Hơn 30 năm sống và làm việc tại Pháp, Ngô Kim Khôi được giới mỹ thuật quốc tế, bao gồm các nhà sưu tập và họa sĩ, biết đến như một nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam hàng đầu, đặc biệt là với tranh thời Đông Dương.
Trong giới thời trang, Ngô Kim Khôi là nhà dựng mẫu cho một số thương hiệu nổi tiếng và làm "Chef Atelier" (tạm dịch: quản lý xưởng may) cho Creation Yenilmez.
Gần đây, khi về Việt Nam, anh thường xuyên được mời chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức thời trang cao cấp tại một số sự kiện khác nhau. Vừa qua, anh đã có buổi gặp gỡ với các sinh viên ngành thời trang của Đại học Hoa Sen để nói về chặng đường 30 năm cùng Haute Couture Paris. Nhân dịp này, Một Thế Giới đã có buổi trò chuyện thân mật cùng anh.
MTG: Chào anh Ngô Kim Khôi, đây có phải là lần đầu tiên anh trò chuyện với các sinh viên Việt Nam về chủ đề thời trang?
- NKK: Nếu tôi nhớ không lầm, riêng việc trò chuyện với sinh viên tại Việt Nam về chủ đề thời trang, tính luôn lần này là lần thứ 4. Lần đầu tiên tại Vietnam Fashion Academy, lần thứ hai tại Học viện thiết kế thời trang F.A.C.E Fashion Design Academy, lần thứ ba tại khoa thiết kế thời trang ở Đại học Văn Lang.
Cảm xúc của anh khi trò chuyện với các bạn trẻ Việt yêu thời trang thế nào, thưa anh?
- Tôi rất ngạc nhiên được biết rằng, giờ đây, thiết kế thời trang là một trong những ngành học rất "hot" và được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Có lẽ vì vậy mà tôi liên tục được mời để chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này. Các bạn trẻ Việt Nam cũng như thanh niên thế giới rất giàu nhiệt huyết, thông minh và ham học hỏi. Các bạn đang có khát khao góp sức cho ngành thời trang Việt Nam phát triển hơn hiện tại và đạt mức ngang tầm thế giới.
Nhìn vào thực tế ngành thời trang Việt hiện tại, anh cảm thấy rằng khát khao của các bạn trẻ như thế nào?
- Ngành thời trang Tây Âu đã đi trước Việt Nam hàng trăm năm, đó là một khoảng cách mênh mông vô tận. Thú thật, ước mơ và khát vọng của các bạn chính đáng nhưng rất thách thức. Tại Việt Nam, trường hợp của Công Trí là rất hiếm hoi. Đây là nhà thiết kế được trời phú cho khả năng sáng tạo thiên bẩm, có dấu ấn riêng dù vẫn đi theo phong cách Tây phương. Thế hệ sau Trí có quá ít nhà thiết kế đạt đẳng cấp ấy.
Tuy nhiên, trong ý kiến cá nhân tôi, thời trang Việt muốn gây chú ý từ cộng đồng thế giới, cách hay nhất là lồng ghép giá trị văn hóa Việt vào các sáng tác. Bản sắc dân tộc là yếu tố quan trọng tạo nên nét riêng. Đó là cách hay nhất để nhà thiết kế Việt khẳng định được vị trí. Như một người bạn tôi, Thủy Nguyễn, đã biết lồng ghép nét độc đáo của hội họa Việt vào thời trang và khá thành công. Đây là một kinh nghiệm cần được vận dụng. Nếu các bạn chạy theo phong cách thế giới mà bỏ quên bản sắc Việt, rất khó bắt kịp.
Cách hay nhất là lồng ghép giá trị văn hóa Việt vào các sáng tác. Bản sắc dân tộc là yếu tố quan trọng tạo nên nét riêng. Đó là cách hay nhất để nhà thiết kế Việt khẳng định được vị trí.
Anh đánh giá thế nào về thiết kế của các bạn trẻ Việt trong nước hiện nay?
- Ngoài một số ít các bạn có phong cách được đánh giá cao, nhìn chung vẫn còn rườm rà, nhiều tình tiết thừa, rối rắm chưa đạt được sự tinh tế tối giản. Các bạn nên quan tâm đến điều này.
Anh có thể kể một chút về câu chuyện dấn thân vào thời trang cao cấp tại Paris của bản thân để từ đó rút ra bài học cho các bạn trẻ?
- Ông ngoại tôi là họa sĩ thời Đông Dương, tên ông là Nam Sơn. Mẹ tôi được thừa hưởng tính thẩm mỹ của ông nên từ nhỏ bà biết cách ăn mặc rất đẹp. Tôi thừa hưởng được nét nổi bật ấy. Tôi chưa từng đi học cắt may và thiết kế thời trang, nhưng tự mày mò làm tại nhà. Lúc đến Pháp, tôi làm thợ cắt may cho một công ty người Việt. Thời gian làm việc ở đó giúp tôi thành thạo kỹ thuật cắt ráp và ý tưởng sáng tạo nảy sinh ngày càng nhiều.
Khi công ty này đóng cửa, tôi nộp hồ sơ vào các thương hiệu lớn như một cách thử sức trong vai trò nhà dựng mẫu. Nhà dựng mẫu, nói cụ thể là khi nhà thiết kế đưa ra bản vẽ, người dựng mẫu phải cắt và may rồi thử trên Ma nơ canh sao cho hoàn chỉnh nhất. Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế, bởi vì từ mẫu vẽ ra thực tế luôn có một thách thức vô cùng lớn. Có những bản vẽ mà người dựng mẫu ngỡ rằng sẽ không bao giờ thực hiện được. Nhưng tôi luôn buộc mình không được thất bại và nỗ lực thực hiện cho bằng được các mẫu phức tạp nhất.
Tôi đã nhận được công việc tại Hermes rồi lần lượt là Christian Dior, Yves Saint Laurent, Jean – Louis Scherrer, Balenciaga, Givenchy, Scherrer... Sau cùng, tôi làm vị trí "Chef Atelier" (tạm dịch quản lý xưởng may) cho Creation Yenilmez.
Nhà dựng mẫu luôn đứng thầm lặng phía sau nhà thiết kế nên ít được công chúng biết đến, nhưng với công ty thời trang họ được trân trọng vì không thể thiếu. Tôi làm việc lầm lũi và không mong muốn mình nổi tiếng nhưng thời gian đã giúp cho giới thượng lưu và sành điệu thời trang tại Pháp, châu Âu biết đến tôi. Công ty từng giao cho tôi dựng mẫu cho trang phục trình diễn của Madonna và áo cưới cho Nicole Kidman. Tôi nhận ra một số bài học: ở lĩnh vực thời trang, năng khiếu trời cho chiếm hết 80% còn nỗ lực chiếm 20%. Khi chấp nhận làm công việc này bạn phải đam mê mãnh liệt và chịu được áp lực sáng tạo. Nếu có tài năng và tận tâm công hiến thì một ngày thế giới sẽ biết đến bạn.
Anh thấy rằng nhà dựng mẫu có làm được công việc của một nhà thiết kế không? Và anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?
- Nhà dựng mẫu hoàn toàn làm được công việc vẽ mẫu của nhà thiết kế. Từ nhà dựng mẫu đến nhà thiết kế không có khoảng cách lớn. Nói cách khác, khi bạn đã thành thục công việc dựng mẫu thì hình dáng thiết kế hiện lên rõ ràng trong tâm trí bạn. Ngược lại, có trường hợp nhà thiết kế vẽ mẫu được nhưng không dựng mẫu được. Nếu bảo tôi đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ rằng nên chọn lĩnh vực nào giữa hai công việc trên, tôi sẽ hỏi điều kiện thực tế của bạn ấy ra sao? Nếu chưa đủ điều kiện, hãy thử sức dựng mẫu trước. Đến lúc tích lũy được tài chính và kinh nghiệm, hãy bước tới vai trò thiết kế, bởi vì thiết kế là cuộc chơi rất tốn kém nếu bạn đầu tư đúng mức.
Câu hỏi cuối cùng, vì sao đang ở Pháp anh lại trở về Việt Nam?
- Mẹ tôi không muốn sang Pháp, bà thích ở quê hương Việt Nam hơn. Vì vậy, sau khi thấy bôn ba đủ, tôi quyết định trở về bên cạnh chăm sóc bà. Thực ra, đến một độ tuổi nào đó, bất cứ người con xa quê nào cũng muốn trở về, được sống trong sự ấm áp của văn hóa Việt. Tôi hạnh phúc được chăm sóc mẹ tôi cho đến khi bà qua đời vào năm ngoái, thọ 93 tuổi.
Giờ đây, tôi tập trung nghiên cứu mỹ thuật Việt nên ở Việt Nam là lựa chọn hợp lý. Thời gian này, tôi dành thời gian viết hai quyển sách cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Nam Sơn, và mỹ thuật Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi được mời vào các buổi talkshow về mỹ thuật tại Việt Nam và quốc tế.
Đôi khi, nhiều nhà sưu tập tìm đến tôi để xin lời khuyên, đặc biệt là phân định tranh giả và tranh thật. Tôi thấy mình vẫn còn hữu ích sau tuổi về hưu.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!