Trong vài ngày tới, TP.HCM sẽ tiếp tục mở cửa trở lại hàng chục chợ truyền thống tại các quận huyện.

TP.HCM đồng loạt mở lại chợ truyền thống

Hồ Đông | 22/10/2021, 11:59

Trong vài ngày tới, TP.HCM sẽ tiếp tục mở cửa trở lại hàng chục chợ truyền thống tại các quận huyện.

Nhiều chợ truyền thống được mở lại

Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 21.10, trong số 234 chợ truyền thống tại thành phố, đã có 96 chợ được mở cửa hoạt động trở lại. Trong đó, riêng ngày 20.10, thành phố có 15 chợ đồng loạt mở cửa gồm các chợ Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), Vườn Chuối, Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Bình Tiên (quận 6), Xóm Củi, Nhị Thiên Đường, Phú lợi 1, Phú Lợi 2, Phú Định (quận 8), An Phú Đông (quận 12), Da Sà (Cây Da Sà, quận Bình Tân), Thị Nghè, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Gò Vấp (quận Gò Vấp).

Trong ngày 21.10, chợ Phú Hòa Đông tại huyện Củ Chi được mở bán trở lại, chủ yếu hàng thực phẩm, lương thực. Như vậy, đến nay, các địa phương chưa mở chợ gồm quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè.

"4 quận huyện này không phải không mở lại mà cần phải đánh giá và phải đảm bảo an toàn từng bước trước khi mở lại. Bên cạnh đó, trong điều kiện chưa mở lại chợ truyền thống, các địa phương tuyệt đối không để chợ tự phát vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn phòng chống dịch cũng như an toàn thực phẩm”, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói.

Trong 3 ngày tới, theo đại diện Sở Công Thương, sẽ có khoảng 19 chợ tại các quận huyện tổ chức hoạt động trở lại. Cụ thể, đó là các chợ Cát Lái, chợ Chiều, Bình Trưng, Tân Lập, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Long Phước, Long Trường, Trường Thạnh, Thủ Đức (TP.Thủ Đức), Nhật Tảo (quận 10), Bình Hưng Hòa, Bình Long, Kiến Đức (quận Bình Tân), Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Phú Nhuận, Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận), Xóm Mới (quận Gò Vấp), Phước Lộc (huyện Nhà Bè).

cho-truyen-thong-tphcm.jpeg
Chính quyền TP.HCM đang triển khai các công việc cần thiết để khôi phục lại hoạt động chợ truyền thống - Ảnh: VGP

Chợ đầu mối Hóc Môn được hoạt động trở lại

Đối với các chợ đầu mối, ngày 21.10, UBND huyện Hóc Môn thống nhất tổ chức hoạt động trở lại tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến ngày 10.11, huyện đưa vào hoạt động 50% (153 sạp) các điểm kinh doanh rau củ quả và trái cây; 50% (50 sạp) các điểm kinh doanh nhà lồng chợ thịt, khu pha lóc.

Giai đoạn từ ngày 11.11 trở đi, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Hóc Môn và kết quả hoạt động giai đoạn 1 để huyện đưa ra các phương hướng tiếp theo. Theo đó, trường hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 giảm số ca nhiễm nhưng còn diễn biến phức tạp, chợ tiếp tục duy trì số lượng điểm kinh doanh như giai đoạn 1 và có thể tăng 10 - 20% điểm kinh doanh nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch và không để phát sinh các ca nhiễm trong khu vực chợ.

Trường hợp tình hình dịch bệnh đã khoanh vùng, kiểm soát tốt và công tác phòng chống dịch tại chợ kiểm soát tốt thì thực hiện bố trí 100% điểm kinh doanh vào hoạt động.

Theo UBND huyện Hóc Môn, khi đưa vào hoạt động, người tham gia hoạt động tại chợ và khách hàng đã tiêm đủ liều vắc xin phòng ngừa COVID-19; là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng (được kích hoạt mã QR xanh trên ứng dụng "Y tế HCM" hoặc xuất trình các giấy tờ liên quan việc chứng nhận tình trạng bệnh, tiêm phòng vắc xin).

Người trở lại làm việc lần đầu cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực theo quy định; thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế.

Đáng chú ý, trong đêm 21.10 - đêm đầu tiên chợ đầu mối Hóc Môn mở cửa hoạt động trở lại, khoảng trên 400 tấn nông sản thực phẩm từ các tỉnh thành đã được tập kết, giao dịch trực tiếp tại chợ.

Như vậy, ngoài chợ đầu mối Hóc Môn cho tổ chức hoạt động lại, đến nay 2 chợ đầu mối còn lại trên địa bàn TP là Bình Điền (Q.8) và Thủ Đức (TP.Thủ Đức) vẫn đang áp dụng mô hình điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa theo quy định.

Tuy nhiên, tổng lượng hàng cung ứng về tiêu thụ ngày 21.10 đã tăng so với ngày trước đó, đặc biệt phần cung ứng về các điểm tập kết trung chuyển ở 3 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày. Trước đó, vào ngày 1.10, có gần 1.000 tấn/ngày thì nay tăng lên 1.800 tấn/ngày.

Bài liên quan
Miễn giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị dịch COVID-19
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đồng loạt mở lại chợ truyền thống