Đúng với bản chất giả trá tàn bạo, trong khi những văn bản chiêu an của vua Minh còn chưa ráo mực thì quân Minh dưới trướng Trương Phụ đi đến đâu là tàn sát, cướp bóc man rợ đến đó. Việc cướp giết của giặc vừa để trả thù nhân dân các xứ Thanh Nghệ đã đóng góp nhiều cho nhà Hậu Trần, vừa để khủng bố tinh thần quân dân cả nước.
Kỳ 1: Nhà Trần từ 3 lần thắng Nguyên đến cuộc chiến với Chế Bồng Nga
Kỳ 2: Dẹp được Chế Bồng Nga, vua Trần lại gửi trứng cho ác
Kỳ 4: Hồ Quý Ly và mục tiêu 1 triệu quân chống lại phương Bắc
Kỳ 5: Chu Nguyên Chương và dã tâm xâm lược Đại Việt
Kỳ 6: Bạo chúa nhà Minh trái lời cha, muốn xâm lăng nước Việt
Kỳ 7: Hồ Quý Ly sai gián điệp hạ độc quan lại nhà Minh
Kỳ 8: Bị quân Hồ Quý Ly bao vây, tướng Minh viết thư xin tha mạng
Kỳ 9: Nhà Minh lộ dã tâm khi chuẩn bị 80 vạn quân xâm lược nước Việt
Kỳ 10: Hồ Nguyên Trừng và cuộc đọ súng đẫm máu với quân Minh
Kỳ 11: Cái giá đắt cho những người ngây thơ tin lời dụ dỗ của nhà Minh
Kỳ 12: Hồ Nguyên Trừng đại chiến quân Minh tại Hàm Tử quan
Kỳ 13: Hồ Quý Ly mất nước, Đặng Tất lập mưu lật thế cờ
Kỳ 14: Lịch sử đổ tội lên đầu Hồ Quý Ly thì có bất công không?
Kỳ 15: Chính sách đồng hóa, chia rẽ thâm độc của nhà Minh ở nước ta
Kỳ 16: Giặc Minh sa lầy khi lộ rõ bộ mặt thật trên đất Việt
Kỳ 17: Nhà Hậu Trần có Đặng Tất như hổ mọc cánh chiến đấu với quân Minh
Kỳ 18: Đặng Tất đem quân bắc phạt, tiễu trừ quân phản quốc
Kỳ 19:Đặng Tất đặt thiên la địa võng, chờ đấu 10 vạn quân giặc Minh
Kỳ 20: Cha con Đặng Tất, Đặng Dung tiêu diệt 10 vạn quân Minh
Kỳ 21: Hai vua nhà Trần bao vây quân Minh tại Đông Quan
Kỳ 22: Bại trận, nhà Minh lại khởi quân 10 tỉnh nhòm ngó nước ta
Kỳ 23: Đặng Dung huyết chiến quân Minh tại cửa Hàm Tử
Kỳ 24: Vừa sa lầy tại Đại Việt, nhà Minh lại bị quân Nguyên chém sứ, phá đồn
Kỳ 25: Hồ Nguyên Trừng làm gián điệp cho nhà Minh
Kỳ 26: Nhà Minh giấu lưỡi gươm hiểm ác, nhà Trần dùng kế tằm ăn dâu
Kỳ 27: Đặng Dung, Cảnh Dị dùng binh, bắt giặc Minh trả giá đắt
Kỳ 28: Quân Minh chịu cảnh sa lầy, vua Trần sai 3 ông tướng ra trận
Kỳ 29: Nhà Minh nể sợ Đặng Dung, nếu còn Đặng Tất giặc phải tan
Sau khi bại trận tại Mô Độ, nhà Hậu Trần đã mất đi một chốt chặn thủy quân nước Minh tiến xuống theo đường biển, cửa ngõ tiến vào Thanh Hóa cũng mở toang trước mắt quân Minh. Nhiều nơi ở phía bắc Thanh Hóa rơi vào tay giặc mà hầu như không có sự kháng cự nào đáng kể. Quân Hậu Trần tập trung về giữ Nghệ An là đất căn bản của nhà Hậu Trần lúc bấy giờ, nơi mà Trùng Quang đế đóng hành doanh.
Quân Minh tuy thắng trận nhưng cũng chưa dễ dàng tung ra đòn kết liễu. Để có được chiến thắng tại Mô Độ, giặc đã chịu những tổn thất không nhỏ về nhân mạng và thuyền bè. Đến khi tiến quân vào Thanh Hóa thì nhân dân rủ nhau trốn tránh, bất hợp tác, và kháng cự quyết liệt khiến quân Minh mất đi đáng kể nguồn hậu cần tại chỗ từ việc cướp bóc, trưng thu lương thực trong dân. Trong khi đó thì ở Nghệ An, quân Hậu Trần đã kịp tổ chức tuyến phòng thủ mới. Trước tình hình đó, Trương Phụ đã lệnh cho ngụy quan các xứ Tam Giang, Tuyên Hóa điều động ngụy quân, dân chúng đóng thêm chiến thuyền để bù đắp vào thiệt hại trước đó và tăng cường thêm sức mạnh thủy quân. Có lẽ sau trận chiến tại Mô Độ, Trương Phụ càng nhận thức rõ sự tinh nhuệ của thủy quân nhà Hậu Trần.
Chiến sự tại Đại Việt lúc này ưu thế đang nghiêng về quân Minh dưới sự chỉ huy của Trương Phụ, nhà Hậu Trần chỉ còn đủ sức giữ lấy phần đất từ Nghệ An trở vào nam. Thế nhưng quân Minh vẫn chưa đủ điều kiện để diệt được nhà Hậu Trần. Trương Phụ càng dẫn quân tiến sâu về phía nam, việc tiếp tế lương thực cho đạo quân đông đúc của hắn càng trở nên khó khăn. Thêm nữa, nguy cơ vùng Kinh lộ thừa lúc quân Minh đi đánh xa mà vùng lên vẫn luôn hiện hữu. Tình hình này khiến cho vua Minh là Chu Đệ nóng lòng. Vì vậy, hắn đã quyết định gửi thêm quân tiếp viện và nhiều quân lương để sớm kết thúc cuộc chiến, hoàn toàn khuất phục dân tộc Việt.
Đầu mùa thu 1412, tướng Minh là Hàn Quang, chức Hữu quân đô đốc đồng tri nhận lệnh vua Minh mang ấn “Chinh Nam tướng quân”, đem 1 vạn hộc lương và viện binh sang tăng cường cho Trương Phụ. Hàn Quang được phong chức Tổng binh, là chức quan mà Minh triều phong cho những tướng soái cầm quân đi đánh xa. Chức Tổng binh cũng là chức mà Trương Phụ trước đó đã được phong. Điều này cho thấy rằng những diễn biến chiến sự ở Đại Việt đã khiến cho vua Minh không hài lòng về Trương Phụ. Dù vậy, mọi diễn biến về sau cho thấy trên thực tế Trương Phụ vẫn là tướng soái chỉ huy chung nhất của quân Minh ở chiến trường Đại Việt.
Đồng thời với việc tăng cường quân tiếp viện và lương thực cho việc đàn áp, Chu Đệ tiếp tục dùng chính sách chiêu dụ. Vua Minh xuống chiếu “dạy dỗ” những ngụy quan và ru ngủ quân dân, kỳ lão nước ta :
“Trẫm vâng mệnh trời, thống trị thiên hạ, chỉ mong cho dân thiên hạ được yên ổn, Giao Chỉ ở xa tận ven biển, xưa là đất của Trung Quốc, nay đã lại như cũ, binh lính và dân chúng theo về giáo hóa đến nay đã mấy năm rồi, đã đặt mục, bá, thú, lệnh và quân, vệ, ty, chọn dùng những người trung lương, hiền năng để vỗ trị. Trẫm sớm khuya nghĩ đến, còn lo rằng đất xa dân đông, giáo hóa có chỗ không thấu tới, không được thấm ơn trạch yêu thương, nuôi nấng của nhà nước.
Nay bọn các ngươi đều là bề tôi trung lươmg, phải thể lòng kính trời thương dân của trẫm, hưng lợi trừ hại cho dân, thuận theo lòng yêu ghét của dân mà trừ bỏ mối gian tệ cho dân. Dạy dân cày ruộng, trồng dâu, khiến cho không trái thời vụ thì áo mặc, cơm ăn có chỗ trông cậy. Dạy dân bằng hiếu, để, trung, tín, khuyên dân điều lễ nghĩa, liêm sĩ, thì phong tục sẽ tốt lành. Khi tang ma, hoạn nạn thì thương xót giúp đỡ lẫn nhau. Lúc khốn cùng long đong thì chu cấp phù trì cho nhau. Người già phải dạy con trẻ, kẻ dưới phải kính bề trên, ai nấy phải thuận theo bản tính, không được làm trái với lễ. Chớ có làm trộm cướp, chớ có đi lừa dối, chớ múa may văn chương mà đùa với luật pháp, chớ theo ý riêng mà bỏ lẽ công, muốn cho dân chúng an cư lạc nhgiệp, mãi mãi là dân trời vô sự, để cùng vui thời thịnh trị thái bình, thì bọn các người phải thận trọng với chức vị của mình, làm tròn công việc của mình, theo được đức y thay trời nuôi dân của trẫm, để có thể sánh vai với những bậc thuần lương đời xưa, tên tuổi chiếu sáng sử xanh, thế chẳng tốt đẹp lắm sao !” (!?) (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Về mặt văn chương và ý tứ của vua Minh, có thể nói là một văn bản đầy lời lẽ tốt đẹp. Thế nhưng trên thực tế đây vẫn chỉ là một thủ đoạn chính trị quen thuộc. Và trước những hành động thực tế hoàn toàn trái ngược với những tờ chiếu dụ, cũng chẳng mấy người nước ta tin vào lời của vua Minh. Một số kẻ đã rắp tâm làm tay sai cho giặc thì chẳng qua để mưu cầu danh lợi. Một số khác, phải luồn cúi trước cửa quân nước Minh cũng chỉ để giữ thân cầu sống, tìm kiếm sự yên ổn chứ chẳng ai thiết tha gì với những lời rao giảng về nhân nghĩa giả trá của giặc.
Lại nói Hàn Quang khi đem quân tiến sang Đại Việt, đã đóng đại quân ở thành Đông Quan để giữ vững mặt sau cho Trương Phụ có thể dốc toàn lực tấn công nhà Hậu Trần. Được sự hậu thuẫn của quân tiếp viện ở tuyến sau, tháng 10.1412 Trương Phụ cất quân vào đánh Nghệ An, Diễn Châu. Đúng với bản chất giả trá tàn bạo, trong khi những văn bản chiêu an của vua Minh còn chưa ráo mực thì quân Minh dưới trướng Trương Phụ đi đến đâu là tàn sát, cướp bóc man rợ đến đó. Việc cướp giết của giặc vừa để trả thù nhân dân các xứ Thanh Nghệ đã đóng góp nhiều cho nhà Hậu Trần, vừa để khủng bố tinh thần quân dân cả nước.
Vua Trùng Quang nhận thấy lực lượng quá chênh lệch nên phải cùng các tướng bỏ Nghệ An, đem đại quân tiếp tục vượt biển lui về nam. Thiếu bảo Phan Quý Hữu cùng một số tướng lĩnh được giao nhiệm vụ lưu thủ Nghệ An để cầm chân Trương Phụ. Quân Minh tiến đánh Phan Quý Hữu ở sông Ác, huyện Thổ Hoàng, phủ Nghệ An (tức sông Ngàn Sâu, Hương Khê, Hà Tĩnh ngày nay). Phan Quý Hữu không đánh nổi quân Minh, rút lên núi Khả Lôi cố thủ. Trương Phụ đem quân bao vây núi. Phan Quý Hữu có quân tinh nhuệ trong tay nhưng không có lòng quyết chiến, sai con là Phan Liêu đến gặp Trương Phụ xin hàng. Phụ chấp thuận, cho Phan Quý Hữu làm Tri phủ Nghệ An, Phó sứ ty Án sát Giao Chỉ.
Trước đây, Phan Quý Hữu cùng Đặng Tất đều làm quan nhà Hồ, thế lực có thể gọi là tương đương nhau. Đến khi nhà Hồ sụp đổ, cả hai họ Đặng và họ Phan đều phải theo hàng quân Minh. Sau đó Đặng Tất phò vua Giản Định, chiêu hàng được Phan Quý Hữu về với nhà Hậu Trần. Quý Hữu tuy hàng Hậu Trần, cũng chỉ là làm tròn vai để mong được yên ổn. Vua Trùng Quang phong chức cao, chẳng qua vì nể nang thế lực Phan gia. Chính vì có lý lịch hay trở cờ như thế nên thật dễ hiểu với hành động đầu hàng của Phan Quý Hữu.
Vì nhà vua đã bỏ Nghệ An vào nam và tướng có quân đông mạnh nhất là Phan Quý Hữu đã hàng, nên các tướng quân còn lại của nhà Hậu Trần càng dễ dàng dao động. Một loạt tướng lĩnh theo gót Phan Quý Hữu đầu hàng Trương Phụ gồm có Trần Mẫn, Nguyễn Sĩ Cần, Trần Toàn Úc, Trần Toàn Mẫn, Trần Lập, Nguyễn Sảng, Nguyễn Yểm, Nguyễn Điệu… Điều này cho thấy tình cảnh bi đát của nhà Hậu Trần. Và nó cũng thể hiện được rằng nhà Hậu Trần được xây dựng từ những nền tảng không vững chắc. Các thế lực quân phiệt địa phương có sự tự trị rất cao. Một khi nhà vua không còn đủ sức để chế ngự, thì không có gì đảm bảo cho lòng trung thành của các đầu mục. Mất đi vùng đứng chân quan trọng là hai xứ Thanh – Nghệ, vua Trùng Quang đế chỉ còn lại các xứ phương nam là Tân Bình, Thuận Châu, Hóa Châu. Các nơi này xét về nhân lực, vật lực đều rất khiêm tốn không đủ sức để cho nhà Hậu Trần dựa vào mà tiếp tục cuộc chiến dai dẳng với quy mô khá lớn. Tuy nhiên bất chấp những điều đó, Trùng Quang đế cùng một số tướng lĩnh kiên cường và những chiến binh dũng cảm vẫn kiên quyết chiến đấu đến cùng với quân Minh. Nhà Hậu Trần vẫn chưa dừng lại hành trình viết lên những trang sử bi tráng của mình.
(còn nữa)
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai
16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba
18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt