Công sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng dường như người dân vẫn phải đứng ngoài cuộc trong tất cả các khâu liên quan đến quy trình quản lý và sử dụng loại tài sản đặc biệt này”, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ Công ty Luật SBLaw nói.

Nhà máy đi, chung cư mọc: Thất thoát vào nhóm lợi ích

07/10/2018, 14:59

Công sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng dường như người dân vẫn phải đứng ngoài cuộc trong tất cả các khâu liên quan đến quy trình quản lý và sử dụng loại tài sản đặc biệt này”, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ Công ty Luật SBLaw nói.

Một trong số những dự án thất thoát được Thanh tra Chính phủ nêu - Ảnh: Vietnambiz

Ngân sách thất thu nghìn tỉ

Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2003-2016, UBND TP. Hà Nội đã đưa nhiều cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành. Các khu đất sau đó đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại...

Tuy nhiên, việc pháp luật không quy định lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết là kẽ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mục tiêu di dời là tạo ra môi trường trong sạch, giảm áp lực lên hạ tầng nội đô. Tuy nhiên, khi các nhà máy, công sở được dời đi lại mọc lên trung tâm thương mại. Tất nhiên, nhu cầu về văn phòng, trung tâm thương mại là có nhưng cần cân đối tỷ lệ hợp lý, tránh phản lại mục đích làm giảm hạ tầng đô thị.

Theo ông Đính, khi di dời nhà máy đi, Nhà nước ưu tiên cho chủ đầu tư phát triển dự án trên đất đó để tạo nguồn thu, chỉ thu tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất lại thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Trong khi đó, đúng ra Nhà nước phải tổ chức đấu thầu và cần ưu tiên việc sử dụng khu đất đó cho mục đích xây dựng công trình công cộng.

Ông Đính chia sẻ, nếu để tiếp tục sử dụng khu đất đó để phát triển dự án mới thì nhà đầu tư phải cam kết mang lại lợi ích cho Nhà nước và phát triển hạ tầng đô thị khu vực đó. Khi đó Nhà nước sẽ không lo thất thu và cũng đạt được mục đích giảm áp lực hạ tầng. Nếu không đấu thầu, chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp chuyển đi được liên doanh với nhà đầu tư khác làm dự án mới thì dễ dẫn đến lợi ích nhóm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw

Cũng nói với Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay, luật pháp quy định khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, công sản vẫn bị bán giá bèo cho doanh nghiệp dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước thông qua các vụ giao dịch tay trong, chuyển nhượng trái phép…

“Công sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng dường như người dân vẫn phải đứng ngoài cuộc trong tất cả các khâu liên quan đến quy trình quản lý và sử dụng loại tài sản đặc biệt này. Thậm chí ngay cả các tổ chức đoàn thể trong cơ quan xảy ra vi phạm nhiều khi còn khó nắm được các vi phạm này để ngăn chặn, tố cáo”, ông Hà nói.

Luật sư này cho rằng dư luận đã không ít lần ngạc nhiên khi thấy nhà, đất công nằm ở vị trí đắc địa nhưng được cho thuê - mua với giá rẻ mạt, tiền chảy vào túi riêng của một số người thay vì chảy vào ngân sách. Tình trạng này không chỉ khiến Nhà nước thất thu, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch mà ngay chính các doanh nghiệp thuê - mua tài sản công cũng bị đẩy vào thế rủi ro.

Đấu giá và phân cấp rõ ràng

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, tài sản công có phạm vi rất rộng, đa dạng, phong phú về chủng loại, mục đích sử dụng, được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng. Do vậy, việc phân cấp, giao quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, việc quản lý với đất đai, tài nguyên, tài sản hạ tầng do các bộ chuyên ngành thực hiện. Giá đất do các cơ quan chức năng của địa phương xác định và UBND cấp tỉnh quyết định. Tài sản công khi thanh lý phải qua đấu giá theo quy định. Để chống thất thoát, lãng phí, cần bảo đảm công khai, minh bạch. Phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục cho được những lỗ hổng pháp lý như vấn đề định giá đất, đấu giá tài sản; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát; …

Tại một hội thảo gần đây, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng muốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thì phải minh bạch thông tin để kêu gọi nhà đầu tư đích thực, gắn bó với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ Vinamilk chỉ làm sữa, Sabeco chỉ làm bia, nước giải khát chứ họ không làm bất động sản nên giá trị mới tốt, bền vững. Trước đây có sự nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, các doanh nghiêp có vị thế đất đai ở vị trí tốt mà anh không làm gì thêm để gia tăng giá trị tài sản cả.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Do vậy, Chính phủ đã đi trước một bước, quy định các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để địa phương sử dụng việc khác, còn anh làm ngành nghề gì thì cứ làm ngành nghề đấy.

“Trước đây là ta làm ào ào, có bao nhiêu tài sản đưa luôn vào báo cáo để bán để tạo ra lợi thế giả tạo. Doanh nghiệp cơ khí mà lấy đất đai của mình tạo ra giá trị gia tăng là không phải”, ông Tiến nói.

Điển hình như Hà Nội, địa phương này có quyết tâm, đã sắp xếp hàng nghìn mảnh đất lớn nhỏ trước khi cổ phần hóa Hapro và thu hồi được nhiều diện tích đất không sử dụng sau khi cổ phần hóa để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào đây.

Do đó, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phải đổi mới mới tư duy, công khai minh bạch và nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn vào tiềm năng thì mới đầu tư, vì tiềm năng chứ không phải vì đất.

Kẽ hở lớn nhất trong cổ phần hóa?

Một trong những con đường đưa tài sản công vào tay nhóm lợi ích chính là lợi dụng chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo LS. Nguyễn Thanh Hà, kẽ hở lớn nhất của cổ phần hóa là việc xác định giá trị doanh nghiệp không sát thực tế, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước.

Theo đó, các nghị định về cổ phần hóa hiện chưa tính đến yếu tố giá trị lợi thế của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm vào giá trị tài sản cổ phần hóa. Trong khi đây thường là khoản có giá trị rất lớn, đôi khi là lớn nhất của doanh nghiệp, nhất là giá thuê đất của Nhà nước thường rất thấp so với giá thị trường.

Lý do là Luật Ðất đai năm 2013 quy định, doanh nghiệp chỉ được giao đất đối với đất ở, còn các trường hợp khác thì phải thuê đất, với sự lựa chọn hai cách trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm. Nếu trả tiền thuê đất một lần thì giá trị quyền sử dụng đất sẽ cấu thành vào giá trị tài sản, còn đối với đất thuê trả tiền hằng năm thì không được tính vào giá trị tài sản.

Lam Thanh

Bài liên quan
Lý do Vinhomes Grand Park được giới trẻ chọn là 'mảnh đất vàng' khởi nghiệp
Giới trẻ đang đua nhau đổ về đại đô thị sầm uất và đáng sống bậc nhất khu Đông để tìm kiếm không gian sống “chất”, sống tận hưởng thời thượng. Đây cũng là nơi có sẵn hệ sinh thái, môi trường lý tưởng cho người trẻ khởi nghiệp bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà máy đi, chung cư mọc: Thất thoát vào nhóm lợi ích