Ước tính, khoảng 3 triệu người chuyển giới sống ở Indonesia và phần lớn trong số họ bị gia đình chối bỏ.

Nhà dưỡng lão dành cho người chuyển giới đầu tiên ở Indonesia

Một Thế Giới | 08/09/2014, 05:00

Ước tính, khoảng 3 triệu người chuyển giới sống ở Indonesia và phần lớn trong số họ bị gia đình chối bỏ.

Nhiều người chuyển giới phải kiếm sống bằng nghề bán thân và khi về già họ là những người bơ vơ, không nơi nương tựa. Đây là lý do ra đời nhà dưỡng lão đầu tiên cho người chuyển giới đầu tiên ở thủ đô Jakarta.
Ngôi nhà màu hồng hy vọng
Đó là ngôi nhà nhỏ màu hồng ở cuối con phố nhỏ bụi bặm nằm lẩn khuất ở Jakarta. Đây là ngôi nhà đầu tiên cho người chuyển đổi giới tính, thường được gọi là waria theo tiếng Indonesia. Bên trong ngôi nhà, Yulianus Rettoblaut, 51 tuổi đang ngồi lặng trước gương, thời gian và sự vất vả cuộc sống được che vụng về bằng phấn nền trắng, lông mi giả, son môi đỏ và bộ tóc giả đen, dài được búi ở phía sau. Yulianus Rettoblaut chính là người sáng lập ngôi nhà màu hồng hy vọng dành cho người chuyển giới khi về già.
"Những waria già không thể cạnh tranh với waria trẻ để tìm kiếm việc làm. Chính phủ đang nhầm lẫn về việc xác định chúng tôi là nam hay nữ để đưa vào viện dưỡng lão phù hợp. Rất nhiều người chuyển giới đang gặp khó khăn, họ phải mưu sinh bằng cách ăn xin trên đường phố và sống dưới gầm cầu", Yulianus nói. Yuli nói rằng, hiện có khoảng 800 waria đang chờ đợi được chuyển đến sống trong ngôi nhà màu hồng hy vọng. Ngoài việc nuôi dưỡng những người chuyển giới khi về già, ngôi nhà cũng tổ chức các khóa đào tạo trang bị cho người chuyển giới kỹ năng cần thiết để sống độc lập.
Nha duong lao danh cho nguoi chuyen gioi dau tien o Indonesia
 Người chuyển giới ở Indonesia
Không phải một mình nhưng bị cô lập
"Tôi sống trong một ngôi làng trên đảo Papua, không ai là người chuyển giới hoặc đồng tính", Yulianus Rettoblaut kể lại. "Tôi bắt đầu cảm thấy bị thu hút bởi những chàng trai khi tôi 11 tuổi. Tôi nghĩ, điều gì đang xảy ra với mình, có phải tôi mắc một căn bệnh khó chữa? Đến năm 18 tuổi, tôi gặp một người bạn chuyển giới ở trường đại học. Cô đã đưa tôi đến Jakarta. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến thế giới mại dâm nhộn nhịp của các waria. Tôi nhận ra rằng, có thế giới khác đang tồn tại. Nhiều người như tôi được ăn mặc rất đẹp”. Yulianus nhận ra rằng, mình không hề cô đơn. "Nếu mặc quần áo đẹp và make-up, tôi có thể dễ dàng thu hút những chàng trai và được trả tiền vì điều đó”, Yulianus nói.
Những người chuyển giới rất khó kiếm việc làm ở Indonesia vì định kiến xã hội. Yuli nói rằng, ngoài việc làm gái mại dâm, những waria không thể làm bất cứ công việc gì khác. Trong công việc, Yulianus thường xuyên bị lạm dụng và khách hàng nhiều lần không trả tiền.
“Cũng trong thời gian này, tôi nghe tin cha mẹ mình qua đời. Chắc họ quá thất vọng khi nghe tin tôi mặc quần áo của phụ nữ. Tôi đã không về nhà dự tang lễ của cha mẹ vì sợ đối mặt với sự phản đối của người thân trong gia đình. Anh trai tôi là một cảnh sát, anh ấy đã rất tức giận và muốn bắn tôi vì cho rằng tôi đã làm tổn hại đến danh dự của gia đình", Yulianus chia sẻ. Theo lời kể của Yulianus thì anh trai từng dí khẩu súng lục vào đầu bà và định bóp cò. Bà đã quay trở lại Jakarta và tự nhủ sẽ luôn cố gắng làm mọi thứ để mọi người nhìn nhận khác đi về người chuyển giới. Yulianus trở thành waria đầu tiên tại Indonesia theo học ngành luật tại trường đại học Hồi giáo. Bà cũng là người đứng đầu cộng đồng người chuyển giới ở Indonesia và được gọi bằng cái tên trìu mền là "Mummy Yuli".
Cuộc đấu tranh khó khăn
Yoti Maya, gần 70 tuổi, răng đã rụng gần hết cũng đang sống trong ngôi nhà màu hồng nói rằng, cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người chuyển giới vô cùng khó khăn. Bà đã từ bỏ gia đình của mình khi còn là một thiếu niên.
"Mẹ tôi mở cửa phòng tôi và thấy tôi đang âu yếm với một người đàn ông. Cha tôi gọi tất cả các thành viên trong gia đình đến nói rằng, đó là điều không thể chấp nhận và tôi phải rời khỏi nhà ngay lập tức. Khi đó, tôi chỉ là một đứa trẻ và bị ném ra ngoài đường không chút thương hại. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi còn quá trẻ, không tiền bạc, không việc làm”, Yoti Maya nhớ lại. Cuối cùng, Yoti tìm được việc làm như một đầu bếp trên tàu và rong ruổi khắp châu Á. Bà hiện là đầu bếp cho nhà dưỡng lão. Bà Mbok Sri, 73 tuổi, phụ trách việc dạy may trong nhà dưỡng lão nói rằng, những waria trẻ không thể sống nhờ vào vẻ ngoài của mình. "Tất cả waria cần được giáo dục nghiêm túc. Không ai có thể chăm sóc chúng tôi, vì vậy, chúng tôi phải tự cứu lấy chính mình", bà Sri nói.
Theo Lao Động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà dưỡng lão dành cho người chuyển giới đầu tiên ở Indonesia