Tác giả của "Nỗi buồn chiến tranh", nhà văn Bảo Ninh xác nhận, ông sẽ sớm đến Hàn Quốc để nhận giải thưởng Sim Hun vào ngày 2.9.2016 tới đây.

Nhà văn Bảo Ninh sẽ đến Hàn Quốc để nhận giải thưởng Sim Hun

Tiểu Vũ | 26/08/2016, 13:27

Tác giả của "Nỗi buồn chiến tranh", nhà văn Bảo Ninh xác nhận, ông sẽ sớm đến Hàn Quốc để nhận giải thưởng Sim Hun vào ngày 2.9.2016 tới đây.

Năm 2014, Nhà tưởng niệm Sim Hun phối hợp với Asia Culture Network, NXB Asia và UBND TP.Dangjin lập ra giải thưởng văn học mang tên nhà văn, nhà thơ, nhà cách mạng nổi tiếng xứ Hàn Sim Hun (1901 - 1936).

Tác giả nhận giải thưởng đầu tiên vào năm 2014 là nhà văn Jo Jung-rae, từng viết các tác phẩm nổi tiếng Hàn Quốc như: Dãy núi Taebaek, Arirang và Sông Hàn. Người nhận giải thưởng lần hai năm 2015 - nhà thơ Ko Un, từng nhiều lần được đề cử giải thưởng Nobel Văn học. Năm 2016 là Bảo Ninh của Việt Nam với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh.

Giải thưởng Sim Hun có ba hạng mục: Giải thưởng lớn; Giải thưởng văn học (dành cho các nhà văn Hàn Quốc); Giải thưởng Văn học cho thanh thiếu niên và thiếu nhi.
Hạng mục Giải thưởng lớn mà Bảo Ninh nhận được dành cho tác giả có thành tích đóng góp cho văn học châu Á và giới thiệu ra thế giới.

Nhà văn Bảo Ninh

Nhà vănBảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là con trai của Giáo sư Hoàng Tuệ (1922 - 1999), nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976-1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986 học khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.

Năm 1991, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (in lần đầu năm 1987 tên là Thân phận của tình yêu), được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt. Đó là câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới".

Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với nhan đề The Sorrow of War, được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không hề lên án phía bên kia.

Năm 2005, tác phẩm này được tái bản với nhan đề ban đầu là Thân phận của tình yêu; năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: Nỗi buồn chiến tranh. Nỗi buồn chiến tranh từng được dịch sang nhiều thứ tiếng và phát hành tại một số nước. Thậm chí, cuốn sách còn được một số nhà biên kịch chuyển thể sang lĩnh vực phim ảnh, nhưng do bất đồng quan điểm, nên dự án chuyển Nỗi buồn chiến tranh đã bị dừng vô thời hạn.

Nhà văn Bảo Ninh sẽ sang Hàn Quốc nhận giải vào ngày 2.9.2016 sắp tới. Về phía NXB Trẻ, đơn vị phát hành và đã mua bản quyền tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cho biết: Sắp tới, tác phẩm sẽ được NXB Trẻ tiếp tục tái bản lần nữa để phục vụ độc giả nhân sự kiện này.

Y Quyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng, hoàn thành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5.2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn Bảo Ninh sẽ đến Hàn Quốc để nhận giải thưởng Sim Hun