Vào lúc đại dịch coronavirus hoành hành Trung Quốc, nhà khoa học nữ Thạch Chính Lệ bị một số người Trung Quốc gọi là “mẹ của quỷ”, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 7.2.

Nhà khoa học Trung Quốc bị đổ là ‘mẹ của quỷ’ coronavirus

Mỹ Trinh | 07/02/2020, 15:39

Vào lúc đại dịch coronavirus hoành hành Trung Quốc, nhà khoa học nữ Thạch Chính Lệ bị một số người Trung Quốc gọi là “mẹ của quỷ”, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 7.2.

Bà Thạch còn được gọi là “nhà khoa học hang dơi”, vì bà đã đến các vùng núi sâu ở khắp 28 tỉnh Trung Quốc, tìm đến các hang dơi rồi mặc trang phục bảo hiểm từ đầu đến ngón chân để ở hàng giờ trong những cái hang bốc mùi hôi thối để thu thập những túi phân dơi.

Sau đó, bà Thạch đem các mẫu vật lấy được về Phòng thí nghiệm An toàn sinh học Quốc gia ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) để phân tích. Sau hơn 10 năm làm việc, bà đã dựng nên một trong những kho dữ liệu lớn nhất thế giới về các dòng virus liên quan đến loài dơi.

Chính từ kho dữ liệu này mà nhóm nghiên cứu của bà Thạch tìm đến, khi xảy ra cơn dịch coronavirus ở Vũ Hán hồi cuối tháng 12.2019. Nhóm của bà là nơi đầu tiên xác định coronavirus là hậu duệ trực tiếp của một dòng virus hoang mà họ từng tiêu hủy khỏi phân của một loài dơi quả ở tỉnh Vân Nam.

Hai dòng virus này chia sẻ với nhau 96% các gien, và bộ gien trùng hợp của chúng gợi ý rằng vật chủ mang mầm bệnh có thể là dơi, một trong nhiều động vật hoang dã được tiêu thụ ở chợ Vũ Hán. Chợ động vật hoang dã Vũ Hán - nơi phát hiện các bệnh nhân đầu tiên và đã bị đóng cửa - tiêu thụ rất nhiều dơi, khiến một số nhà khoa học cũng nghi ngờ dơi là động vật đã truyền coronavirus sang người.

Công việc của bà Thạch là bước khởi đầu cho giới nghiên cứu khoa học hiểu được nguồn gốc của virus mới. Công việc này thường được khen ngợi, nhưng bà Thạch lại bị chê bai. Theo SCMP, kết quảtìm tên của bà trên mạng internet đã tăng từ mức trung bình lên khoảng 2.000 lần trong chỉ một tuần qua, và hầu hết các bình luận về bà đều là tiêu cực, nhiều người gọi bà là “Mẹ của quỷ”.

Làn sóng công kích nhà khoa học 56 tuổi với nhiều thuyết âm mưu trên mạng xã hội, nổi bật một thuyết rằng phòng thí nghiệm của bà Thạch nhận được lệnh tạo ra 2019-nCoV như một loại vũ khí sinh học cho Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, loại virus này đã bị rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm và lây sang người ở Vũ Hán, tiếp đó phát tán đến nhiều tỉnh thành Trung Quốc và lây ra cả thế giới.

Khi sự công kích gia tăng, bà Thạch phải phản ứng. Chiều 2.2, bà gởi tin nhắn đến tất cả các bạn của bà trên mạng xã hội WeChat: “Tôi thề với sinh mạng của mình, rằng virus này không liên quan đến phòng thí nghiệm”.

Trên trang Weibo cá nhân, bà viết: “Coronavirus là sự trừng phạt của tự nhiên vì thói ăn uống và phong tục mọi rợ của con người”. Bà còn sẵn sàng "đánh cược mạng sống"rằng đợt bùng phát dịch này không dính líu gì tới phòng thí nghiệm Vũ Hán".

Nhân viên của Phòng thí nghiệm Vũ Hán - Ảnh : YouTube

Hiện bà Thạch là một trong những nhà khoa học tham gia nỗ lực toàn cầu truy lùng coronavirus chủng mới (2019-nCoV) giết chết được người bằng cách gây bệnh viêm phổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2019-nCoV có cùng họ với virus gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) giai đoạn 2002-2003. Hồi ấy dịch SARS đã làm chết 349 người và lây nhiễm đến 5.327 người (chủ yếu ở Trung Quốc và Hồng Kông).

Bà Thạch cũng là người có rất nhiều kiến thức về dịch SARS, từng xuất bản nhiều công trình nghiên cứu, chỉ ra dơi là vật chủ của nhiều mầm bệnh, trong đó có SARS.

Báo Washington Times mô tả phòng thí nghiệm Vũ Hán là phòng thí nghiệm cấp độ an toàn sinh học cấp IV - cấp cao nhất được thiết kế để chứa và nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới như Ebola, đậu mùa, sốt Lassa và virus Marburg.

Bà Thạch đang chỉ huy một nhóm nghiên cứu cách điều trị 2019-nCoV, cùng các nhà ngiên cứu của các ngành khoa học khác nhau. Khi được hỏi về những cú công kích trên mạng xã hội, bà chỉ nói: “Đời tôi nên dành cho những điều quan trọng hơn”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
9 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà khoa học Trung Quốc bị đổ là ‘mẹ của quỷ’ coronavirus