Sáng 4.10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng: Cần nhìn thẳng vào những tồn tại, thua thiệt trong thu hút FDI

04/10/2018, 13:13

Sáng 4.10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 9.2018, Việt Nam có 26.646 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỉ USD vào 19 trong số 21 ngành nghề kinh tế của Việt Nam.

Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỉ trọng lớn nhất (57,1%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư gần 117 tỉ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp FDI phải như những con ong, bởi con ong đi hút mật không chỉ đảm bảo sự sinh tồn của nó mà còn làm thêm một động tác thụ phấn để đơm hoa, kết trái.

"Nhà đầu tư nước ngoài cũng như con ong mật, khi họ đầu tư phải có lợi ích, mang lại hiệu quả và việc họ vào đầu tư là một cách gián tiếp đóng góp cho nền kinh tế, tạo nguồn vốn, việc làm, các giá trị cho nền kinh tế và đóng góp cho thu ngân sách, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển đô thị và nông thôn…", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Dũng cho rằng thời gian tới cần ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Theo đó, FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Đồng thời, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng.

Mặt khác, thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI phải gắn với phát triển bền vững. Phải khai thác tối đa những lợi thế từ FDI nhưng phải bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, bảo đảm môi trường, củng cố vững chắc an ninh, quốc phòng của đất nước.

Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng cần phải đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ một số nước trong khu vực để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

“Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút FDI cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội quyết định thành lập khi điều kiện chín muồi.

Song song với đó là có cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ thúc đẩy phát triển và nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo sự liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp trong nước phải nhận thức rõ rằng, FDI cũng tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để thích ứng với yêu cầu hội nhập và liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài.

Khẳng định thành tích trong thu hút FDI của Việt Nam và đánh giá khu vực FDI là bộ phận không thể tách rời với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thậm chí thua thiệt của Việt Nam trong việc thu hút FDI.

Theo Thủ tướng, sau 30 năm thu hút FDI, các doanh nghiệp FDI chủ yếu sử dụng công nghệ ở mức trung bình, hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực và trên thế giới. Khu vực FDI không có nhiều công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ đầu tư cho phát tiển còn thấp.

“Việc liên kết khu vực FDI và trong nước, việc chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng, chủ yếu ở mức gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Nhiều dự án FDI tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, báo lỗ, chuyển giá, đầu tư chui, không đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho người lao động, trình độ quản lý còn yếu kém”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng cho rằng quản lý nhà nước về FDI còn thiếu chặt chẽ, thiếu tư duy quản lý để thu hút các nhà đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư công nghệ cao. Thiếu sự nhất quán ở các cấp, các địa phương,

“Doanh nghiệp FDI mang vốn, công nghệ vào Việt Nam là điều rất quý và đặt câu hỏi liệu nước ta có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực. Theo đó, cần có giải pháp tổng thể, quyết tâm cao trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, hợp tác đầu tư là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Lam Thanh

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Cần nhìn thẳng vào những tồn tại, thua thiệt trong thu hút FDI