Anh Quốc Việt người từng làm việc ở tỉnh đoàn Tiền Giang, nhưng sau đó nghỉ về làm chủ quán ăn mang tên Tạ Hiền. Quán ăn của anh có một cái duyên là anh em văn nghệ sĩ, nhà báo thân tín thường ghé đến mỗi khi có dịp về miền Tây. Trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và món hàm dĩ

Một Thế Giới | 19/02/2015, 09:00

Anh Quốc Việt người từng làm việc ở tỉnh đoàn Tiền Giang, nhưng sau đó nghỉ về làm chủ quán ăn mang tên Tạ Hiền. Quán ăn của anh có một cái duyên là anh em văn nghệ sĩ, nhà báo thân tín thường ghé đến mỗi khi có dịp về miền Tây. Trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Từ kết nghĩa đến thân thiết, anh Năm Sáng coi anh Quốc Việt như người em. Mỗi khi về đây, anh Việt thường đãi anh Năm món hàm dĩ (tên Tàu) và anh Năm mê món này luôn. Khi anh Năm mất, anh Việt túc trực mấy ngày đám tang trên Sài Gòn.

Hôm đó, anh tập hợp một số bạn bè ờ Sài Gòn lai rai nhớ đến anh Năm. Đến dự và chủ tiệc (trả tiền) có anh Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, dù còn rất trẻ nhưng cũng có những chuyến đi chung với anh Năm thời anh còn sống để chu du miền Tây. Có bác sĩ Dũng vừa là bạn nhậu vừa là người chăm lo sức khỏe cho anh Năm. Cuối cùng là anh Quang, con trai đầu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và tôi.

Anh Nhựt không quên mang theo chai Chivas 12, loại rượu mà anh Năm khi sống rất thích uống. Chai rượu được khui ra, rót vào ly và được kê lên trên ba cái ly khác chụm lại.

- Ly rượu này dành cho anh Năm - Bác sĩ Dũng nói. Cùng lúc anh Nhựt kê cái ghế và nói: chiếc ghế này là của anh Năm.

Anh Quang kể, ba tôi thích uống dòng rượu này. Lúc chưa yếu sức, ba tôi có thể uống ở nhà hai ngày một chai. Có lần sinh nhật ông, tôi nói sẽ mua tặng ba chai Chivas 18 (loại 1 lít). Ông nói ông không thích dòng rượu đó. Thế là tôi đổi thành 3 chai Chivas 12 tặng ông.

Nhà tôi thường mua rượu này ở tiệm Thúy Tân Định. Đây là nơi trước kia cũng thường cung cấp rượu cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn uống. Theo anh Quang, khi nghe tin nhà văn Nguyên Quang Sáng mất, bà Thúy, chủ tiệm rượu đã mang hai chai Chivas 12 đến viếng và đặt lên bàn thờ cúng ba anh.

nha van Nguyen Quang Sang

Anh Quang kể, lúc còn khỏe, ba tôi có thể nhậu một ngày ba tăng. Sức khỏe ông rất tốt, Trưa ông làm tăng đầu về ngủ khoảng 30 phút là tỉnh dậy, tắm một cái là ông tỉnh hắn, lại đi tiếp tăng nữa. Chưa bao giờ thấy ông say. Về nhà là ông ngủ, không to tiếng với ai.

Bác sĩ Dũng kể, những tháng trước khi mất trông ông có vẻ mệt mỏi. Nhưng ông là người không có bệnh tật gì. Ông Năm nói với bác sĩ Dũng: “ Tao chỉ để cho mày khám. Còn mày từ chối thì tao không đi khám bệnh với thằng bác sĩ nào cả”. Nhưng ông ít khi chịu uống thuốc. Lúc nào bị cảm nặng, nói không ra tiếng ông mới chịu uống vài viên paracetamol. Còn không thì đang ngồi nhậu, ông gọi nhà hàng mang ra một chén nước mắm nguyên chất, ông uống từng muỗng rồi nói: có thứ này vô là hết bệnh ngay.

Theo bác sĩ Dũng, ông Năm kể nhiều chuyện cho ông nghe, trong đó có chuyến đi bộ từ Bắc vào Nam năm 1965. Lúc đó ông vừa thấp người, nhưng cũng rất gầy. ông phải tập mang ba lô, đi bộ để rèn luyện trước khi đi thật vào Nam. Nhưng các bác sĩ phát hiện ông bị khớp. Nhưng ông Năm kể, ông uống cà phê vô là hết ngay. Thế là không biết có chế độ gì ưu đãi không, bác sĩ duyệt cho ông cà phê uống hàng ngày trên đường vào Nam, mà chế độ đó thuở ấy cán bộ cao cấp mới có. Một lần bác sĩ Dũng tình cờ gặp người bác sĩ đã duyệt cà phê cho ông uống, kể lại cho anh Năm nghe. Anh Năm nói phải sắp xếp cho ông gặp để cám ơn, nhưng chưa kịp thì người bác sĩ ấy đã mất.

Anh Quang nói thêm, ba tôi nói, ngày xưa ông vừa thấp người vừa cân nặng chỉ có 35 ký. Khi hành quân, đến chỗ dừng chân bộ đội ta thường phải đào hầm trú ẩn để tránh bom. Riêng ba tôi thì ông không đào. Ông nói, bom mà thả trúng hầm thì cũng chết, còn sợ văng miếng thì cứ nhảy vào hầm ké đồng đội là được rồi vì lúc đó “tao nhỏ con lắm, vào hầm chung với đồng đội cũng vừa vặn thôi”.

Anh Nguyễn Minh Nhựt nói, anh chưa thấy có bài báo nào nói rõ về nơi sinh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Quê nhà văn Nguyễn Quang Sáng “dòng sông thơ ấu” nằm trên vùng “đại lục” của huyện cù lao Chợ Mới, đối diện cù lao Giêng bởi một nhánh nhỏ của sông Tiền. Mỗi lần qua đó phải đi đò. Nhưng đó là một cù lao rất đẹp. Không biết có phải cái cù lao này đã chấp cánh cho văn chương của ông rặt chất Nam Bộ không.
Rồi anh kể: Một lần hơi quá chén tôi có đùa với ông mà sau này nghĩ lại, thấy mình hơi hỗn. Tôi nói với anh Năm: Anh có biết tại sao anh ngồi nhậu ở quán nào là quán ấy chuyển đi không? Vì anh là Quang Sáng mà nói lái là Sang quán (g). Tưởng ông giận, vậy mà ông cười khà khà: Thằng này ngon, chưa có đứa nào dám giỡn tao như mày.
Bác sĩ Dũng tiếp lời: Có lần ông nhậu với anh Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt) về kể cho tôi nghe: Dũng mày coi, ông Sáu Dân nói, ông già mày (ý nói ba anh Năm) hay thật. Đặt tên cho mày, đã Quang rồi còn Sáng nữa!
Rồi bác sĩ chuyển sang đề tài khác: Tôi là người hay chở anh Năm về nhà sau các buổi nhậu, về đến nhà lần nào, cũng uống thêm với anh vài “giọt” trước khi về. Có lần tôi nói chuyện văn chương với anh. Tôi hỏi: anh Năm, tôi đọc truyện Con gà trng của anh nhưng không hiểu ý anh muốn nói gì. Anh cười: Có vậy mà không hiểu. Làm thằng đàn ông mà không làm được chuyện ấy với đàn bà thì cũng giống như con gà trống chỉ biêt gáy mà thôi.
Tính anh Năm là vậy đó. Truyện của anh thì câu nào ra câu đó, ý nào ra ý đó, nhưng trò chuyện văn chương thì ông cứ nói như là chuyện chơi. Có lần tôi cầm quyển sách giáo khoa nói với anh Năm: ngày mai con gái em học môn văn, đến tác phẩm Chiếc lược ngà của anh. Anh ký vào quyển sách này cho nó vui được không. Anh Năm nói liền: đưa đây. Rồi ông viết và ký rất nhanh: Tặng cháu... Nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Hôm sau con tôi vào trường khoe mấy đứa bạn, tất cả đều kính phục.

Đến phiên anh Quốc Việt tả về món hàm dĩ mà anh Năm rất thích ăn. Anh nói, anh Năm có thói quen khi nhậu thì chủ yếu nhìn mồi uống rượu, nhưng cuối tiệc thì bao giờ cũng ăn một chén cơm với cá kho. Món hàm dĩ tôi làm cho anh Năm ăn cơm chỉ lấy một phần cá sửu (ướp muối), trộn với thịt bằm, trứng... và đặc biệt phải có hành tím và gừng xắt sợi, sau đó đem chưng. Đầu bếp phải trộn thật khéo sao cho vị mặn của cá lan tỏa hết tô. Có lần ở Sài Gòn, ông Năm gọi điện thoại cho tôi nói: Tao đang ở Sài Gòn, mày a lô chỉ thằng đầu bếp này làm cho tao món hàm dĩ đi, tao thèm quá. Tôi trả lời, chỉ thì chỉ, nhưng sợ là nó không nấu được như em.

Câu chuyện tự dưng lặng xuống khi Quang, con trai đầu nhà văn nói trong xúc động: Anh em tôi rất kính phục ba tôi ở chỗ cả đời ông chỉ sống bằng ngòi bút để nuôi cả gia đình. Những năm tháng khó khăn, mẹ tôi lại bị bệnh, vậy mà một mình ông nuôi hết bằng ngòi bút của mình. Tôi nhớ ông viết cả kịch bản cải lương vì thời đó người ta xem cải lương đông lắm. Khi diễn tuồng bằng kịch bản ba tôi viết, ông thường dắt tôi hoặc em tôi (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) cùng đi vì sợ để ở nhà cùng lúc hai đứa mẹ tôi không chăm nổi. Tôi nhớ ba và tôi ngồi xem cho đến hết tuồng, nhưng thật ra là đợi chia tiền sau đêm diễn để về chi tiêu gia đình vì coi hoài thuộc lòng hết rồi...

Trên đây chỉ là những chuyện rất đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua lời kể của những người rất thân thiết với ông. Văn chương của ông cứ như bước ra từ cuộc đời, chứa đựng nhiều chất liệu sống như nhà văn Nguyễn Đông Thức có kể lại một mẩu đối thoại giữa anh và anh Năm Sáng về văn chương. Anh Năm Sáng hỏi Đông Thức:

-                      Mày nói mày thích Chiếc lược ngà là ở điểm nào?

-                      Không, em không thích Chiếc lược ngà. Nó hay một cách mẫu mực quá! Và lại có yếu tố ngẫu nhiên kiểu tác giả xếp đặt khi cho nhân vật tình cờ gặp đúng cô giao liên Thu để giao chiếc lược kỷ vật. Em không thích mọi sự ngẫu nhiên trong văn chương.

-                      Thằng này ngon! Để coi rồi mai mốt mày có xếp đặt ngẫu nhiên hay không nha! Vậy chớ mày thích truyện nào nhứt?

-                      Em thích truyện Một chuyện vui.

-                      Tại sao mày thích? Thích điểm nào của truyện? Tao xin lỗi phải hỏi mày, vì có rất nhiều người nói thích tao, đến hồi tao hỏi thích truyện nào của tao thì lại nói thích truyện Hòn Đất

-                      Em thích cái vụ anh du kích chỉa cu lên trời thách thức máy bay trực thăng!

-                      Haha, đó là chi tiết! Viết truyện, quan trọng nhứt là chi tiết nghe mày!...

Vâng, chi tiết trong những tác phẩm đồ sộ mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng có được là từ cuộc sống rất đời thường, rất giản dị và gần gũi như những câu chuyện mà những người rất thân thiết đã kể về ông nhân ngày cúng thất đầu tiên.

Lê Minh Đức
(Làng Cười)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và món hàm dĩ