“Quy hoạch thủy điện bậc thang ở các sông nhỏ là một sai lầm, là nguyên nhân sâu xa của lũ. Về mặt kỹ thuật không được làm điều này nhưng chúng ta vẫn cố để làm. Cần phải lên án điều này” – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Vũ Trọng Hồng chia sẻ.
Đợt mưa lũ từ giữa tháng 10.2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; hơn 316.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại; hơn 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỉ đồng, nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính đến37.650 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD); làm 235 người chết và mất tích. Trước thiệt hại do mưa lũ, nhiều tỉnh đã phải kêu cứu Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thuốc khử trùng, cây, con giống…
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nói rằngchúng ta quy hoạch thủy điện nóng vội, làm quá nhiều thủy điện bậc thang, đólà nguyên nhân sâu xa của tình trạng này.
-Nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- GS-TS Vũ Trọng Hồng: Theo tôi, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất là mưa lớn, lượng mưa lên tới 400mm. Ngoài ra cũng chưa biết nước từ các nước lân cận như Lào có sang hay không vì Trung tâm Dựbáo khí tượng thủy văn cũng không đề cập đến việc này. Dù lượng mưa ấy không lớn hơn bao nhiêu so với mọi năm nhưng hiện nay điều kiện thiên nhiên có nhiều biến đổi, lũ chuyển muộn. Lẽ ra tháng 11 đã kết thúc mùa mưa nhưng năm nay tận giữa tháng 12 mà mưa vẫn còn lớn, mưa lại rơi vào cuối mùa lũ.
Do vậy, việc tích nước trong hồ chứa bị lệch hướng. Họ sợ lũ không về nên phải tích đầy nước. Điều này cho thấy công tác dự báo chưa được tốt, các hồ chứa không nắm được thông tin lũ về muộn để điều tiết kịp thời. Nước về nhiều thì các nhà máy phải xả để cứu đập.
Thứ hai, trong vụ xả này có cả hồ thủy lợi và hồ thủy điện chứ không riêng gì thủy điện. Tuy nhiên, thủy điện hiện nay có một cái sai rất lớn, đó là các sông suối nhỏ cũng đều làm thủy điện bậc thang, mỗi sông 3 - 4 nhà máy thủy điện. Hơn nữa, khoảng cách giữa các nhà máy chỉ cách nhau khoảng vài chục cây số. Các nước không ai cho phép như vậy bởi vì khi đập này tích nước, chưa kịp xả hết thì nước từ đập kia lại chảy về rồi.
Cho nên quy hoạch thủy điện bậc thang ở các sông, suối nhỏ là một sai lầm. Về mặt kỹthuật, không ai cho phép làm điều này nhưng chúng ta vẫn cố để làm. Dù biết là nguy hiểm nhưng hiện nay một số nơi vẫn đang tính toán để tiếp tục làm.
Thứ ba, những vùng rốn lũ thì chúng ta lại cho phép dân cư vào ở rất nhiều, ví dụ như Hố Hô, đúng dòng sông Ngàn Sâu chảy, hai bờ không được xuống nhưng địa phương vẫn cho dân phát triển. Tình trạng này cũng tương tự ở các địa phương khác. Cho nên tác hại của ngập lụt nghiêm trọng hơn. Những vùng rốn rũ, quốc tế và đặc biệt là Mỹkhông bao giờ cho dân vào ở, nhưng Việt Nam thì cứ cho.
Thời tôi được làm với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đi thị sát vùng lũ, Thủ tướng bao giờ cũng yêu cầu không được cho dân sống ở vùng rốn lũ, ở hành lang thoát lũ, chỉ được hoạt động kinh tế thôi, dân phải ở trên cao. Giờ tôi mong Thủ tướng cũng phải quán triệt các địa phương về vấn đề này. Thủ tướng phải giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp - PTNT cần phải phân định rõ hành lang thoát lũ, không được cho dân sống ở đó. Chứ nếu không thay đổi thì cả trăm năm nữa vẫn xảy ra tình trạng này. Ví dụ như ở Hà Nội có cột bê tông rất to chỗ tuyến thoát lũ, các địa phương cũng nên học tập.
- Như vậy quy hoạch thủy điện bậc thang là nguyên nhân chính?
- GS-TS Vũ Trọng Hồng:Quy hoạch thủy điện của chúng ta vừa qua là quy hoạch nóng vội, hậu quả giờ vẫn đang tiếp tục, cần phải lên án quy hoạch bậc thang. Đây là sai lầm lớn của chúng ta.
Đó cũng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, cần phải loại bỏ nhiều thủy điện nhỏ, thủy điện bậc thang. Điện chúng ta dùng chủ yếu của 37 nhà máy thủy điện lớn, nếu bỏ những thủy điện nhỏ này không ảnh hưởng gì nhiều. Nhà nước có thể xem xét những thủy điện nào có nhiều rủi ro như kiểu Hố Hô hoặc thủy điện bậc thang, không thu được lợi ích kinh tế nhiều thì đề nghị họ có thể thu xếp chấm dứt hoạt động.
- Ý kiến xóa bỏ các thủy điện nhỏ không phải là mới, nhưng tại sao mãi mà chúng ta không thực hiện được, thưa ông?
- GS-TS Vũ Trọng Hồng:Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cũng có nguyên nhân lợi ích nhóm, có người này người kia cổ phần ở trong các nhà máy thủy điện nên rất khó xóa bỏ. Cho nên Chính phủ cần thật quyết liệt thì mới giải quyết được.
Để xóa được các thủy điện nhỏ, thủy điện bậc thang thì Nhà nước và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, có thể mỗi bên chịu một nửa. Các nhà máy thủy điện cũng cần phải thu hồi vốn nhanh, rồi để trả nợ bởi hầu hết các nhà thủy điện đều là đi vay để làm. Khi họ hoàn vốn thì dừng hoạt động.
Muốn hoàn vốn phải mất khoảng 30 năm, nhưng nếu thế thì lâu quá, thiệt hại sẽ khủng khiếp nên Nhà nước cần có giải pháp để cố gắng cho họ thu hồi vốn trong khoảng 10 năm thôi.
Tuy nhiên, Nhà nước cũng có cái khó, vì giờ lấy tiền ở đâu.Mẫu thuẫn này rất khó giải quyết. Trong khi đó, chính Nhà nước trước kia lại kêu gọi xã hội hóa các thủy điện, kêu gọi họ đầu tư vào. Họ hăng hái vay tiền đưa vào làm nên giờ bảo dừng thì làm sao dừng được.
- Chúng ta đã xây dựng quy trình vận hành xả lũ để đối phó với tình trạng này nhưng vẫn gây ra thiệt hại. Theo ông, quy trình này có phù hợp không?
- GS-TS Vũ Trọng Hồng:Quy trình vận hành hiện nay rất bất cập và không thể làm nổi việc điều tiết lũ. Quy trình do Bộ Công Thương hướng dẫn các tỉnh duyệt chứ bộ cũng không duyệt. Các thủy điện bậc thang này chủ yếu do tư nhân vận hành, mỗi đập một chủ nên rất khó phối hợp nhịp nhàng với nhau tại vì mỗi công trình thủy lợi phụ thuộc vào điều tiết tự nhiên của nó. Thời chúng tôi thìBộ Nông nghiệp quản lý vấn đề này, 3 giám đốc đều thuộc Bộ. Do đó việc đập này tích, đập kia xả là do Bộ quyết chứ không như tư nhân vận hành như hiện nay nên phối hợp với nhau thuận tiện hơn.
Hơn nữa, mưa xuống phải tính được dòng chảy, còn Việt Nam hiện nay không tính được dòng chảy bởi lớp phủ đã bị bê tông hóa rất nhiều. Khi mưa xuống phải có lớp phủ thì mới thấm nước được để giảm lũ. Các thông số, địa hình hiện nay đã thay đổi, muốn tính toán được phải bỏ hàng nghìn tỉ đồng ra để đo đạc lại thông số trong khi hiện nay chúng ta chưa làm được. Chúng ta tính từ mưa ra dòng chảy thì bị sai rất nhiều. Cho nên vấn đề quy trình không giải quyết được vấn đề này.
Bộ Nông nghiệp - PTNT và Trường đại học Thủy lợi cũng đã xây dựng một quy trình mới, là phải làm thiết bị đo ngay trong hồ chứ không cần dự báo mưa. Sau đó họ vẽ đường quy trình và khi nước đến đâu thì tích và xả luôn. Tuy nhiên, trường hợp này lại gặp phải một vấn đề là nếu lũ không đến trong khi xả nước rồi thì lấy đâu nước cho họ vận hành, ai bù thiệt hại cho các nhà máy thủy điện?
Tôi nghĩ Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo chống lũ thì nên yêu cầu sắp xếp lại quy trình xả lũ, sắp xếp lại vấn đề dân cư trong vùng rốn lũ để giảm bớt thiệt hại.
- Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm(thực hiện)