Bên bức tượng của Nguyễn Hướng Dương vừa khánh thành, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết bài thơ đầy xúc động để ghi nhận công ơn của người sáng lập ra thư viện sách nói dành cho người mù.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết bên tượng Nguyễn Hướng Dương

Tiểu Vũ | 06/05/2023, 14:32

Bên bức tượng của Nguyễn Hướng Dương vừa khánh thành, nhà thơ Lê Minh Quốc đã viết bài thơ đầy xúc động để ghi nhận công ơn của người sáng lập ra thư viện sách nói dành cho người mù.

Kỷ niệm 5 năm ngày mất của chị Nguyễn Hướng Dương (2018 - 2023), người sáng lập thư viện "Sách nói cho người mù", sáng 6.5, Quỹ từ thiện sách nói cho người mù đã tổ chức lễ đặt tượng chị tại thư viện ở TP.HCM. Bức tượng do điêu khắc gia Lâm Quang Nới thực hiện trên chất liệu đá trắng lấy từ Yên Bái. Tượng có chiều cao 1,8m tạo hình chị Nguyễn Hướng Dương mặc áo dài truyền thống, tay ôm bó hoa sen, gương mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ đang hướng về phía trước.

z4321868446161_62dc49386d1451e1e1c250f15d9c59d7.jpg
 Tượng  Nguyễn Hướng Dương đặt tại thư viện mang tên chị - Ảnh: T.V 

Ngay trong giây phút vải che bức tượng chị Nguyễn Hướng Dương được mở ra, nhiều người đã không khỏi xúc động khi nhìn lại gương mặt hình dáng thân thương của người sáng lập thư viện dành cho người mù đầu tiên tại Việt Nam. Từ thư viện này, những người không may bị khiếm khuyết về thị giác có thể tiếp cận được nguồn tri thức vô tận của nhân loại thông qua những cuốn sách nói để thấy thế giới này đẹp hơn.

Có mặt tại lễ đặt tượng chị Nguyễn Hướng Dương, nhà thơ Lê Minh Quốc đã xúc động sáng tác và đọc bài thơ Viết bên tượng Hướng Dương để ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp của cô gái đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để mang ánh sáng tri thức đến người mù:

Những người mù đã được đọc sách
Từ sẻ chia độ lượng của âm thanh
Em đã đến đã đi và để lại
Một tấm lòng mãi mãi xuân xanh

Tượng Hướng Dương chạm lên từ ánh sáng
Của đôi mắt tối tăm không nhìn thấy cuộc đời
Nhưng thấu cảm niềm yêu thương đằm thắm
Vẫn có em hiện diện cõi con người

Vẫn có em đồng hành trong đời sống
Chân trời mở ra trong đôi mắt mù lòa
Hoa Hướng Hương - em Hướng Dương còn đó
Đời còn vui rôm rã tiếng hoan ca...

Cũng trong dịp này, gia đình Hướng Dương đã giới thiệu cuốn sách Hướng Dương hướng về mặt trời. Cuốn sách gồm 60 bài viết của nhiều tác giả về Hướng Dương sau khi chị qua đời vào năm 2018. Tác phẩm được ví như lời tri ân của gia đình gửi đến những người đã đồng hành cùng Hướng Dương trong việc xây dựng và đóng góp cho các hoạt động của thư viện suốt thời gian qua... Tiền bán sách sẽ được gia đình góp vào Quỹ từ thiện sách nói cho người mù. 

z4321688940481_b3906d3518c463edc636869e91445cf2.jpg
Lễ đặt tượng Nguyễn Hương Dương tại Thư viện Sách nói cho người mù ở TP.HCM

Nguyễn Hướng Dương sinh năm 1971 tại Sài Gòn. Chị là người sáng lập, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù, Giám đốc Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù TP.HCM.

Năm 25 tuổi, khi đang làm hướng dẫn viên du lịch thì một tai nạn thảm khốc ập đến khiến cho chị bị mất đôi chân. Những chuyến đi ra bắc vào nam rong ruổi trên mọi miền đất nước đã khép lại… Trong những ngày tuyệt vọng chị đã từng tìm đến cái chết… Nhưng từ nghịch cảnh phũ phàng ấy, Nguyễn Hướng Dương đã tự mình đứng lên và tìm ra một lối đi riêng. Lối đi ấy không phải bằng đôi chân thông thường như bao người khác. Không còn đôi chân nhưng Nguyễn Hướng Dương đã bước ung dung trên cuộc đời này bằng một lộ trình đặc biệt, đó là con đường tình yêu vô tận của chị dành cho người mù.

images-motthegioi-vn-8443_5_127724.jpg
Chân dung chị Nguyễn Hướng Dương - Ảnh: Tư liệu

Tự đặt ra cho mình một sứ mệnh cao cả là mang lại ánh sáng văn hóa tri thức cho người mù, năm 1998 thư viện sách nói đầu tiên dành cho người mù ở Việt Nam do Nguyễn Hướng Dương sáng lập ra đời. Sau này căn nhà số 18B Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người mù ở thành phố và cả nước.

Đối mặt với nhiều vất vả khó khăn thiếu hụt về tài chính nhưng Nguyễn Hương Dương không nản lòng. Chị đã dành toàn bộ công sức và tuổi trẻ còn lại của mình cho thư viện. Qua đó, chị đã giúp những người mù mở cửa ra thế giới bằng lòng trắc ẩn, nhân văn và khát khao yêu cuộc sống của chị.

Từ những sách nói đầu tay, thu âm vào băng cassette, đến nay sách nói cho người mù đã trở thành một thư viện kỹ thuật số với các tiện ích hỗ trợ tối đa cho người khiếm thị. Nhờ có sách nói, người mù có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém.

images-motthegioi-vn-8443_huongduong_stys.jpg
Chị Hướng Dương đang thu âm sách nói cho người mù - Ảnh: Tư liệu

Từ ngày thành lập đến thời điểm Hướng Dương qua đời, thư viện miễn phí duy nhất dành cho người mù ở Việt Nam có được hơn 1.800 đầu sách nói, cung cấp hơn 402.000 bản sách nói dưới dạng băng cassette và CD. Có đến 103 đơn vị, hội người mù, mái ấm trên cả nước cùng với khoảng 16,7 triệu lượt người truy cập trên trang web chính thức của thư viện.

Không chỉ bó hẹp trong thư viện sách nói, Nguyễn Hương Dương còn tham gia nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện ý nghĩa khác như tích cực vận động cấp học bổng cho học sinh khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, thành lập học bổng Hướng Dương, học bổng Ánh Sen để hỗ trợ sinh viên khiếm thị học đại học; tổ chức các hoạt động du lịch miễn phí Thắp sáng niềm tin, dạy tin học cho người mù, tặng cây gậy dò đường...

images-motthegioi-vn-8443_2_huong_duong.jpg
Chị Hướng Dương cùng các em học sinh Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM - Ảnh: Tư liệu

Hướng Dương đã ra đi, nhưng 5 năm qua cuộc hành trình đến với tri thức của những người khiếm thị vẫn còn tiếp tục và nối dài đến vô tận. Trên con đường đó, những người mù vẫn cảm nhận rằng chị vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng với họ qua những trang sách, những cuốn băng với giọng đọc trong trẻo chứa đựng tình yêu và nhiệt huyết của chị.

Mặt trời lặn ở hướng tây rồi lại xuất hiện ở hướng đông vào lúc bình minh, Nguyễn Hướng Dương cũng vậy, chị vẫn ở lại mãi mãi trên cuộc đời này.

Bài liên quan
Lê Minh Quốc và 'Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt'
Cuốn sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” của nhà văn - nhà báo Lê Minh Quốc được xem như một công trình nghiên cứu về tiếng Việt đầy tâm huyết của tác giả.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Viết bên tượng Nguyễn Hướng Dương