Từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân nào được hoàn thành bàn giao. Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ.

Nhà ở cho công nhân đã thiếu lại còn bị chậm tiến độ

Hồ Đông | 22/10/2021, 17:28

Từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân nào được hoàn thành bàn giao. Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ.

Thiếu trầm trọng nhà ở dành cho công nhân

Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp. Điều này dẫn đến việc sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp gặp khó khăn, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, thiếu hụt lực lượng lao động...

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà công nhân (nhà lưu trú), nên không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp.

Về nhà ở dành cho công nhân, cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án. Với diện tích kể trên thì cả nước mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Riêng đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay trên địa bàn cả nước, số lượng mới đủ bố trí cho hơn 330.000 người lao động, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.

Đáng chú ý, trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao. Do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, hầu hết dự án bị chậm tiến độ.

Bộ Xây dựng cho rằng hiện nay chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân. Chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.

Pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp: Luật Nhà ở, Luật Đất, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế còn chưa có sự thống nhất.

Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.

Một số địa phương cũng chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

nha-o-cho-cong-nhan.jpeg
Nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu - Ảnh: Internet

Đề xuất gói tín dụng 30.000 tỉ

Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho Ngân hàng chính sách xã hội cũng như các tổ chức ngân hàng được chỉ định để cho vay phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có thể sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà công nhân) theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nghiên cứu dành một phần quỹ đất dịch vụ trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú công nhân. Đồng thời, rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng cho rằng lâu dài cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Về lựa chọn chủ đầu tư, giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác hoặc phối hợp với Tổng Liên đoàn đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân; điều kiện được thuê nhà công nhân phải là công nhân hoặc doanh nghiệp trong khu công nghiệp; diện tích sử dụng tối thiểu khoảng 10 m2/người.

Đối với các cơ chế ưu đãi, nên miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.

“Trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã xác định rõ việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất quan trọng. Do đó, các đơn vị trong bộ đã tập trung quan tâm, xác định được kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Bộ trưởng đã giao các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định hiện hành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại cũng như sẽ thống nhất điều chỉnh đồng bộ vào các Luật trong thời gian tới và hình thành cơ chế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Bài liên quan
Diện mạo thị trường bất động sản sẽ thay đổi nhờ cuộc đua săn quỹ đất
Chuyên gia dự báo cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động. Điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường trong 5 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
35 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ở cho công nhân đã thiếu lại còn bị chậm tiến độ