Nguyễn Trãi đã dùng lời văn của mình lèo lái các sự kiện theo một hướng khác, làm thay đổi tính chất thực của sự việc và không quên khoét sâu vào tâm lý kiêu ngạo của kẻ địch. Sứ giả Lê Trăn, Lê Vận đưa thư cầu hòa được thuận lợi. Thông qua Sơn Thọ và Mã Kỳ, Tổng binh Trần Trí chấp nhận giảng hòa với Bình Định vương Lê Lợi. Quân ta trở về căn cứ Lam Sơn nghỉ ngơi, bồi dưỡng lực lượng.
Kỳ 1: Âm mưu thâm hiểm của nhà Minh sau khi tiêu diệt nhà Hậu Trần
Kỳ 2: Lam Sơn tụ nghĩa, rồng cuộn chờ thời
Kỳ 3: Lê Lợi cảm khái tiễn anh hùng, Lê Lai cưỡi ngựa thề huyết chiến
Kỳ 4: Ai Lao viện trợ vũ khí, Lê Lợi hồi sức chống giặc Minh
Kỳ 5: Lê Lợi giăng thiên la địa võng, đại phá 10 vạn quân Minh
Kỳ 6: Lê Lợi đánh bại tướng Trần Trí, trừng phạt quân Ai Lao
Kỳ 7: Quân Minh - Ai Lao tạo gọng kìm, Lê Lợi mở con đường máu
Đầu năm 1423, Lê Lợi đem quân về núi Chí Linh thủ hiểm. Nghĩa quân Lam Sơn sau những trận đánh ác liệt, mặc dù liên tục chiến thắng oanh liệt những đã chịu nhiều tổn thất. Tiếp đó, tướng sĩ lại phải chịu đựng sự cùng cực do sống trong núi rừng thưa thớt. Lúc này việc tiếp tế gặp khó khăn, nghĩa quân dần rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực. Suốt hai tháng liền, trong quân chỉ ra rau dưa cầm hơi, rồi đến ăn cả cỏ cây, măng tre. Lê Lợi trong lúc khốn khó, phải lệnh giết 4 con voi trận của mình và một số ngựa chiến để nuôi quân. Tình hình đói khổ quá mức, một số người không chịu đựng nổi bắt đầu kéo nhau đào ngũ.
Lê Lợi phải dùng nghiêm lệnh, bắt được viên tướng đào ngũ tên là Khanh, liền cho chém rao. Nhờ dùng biện pháp mạnh, kỷ luật quân Lam Sơn lại được giữ vững, không còn người đào ngũ nữa. Nhưng tướng sĩ khổ sở đã lâu, muốn nghỉ ngơi, đồng loạt khuyên Bình Định vương tạm hòa hoãn với quân Minh. Lê Lợi bất đắt dĩ phải thuận theo, sai hai người thân cận là Lê Vận, Lê Trăn đem thư sang trại Sơn Thọ, Mã Kỳ cầu hòa. Thư do Thừa chỉ Nguyễn Trãi soạn thay lời Bình Định vương, lời lẽ tỏ ra rất nhún nhường :
Tôi nghe nói: “Sinh đời thái bình, ai chẳng được ở yên; gặp đời thánh minh, ai chẳng được thỏa sống”. Nay tôi sinh đời bình, gặp thời thịnh, mà lại thường phải than là mất chỗ ở yên là cớ làm sao? Trước vì tri huyện Đỗ Phú là người đồng hương, cùng tôi có hiềm khích, nó đút lót tham chính Lương Nhữ Hốt, nói vu cho tôi khinh mạn quan trên, cậy mạnh mà chống lại mệnh trên, nếu không trị trước, tất có lo sau. Nhữ Hốt báo với quan quản binh cùng nội quan Mã Kỳ nhân đó cho quan quân đến đánh úp bộ chúng tôi, không kể trẻ già, đều bị chém giết bắt bớ, họ hàng tôi đều tan tác, vợ con tôi đều chia lìa. Lại khai quật mồ mả tổ phụ tôi phơi bày hài cốt.
Tôi không biết kêu đâu, tiến thoái đều khó, bèn sai thân nhân đến Tam ty tạ tội, thì hai ba lần sứ đi đều bị giết, không ai được về. Tôi không biết tính sao, đành phải chạy đi núp náu cho qua năm tháng, để đợi quan trên xét soi. Sống tạm nơi rừng núi đã sáu năm trời, ngày cơm hai bữa, chưa từng có bữa nào no. Song chim tinh vệ lấp biển, há quản gian lao, kẻ oan ức trả thù, cũng liều sống thác. Nên tôi đem bộ chúng đến vây quê nhà Đỗ Phú, bắt họ hàng làng xóm nó để hả lòng căm giận mà thôi, đâu dám có chí khác.
Nay nghe quan tổng binh là bực đức lớn ân rộng, tâm như Đặng Vũ dụ địch, chính như Hoàng Bá dạy dân, thực là dịp cho tôi được đổi lỗi sửa mình. Vậy xin kính sai bọn anh họ là Lê Vận dâng thư đến viên môn, giải bày oan khổ, cúi xin đại nhân tha cho lỗi đã qua, mở cho đường đổi mới. Nếu được rủ lòng khoan thứ, thật là ơn tạo hóa của trời đất vậy. (trích Quân Trung Từ Mệnh Tập)
Nguyễn Trãi đã dùng lời văn của mình lèo lái các sự kiện theo một hướng khác, làm thay đổi tính chất thực của sự việc và không quên khoét sâu vào tâm lý kiêu ngạo của kẻ địch. Sứ giả Lê Trăn, Lê Vận đưa thư cầu hòa được thuận lợi. Thông qua Sơn Thọ và Mã Kỳ, Tổng binh Trần Trí chấp nhận giảng hòa với Bình Định vương Lê Lợi. Quân ta trở về căn cứ Lam Sơn nghỉ ngơi, bồi dưỡng lực lượng.
Việc giảng hòa thành công có công lao rất lớn của văn thần Nguyễn Trãi và hai sứ giả Lê Trăn, Lê Vận. Tuy nhiên văn chương của Nguyễn Trãi có hoa mỹ đến đâu, tài ăn nói của sứ giả có lưu loát đến đâu cũng không thể nói suông với quan tướng nước Minh mà khiến chúng giảng hòa được. Thực ra, phía giặc Minh chấp nhận hòa hoãn cũng là vì chúng đang gặp những khó khăn nghiêm trọng, và đã sẵn có ý muốn chiêu dụ Lê Lợi.
Bởi vì Trần Trí đánh nhau với quân Lam Sơn đã lâu ngày, điều động mấy lần lên đến hàng chục vạn quân mà vẫn thường bại trận, đã sợ uy thế của Lê Lợi. Trong khi đó, tình hình phương bắc cũng không cho phép Chu Đệ tiếp tục gửi thêm quân tăng viện cho chiến trường Đại Việt. Trước đây, Chu Đệ vừa muốn đánh Mông Cổ, vừa muốn nam chinh nên áp dụng chính sách chia rẽ, mua chuộc các bộ tộc Mông Cổ, lợi dụng bộ tộc này đánh bộ tộc kia. Chính sách này ban đầu đem lại tác dụng lớn, nhưng dần dần các thế lực Mông Cổ đều nhận ra sự gian trá của Chu Đệ, bắt đầu liên kết nhau đồng loạt tấn công nước Minh còn mạnh mẽ hơn trước. Bộ tộc Ngõa Lạt, thế lực Mông Cổ hùng mạnh nhất lúc bấy giờ đã liên tiếp uy hiếp biên thùy phía bắc nước Minh.
Chu Đệ phải mấy lần thân chinh, động binh mỗi lần hàng chục vạn quân, quốc khố nước Minh trở nên trống rỗng, dân chúng điêu đứng vì chiến tranh. Năm 1423, Chu Đệ dẫn quân tiến sâu vào đất Mông Cổ, nhưng quân Ngõa Lạt lại tránh giao chiến, dẫn dụ quân Minh sa lầy giữ thảo nguyên mà không thu được thành quả nào. Nhân lực, vật lực đổ vào cuộc chiến dai dẳng với Mông Cổ đã khiến nước Minh hụt hơi, không còn đủ tiềm lực mà tăng viện cho quân Minh ở Đại Việt. Bọn tướng lĩnh giặc Minh trên lãnh thổ nước ta phải tự liệu lấy đường tiến thủ dựa trên lực lượng hiện có trong tay.
Cục diện trên toàn lãnh thổ nước ta lúc này là quân Minh vẫn đủ sức dồn quân đã bại bất kỳ cuộc khởi nghĩa nào, kể cả khởi nghĩa Lam Sơn. Nhưng mặt khác chúng không còn khả năng duy trì sự kiểm soát trên toàn lãnh thổ như trước nữa. Tướng lĩnh nước Minh chắc hẳn đã tính toán ra điều này, một cuộc chiến tổng lực để tiêu diệt quân Lam Sơn ắt sẽ khiến chúng mất thêm một phần binh lực lớn. Và một khi hào kiệt khắp nơi lại một phen nổi lên, quân Minh chung cuộc vẫn khó tránh khỏi bại vong. Hòa hoãn với Lê Lợi là một giải pháp tháo gỡ tình thế khó khăn của quân Minh, nhất là các tướng giặc đã bắt đầu lo sợ phải chịu trách nhiệm về những thất bại liên tiếp trước quân ta.
Trong thời gian hòa hoãn, Trần Trí, Sơn Thọ vừa cố gắng chỉnh đốn lại lực lượng, vừa tìm cách dụ dỗ Lê Lợi bằng vật chất. Quân Minh thường đem tặng Lê Lợi trâu bò, cá muối, nông cụ, thóc giống… Vì khiếp oai quân ta, lúc này tướng giặc thực sự đã chấp nhận để cho Lê Lợi được yên ổn làm một sứ quân cát cứ, có quyền tự trị trong một vùng nhỏ, miễn sao lợi ích của nước Minh trên toàn quốc vẫn được duy trì. Thế nhưng Bình Định vương Lê Lợi mang hoài bão lớn, muốn khôi phục lại giang sơn nước Việt, đâu chỉ mong làm chúa một phương để mà thôi. Tranh thủ thời cơ, quân ta tích cực rèn thêm nhiều chiến cụ, tăng cường phòng bị nơi hiểm yếu và trù tính các kế hoạch để đánh úp quân Minh. Để có thêm lực lượng, nghĩa quân kêu gọi nhân dân quyên góp tiền của, mộ thêm quân lính. Khi tướng giặc đem tặng các vật phẩm, Lê Lợi cũng sai người đem vàng bạc tặng lại để đáp lễ.
Trái với toan tính ban đầu của quân Minh khi chấp nhận giảng hòa, Tổng binh Trần Trí chứng kiến thực lực của quân Lam Sơn ngày một hùng mạnh lên. Khi biết rằng Bình Định vương Lê Lợi ngoài mặt hòa hảo nhưng bên trong vẫn không từ bỏ chí hướng đánh đuổi quân Minh, Trần Trí bèn toan trở mặt. Khoảng mùa thu năm 1424, Quân Minh bắt giam sứ giả Lê Trăn không cho về, và sửa soạn lực lượng chuẩn bị tiến đánh. Biết tin giặc giam sứ giả, Bình Định vương Lê Lợi rất tức giận, cho họp tướng sĩ, tuyệt giao với quân Minh. Các tướng đều đồng lòng xin quyết chiến. Sau hơn một năm trời hòa hoãn với quân Minh, một giai đoạn chiến đấu mới của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lại mở ra.
(còn nữa)
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba
18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt
33 kỳ cuộc chiến chống ngoại xâm từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần