Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước cần thay đổi đầu tư công, tập trung đầu tư vào những dự án hiệu quả, đúng với vai trò của Nhà nước và “tư nhân hóa” thật mạnh các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

Nhà nước vẫn vừa đá bóng vừa thổi còi, lấn át đầu tư tư nhân

Trí Lâm | 12/04/2016, 14:39

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước cần thay đổi đầu tư công, tập trung đầu tư vào những dự án hiệu quả, đúng với vai trò của Nhà nước và “tư nhân hóa” thật mạnh các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

Nhà nước lấn át đầu tư tư nhân

Sáng 12.4, hội thảo "Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường -Những vấn đề cần cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020" doViện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch -Đầu tư ) và Ngân hàng thế giới phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong “màn dạo đầu” trước khi trình bày vấn đề vai trò của Nhà nước trong hoạt động đầu tư, TS Nguyễn Đình Cung nói rằngViệt Nam có một khái niệm mà 30 năm vẫn chưa rõ, đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đại hội 12 cũng đãthừa nhận khái niệm này chưa rõ. Một trong những điểm chưa rõ rất được quan tâm là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Theo ông Cung, Nhà nước vẫn đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể tham gia. Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối nhiều ngành, lĩnh vực. Hiệu quả đầu tư công thấp, kế hoạch và định hướng đầu tư công có nhiều hạn chế, tạo ra nguy cơ Nhà nước lấn át đầu tư tư nhân.

“Ngân sách nhà nước là nguồn chính của đầu tư công nhưng gần đầy có xu hướng phụ thuộc vào vốn vay, dẫn đến gia tăng nợ công. Hiệu quả đầu tư công thấp, thể chế quản trị đầu tư công kém, Việt Nam còn khoảng cách khá lớn so với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế ở khá nhiều chỉ tiêu” – ông Cung nói.

Trình bày tại hội thảo, bà Nguyễn Mai Thu (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia,Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã nêu một số nút thắt lớn trong tổ chức và cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam.

Theo bà Thu, vai trò của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công và thị trường dịch vụ công chưa rõ ràng. Hiện nay, Nhà nước vừa xây dựng pháp luật, vừa trực tiếp cung ứng lại cũng vừa có trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

“Thị trường dịch vụ công ở Việt Nam chưa tuân theo quy luật thị trường, thiếu cạnh tranh, mất cân đối cung -cầu. Cơ chế tài chính đối với dịch vụ công còn bất cập khi Nhà nước vẫn trực tiếp cung ứng dịch vụ công thông qua nguồn ngân sách cấp cho đơn vị công lập, đẩy gánh nặng về phía người dân”, bà Thu nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, chính sách hiện nay chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, thủ tục pháp lý phức tạp, không công bằng, chưa minh bạch, cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng chưa hợp lý. Còn bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công.

Theo TS Sandeep Mahajan – chuyên gia kinh tế của WB, chất lượng quản lý nhà nước tại Việt Nam yếu kém, xếp hạng quản trị của Việt Nam thấp so với khu vực. Mâu thuẫn trong việc quản lý dịch vụ công, các quy định của Đảng và Chính phủ còn chồng chéo trong việc đưa ra các quyết định nhân sự.

“Vai trò của Quốc hội còn hạn chế trong việc xây dựng và giám sát chính sách, tính khách quan của cơ quan tư pháp bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc nặng nề vào hệ thống hành pháp dẫn đến việc phân xử các lợi ích kinh tế không hiệu quả” – TS Sandeep Mahajan cho hay.

Nhà nước cần chuyển từ chủ sở hữu sang hỗ trợ, điều tiết

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Nhà nước chỉ nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe tác động đến tăng trưởng kinh tế, khuyến khích, tăng trường đầu tư tư nhân, chỉ nên làm những việc mà tư nhân không làm.

“Giai đoạn 2016-2020, cần thay đổi đầu tư công trong việc lựa chọn ưu tiên đầu tư, tập trung đầu tư vào những dự án hiệu quả, đúng với vai trò của Nhà nước. Với doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc “nắm lớn bỏ nhỏ” thì cần tư nhân hóa thật mạnh ở bán buôn, bán lẻ, vận tải, nhà hàng khách sạn…” – ông Cung nói.

Chuyên gia Sandeep Mahajan của WB cho rằngcần tăng cường kỷ luật thị trường đối với Nhà nước. Tăng cường sự đảm bảo về quyền sở hữu, thực thi cạnh tranh, giảm thiểu và quản lý tốt hơn sự tham gia của Nhà nước về kinh tế.

“Cải cách các mối quan hệ mà Nhà nước làm trung tâm, trong đó cải cách khuôn khổ phân cấp của Việt Nam là cơ bản. Tăng cường vai trò “Trung tâm của Chính phủ” với sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan khác nhau của Chính phủ tại Trung ương” – TS Sandeep Mahajan nói.

Theo vị chuyên gia này, cần tăng cường hành chính công, định hướng lại dịch vụ công cho phù hợp với vai trò thay đổi của Nhà nước – chuyển từ vai trò là người sản xuất và chủ sở hữu sang hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và điều tiết.

Chia sẻ tại hội thảo, TSCấn Văn Lực thẳng thắn chỉ rahiện nay chưa có người chịu trách nhiệm chính đầu tư công. Chưa có cơ quan thẩm định và giám sát các dự án đầu tư công.Theo ông Lực, cần phải có một đơn vị độc lập khác ngoài Quốc hội để giám sát việc này. Vấn đề minh bạch và trách nhiệm là quan trọng trong đầu tư công, vì đầu tư công hiện nay của chính ta chưa minh bạch.

“Dù ta có luật rất hay nhưng nếu cơ quan quản lý yếu kém, tham nhũng thì việc giám sát cũng bị yếu đi rất nhiều” – ông Lực nói.

Đồng tình với nhận định trên, bà Mai Thu cho rằng Nhà nước cần tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh cho hoạt động cung ứng dịch vụ công theo cơ chế thị trường đặc biệt và thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹlưỡng. Cần thay đổi phương pháp tài trợ, thiết lập cơ chế phản hồi hữu ích, khuyến khích, thu hút các tổ chức xã hội tham gia cung ứng dịch vụ công.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà nước vẫn vừa đá bóng vừa thổi còi, lấn át đầu tư tư nhân