Đại biểu Lê Hữu Trí cho hay có nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng thực chất dự án vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp, dẫn đến sự bức xúc của người dân.

Nhà nước thu hồi đất phải vì lợi ích quốc gia, công cộng và chỉ khi thật cần thiết

Hoài Lam | 21/06/2023, 12:21

Đại biểu Lê Hữu Trí cho hay có nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng thực chất dự án vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp, dẫn đến sự bức xúc của người dân.

Có sự lạm dụng trong thu hồi đất

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng mặc dù dự thảo đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, vì mục đích quốc phòng - an ninh, tuy nhiên dự thảo luật cũng không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai.

Do đó, ông Trí cho rằng dự thảo luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong luật.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng nêu Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất. Tuy nhiên, thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế - xã hội, không vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.

“Dự thảo luật cần quy định rõ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng - an ninh, nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận”, ông Trí nêu.

tri.jpg
Đại biểu Lê Hữu Trí phát biểu tại Quốc hội

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng lưu ý đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư thì cần phân định rõ trường hợp nào thì được Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào thì nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất.

Ngoài ra, trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất; đồng thời cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, mục đích phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể của việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cũng như cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị, nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Chênh lệch địa tô tiềm ẩn nhiều bất công

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW về hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính đất đai là nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai minh bạch chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao.

Đại biểu ăn Khải chỉ rõ đất nông nghiệp được mua gom được đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở, đất thương mại dịch vụ có giá cao gấp chục lần so với đất nông nghiệp. Do vậy vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân đã hy sinh, đóng góp, giao quyền sử dụng đất, giao tài sản của mình cho Nhà nước, cho nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị phát triển dự án. Như vậy, người dân có đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị”, ông Khải nêu.

khai(1).jpg
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) góp ý

Nhấn mạnh chủ trương của Đảng là kiên quyết không để người dân bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Luật Đất đai sửa đổi lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát; xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bổ sung trách nhiệm giải trình khi thu hồi đất

Góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại điều 86, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng. Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.

Đại biểu Bình cũng đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại điều 86 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

binh.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình

Góp ý về nguyên tắc đền bù, tái định cư, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng tờ trình của Chính phủ đã bỏ nội dung “người dân sau khi đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”. Tờ trình thì giải thích rằng việc bỏ nội dung này là do còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đại biểu Huân, cách giải thích như trên chưa thuyết phục, hiểu chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.

“Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rõ cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước, không có nghĩa là người dân phải có nhà to hơn hay đường vào nhà rộng hơn. Cuộc sống tốt hơn có nhiều chỉ số để đánh giá, một trong phương pháp để đánh giá được vấn đề này là phỏng vấn, ghi nhận ý kiến của người dân. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì sẽ bị vướng vào công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều, không xác định được như thế nào là người dân có cuộc sống tốt hơn”, ông Bình nêu.

Đại biểu Huân cũng cho rằng, do hiểu chưa đúng về vấn đề này nên dẫn tới điều 95 quy định thu hồi đất nông nghiệp sau đó đền bù bằng nhà ở.

“Có thể thấy, quy định trong dự thảo mới chỉ quan tâm tới thu nhập cụ thể chứ chưa quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng”, ông Bình nói và cho rằng cần tìm hiểu các dự án thí điểm ở nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước, nghiên cứu kỹ Nghị quyết 18 để có giải thích hợp lý, đạt được sự đồng thuận từ cử tri, không nên bỏ nguyên tắc này ra khỏi nội dung về cơ chế giá đền bù.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà nước thu hồi đất phải vì lợi ích quốc gia, công cộng và chỉ khi thật cần thiết