Chủ đầu tư khẳng định: “Nhà máy bột giấy VNT19 sử dụng dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại và đảm bảo an toàn môi trường. Công ty cam kết nếu có bất kỳ sự cố môi trường nào xảy ra (mặc dù theo thiết kế không thể xảy ra) nhà máy sẽ dừng hoạt động ngay lập tức"
Máy móc thiết bị đảm bảo chất lượng châu Âu
Sáng 1.11, Công ty Cổ phần Bột giấy VNT19 và các ban ngành tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề để giải đáp các thắc mắc liên quan vấn đề môi trường liên quan đến nhà máy bột giấy đang xây dựng tại xã Bình Phước (KKT Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Dự án triển khai trên diện tích 117ha với quy mô công suất 350.000 tấn/năm với nhiều hạng mục chính như: Khu xử lý mảnh, dây chuyền sản xuất bột, máy sấy bột, hệ thống chưng bốc và xút hoá, lò hơi thu hồi, lò hơi da nhiên liệu, các turbin và máy phát, các hệ thống nước cấp, hệ thống xử lý nước thải…
Dự án khởi công xây dựng từ quý 2/2015, dự kiến hoàn thành và hoạt động vào quý 4/2019. Theo báo cáo của chủ đầu tư, sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy sẽ tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1.000 người. Tạo thế cân bằng và chủ động cung cấp bột cho sản xuất các sản phẩm về giấy và các ngành khác trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Tiên Phong – Chủ tịch VNT19, tỷ trọng giá trị về sử dụng thiết bị cũ từ nhà máy TOFTE (Na Uy) rất nhỏ (chỉ khoảng 600 tỉ đồng) so với tổng mức đầu tư (10.000 tỉ đồng). Chủ đầu tư sẽ thay mới 100% nhiều hệ thống dây chuyền thiết bị như: Hệ thống xử lý nước thải, nước cấp, nước cấp cho lò hơi, lò hơi đốt than, lọc bụi tĩnh điện, tháp giải nhiệt, bộ hâm cho nồi nấu,… Ngoài ra, chủ đầu tư cũng nâng cấp các hệ thống chưng bốc, máy sấy, thay thế nhiều phụ tùng mới, hệ thống điện, điều khiển,…đảm bảo chất lượng châu Âu.
Tỉnh Quảng Ngãi đã duyệt phương án cho nhà máy này xả thải ngầm ra biển Việt Thanh (xã Bình Đông) với chiều dài đường ống khoảng 1km. “Xả thải ra biển Việt Thanh là đúng theo quyết định trong ĐTM và UBND tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi đã tham vấn cộng đồng và có biên bản và có sự chấp thuận của các đơn vị”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Tiên Phong cho biết thêm, hiện đang nhờ đơn vị tư vấn khảo sát và hoàn thiện phương án xả thải, nếu cần thiết thì công ty sẽ tổ chức họp dân lần nữa để thống nhất lại các vấn đề.
Trả lời Một Thế Giới về việc có tiến hành lắp đặt trạm quan trắc để giám sát hoạt động xả thải hay không, ông Chu Văn An, Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy bột giấy VNT19 cho biết đơn vị sẽ lắp đặt trạm quan trắc tự động ở trước hồ chỉ thị sinh học và sẽ có kết quả báo cáo về Sở TNMT.
“Chúng tôi đã cam kết sẽ làm hồ điều hòa và hỗ chỉ thị sinh học. Ngoài ra có hồ xử lý sự cố 50 ngàn khối nên gần như không có sự cố nào”, ông Phong nói.
Chủ đầu tư khẳng định dự án không gây ô nhiễm môi trường
Một vấn đề dư luận rất quan tâm là chính quyền Quảng Ngãi đồng ý cho phép sử dụng khoảng 50ha rừng dừa nước tại xã Bình Phước.
Trả lời việc này, ông Nguyễn Tiên Phong cho hay: “Dự án hồ Thái Cân do Công ty Môi trường nước Quảng Ngãi (gồm liên danh Công ty CP Bột giấy VNT19 và Công ty quản lý thủy nông Quảng Ngãi) thực hiện để bán nước phục vụ sản xuất cho VNT19 và các dự án khác. Hiện UBND tỉnh đã ra quyết định cuối cùng là cho chủ đầu tư lấy rừng dừa này và trồng trả lại chỗ khác”.
Còn ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị đề xuất lên UBND tỉnh Quảng Ngãi lấy 50ha rừng dừa làm hồ chứa nước) cho biết thêm: “Dự án hồ Thái Cân có diện tích 87ha trong đó có 50ha rừng dừa nước ở xã Bình Phước. Trong ĐTM chúng tôi đã mời nhiều ban ngành và chính quyền địa phương tham dự và đều thống nhấtbỏ rừng dừa này để làm hồ chứa nước”.
Ông Phong khẳng định: “Nhà máy Bột - Giấy VNT19 sử dụng dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại và đảm bảo an toàn môi trường. Công ty cam kết nếu có bất kỳ sự cố môi trường nào xảy ra nhà máy sẽ dừng hoạt động ngay lập tức".
Lê Đình Dũng