa đất số 32 của bà Phan Thị Thanh Hải với diện tích 328,6m2 và thửa số 229 với diện tích 279,86m2 do bà Phan Thị Tuyết Lan sử dụng. Một tuần sau, Sở TN-MT tỉnh Cà Mau thừa ủy quyền của UBND TP cấp sổ đỏ mới cho Công ty Việt Mỹ.
Ngày 22.7.2014, vợ chồng ông Trung Việt lại mua của ông Huỳnh Văn Ba và vợ là bà Trần Mỹ Loan thửa đất số 231 có diện tích 280,6m2, đất cây lâu năm. Ngày 7.8.2014, vợ chồng ông Việt bà Mỹ tiếp tục mua của ông Trần Văn Thuấn và vợ là bà Nguyễn Thị Hằng thửa số 234 có diện tích 108,62m2, loại đất cây lâu năm.
Tính ra từ tháng 5.2014 đến tháng 8.2014, vợ chồng ông Việt 5 lần nhận chuyển quyền sử dụng đất với diện tích lên đến hơn 2.300m2. Đến năm 2015, vợ chồng ông Việt gộp thửa đất cây lâu năm trên gồm: thửa số 214 là 1.367,6m2, thửa 231 là 280,6m2 và thửa 234 là 108,62m2 lại cho gọn.
Từ tháng 5.2015 đến tháng 1.2016, vợ chồng ông Việt tiếp tục nhận chuyển nhượng thửa đất số 236 hơn 100m2 đất cây lâu năm, thửa số 19 với diện tích 319,25m2, thửa đất 18 với diện tích 161m2, thửa số 196 gần 130m2...
Cũng như lần trước, vợ chồng ông Việt tiếp tục gộp các thửa đất trên thành 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài số đất đã mua ở trên, tháng 7.2015, ông Việt có đến Phòng Công chứng cam kết phần đất thửa số 240 (mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, P.8, TP.Cà Mau) có diện tích hơn 2.000m2 là tài sản riêng của bà Mỹ.
Trong 22 tháng (từ tháng 5.2014 đến tháng 3.2016), vợ chồng ông Việt đăng ký 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích gần 5.400 m2 trên địa bàn TP.Cà Mau; trong đó Công ty Việt Mỹ sở hữu 608m2, còn lại là vợ chồng ông Việt bà Mỹ đứng tên.
Nộp tiền sử dụng đất giá cực rẻ
Ngày 31.3.2016, ông Việt nộp tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất (CMĐSDĐ), chuyển mục đích sử dụng 934m2 tại đường Nguyễn Công Trứ (khóm 1, P.8, TP.Cà Mau) với giá hơn 400 triệu đồng, tương đương 1m2 chỉ khoảng 400.000 đồng, trong khi giá quy định đất tại địa chỉ trên có giá hơn 2 triệu đồng/m2.
Trụ sở Công ty Việt Mỹ tại đường Nguyễn Công Trứ, P.8, TP.Cà Mau, do bà Mỹ làm Giám đốc, che khuất căn “biệt phủ” - Ảnh: PV
Để được áp giá thuế rẻ trên, ông Việt được UBND TP.Cà Mau ưu ái cấp chứng chỉ quy hoạch không đúng (xem lại bài Nguyên nhân khó xử lý biệt phủ của nguyên Chủ tịch UBND TP.Cà Mau) dẫn đến áp thuế sai gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Chi cục Thuế TP.Cà Mau, việc áp tính mức giá trên có cơ sở do thửa đất trên không có đường giao thông.
“Muốn đi lại phải đi nhờ thửa số 32 tiếp giáp với mặt đường Nguyễn Công Trứ. Trong khi đó, thửa số 32 là của Công ty Việt Mỹ, thửa số 214 giáp ranh lại thuộc hộ gia đình ông Việt. Công ty có tư cách pháp nhân riêng nên tính thuế giá trên là hợp lý. Bà Mỹ đồng ý cho hộ ông Việt (chồng bà Mỹ - PV) mở đường, xem như khu đất trên có đường giao thông. Vì vậy, tính thuế và đồng ý chuyển mục đích sử dụng là hợp lý”, một cán bộ lý giải.
Điều lạ là ngày 31.3.2016, ông Việt mới nộp thuế CMĐSDĐ mà trước đó, ngày 20.1.2016, ông này đã được cấp giấy phép xây dựng. Để cấp giấy phép xây dựng theo quy trình ngược, ông Việt cần phải có đơn đề nghị cấp giấy phép cùng bản vẽ thiết kế và các hồ sơ khác…
Nhóm PVĐT