Người ta cũng thường liên hệ giữa con dê và người có máu dê. Bà con thường chỉ trích và cảnh cáo những kẻ già đa tình hay sàm sỡ một cách bừa bãi, có ngày gặp tai nạn: Ai sinh vào năm dê đều mang tuổi Mùi. Đây là hình ảnh một cụ dê...
Tuổi Mùi là con dê nhà
Có sừng, có gạc, râu ra um sùm.
(Vè 12 con giáp)
Tuổi Mùi là tuổi tốt, dù mang tiếng là dê, nhưng dê dựng vợ, gả chồng theo các ông thầy lý số. Do đó, tuổi Mùi ai cũng thích, nhưng tánh dê thì không ưa:
Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
Em đây luông những ngậm ngùi tuổi Thân.
(Ca dao)
Người ta ăn thịt dê quanh năm, nhưng tết đến xuân về, món dê cũng được chọn là một thực đơn quý.
Thịt dê làm được nhiều món ngon và bổ không thua gì thịt bò, thịt heo.
Tuy đứng sau con ngựa, nhưng con dê cũng biểu tượng sự sung túc, mang nhiều sức sống sung mãn, đem lại cho người đời sự ấm no, hạnh phúc:
Năm Ngọ, mã đáo thành công
Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phù phê.
(Về miền quê)
Dê béo là dê thịt ngon nhất, một món ăn khá hấp dẫn được kế một trong ba cái thú vị mà con người ca ngợi, không ai là không thèm khi nói đến. Tuy nó thiên về vật chất quá, nhưng cũng là người trần mắt thịt, chớ có ai là Tiên, là Phật đâu:
Thế gian, ba sự khôn chừa
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.
(Ca dao)
Người ta cũng thường liên hệ giữa con dê và người có máu dê. Bà con thường chỉ trích và cảnh cáo những kẻ già đa tình hay sàm sỡ một cách bừa bãi, có ngày gặp tai nạn:
Dê xồm ăn lá khô qua
Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm.
(Vè)
Thói dê của bọn tình ái lung tung hoang tàng bị người đời nguyền rủa khá nặng nề.
Phụng hoàng đậu nhánh sa kê
Ông thần không vật thằng dê cho rồi.
(Ca dao)
Trong thơ “Lục Vân Tiên”, cụ Nguyễn Đình Chiều có tả lúc nàng Kiều Nguyệt Nga trên đường quanh co, khúc khuỷu đến phủ đường của Kiều công:
Trải qua dấu thỏ đường dê
Chim kêu, vượn hú bốn bể núi cao.
(Lục Vân Tiên)
Đoạn quan trạng Lục Vân Tiên “vinh quy bái tổ” gặp lại Nguyệt Nga, giữa lúc mọi người tổ chức vui mừng hạnh phúc của đôi trai tài gái sắc, thì lúc đó bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng “dê” Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn:
Còn người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.
(Lục Vân Tiên)
Trong dân gian, từ dê đã biến dạng thành de. Chữ de gốc từ dê mà thôi. Nó làm cho ngôn ngữ thêm vô cùng phong phú, trữ tình:
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai de được con đò Thủ Thiêm.
(Ca dao)
De tức là gần gũi o bế, tạo hiểu biết kích thích cho nhau. Dê là thuộc tính của đàn ông, trái lại đàn bà cũng biết dê đấy chứ, nhưng không bạo dạn như đàn ông. Chữ de vào ca dao, nó khá hay vừa tượng hình, vừa tượng thanh, đầy sức quyến rũ:
Cam sành lột vỏ còn the
Thấy em còn nhỏ anh de để dành.
(Ca dao)
Dê con trông rất dễ thương, thường chạy giỡn hồn nhiên, những nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã một lần chê lũ dê này:
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
Trong nghề điêu khắc, thợ mộc cùng có chỗ đứng của con dê, vì con dê là một trong ba con vật “tam sinh” (bò, heo, dê) trong các lễ hội được dùng để tế thần:
Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
(Ca dao)
Trong các trò chơi dân gian dịp tết, có trò chơi “bịt mắt bắt dê” hào hứng, sôi nổi. Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận đụng chạm vui đùa với nhau.
Giả vờ bịt mắt bắt dê
Để cho cô cậu dể bề... với nhau
(Vè)
Nhà thơ Bùi Giáng có một thời kỳ chính ông cũng một thời chán đời về mua dê và chăn dê ở quê nhà, núi đồi Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, trong khoảng từ 1945 đến 1952, ông đã có bài thơ cảm khái trong đó mô tả về loài dê.
Trời núi đôi ngây ngất nhảy dê nhanh
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Nhảy múa tung sườn núi vút dòng khe
Thôi từ nay tha hồ em mặc sức
Vang vang lên đôi núi giọng be be
Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả
Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh
Ngẩng đâu lên! Đây lòng anh vàng đá
Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên...
Dê cũng là hình ảnh tiêu biểu đi vào văn thơ, góp phần tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thế loại và ở mọi thời đại. Từ các áng văn chính luận sắc bén chống giặc như “Hịch tướng sĩ” (thế kỷ 13) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có câu “Uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”) hay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (thế kỷ 19) của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiếu có câu “Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó” đến thơ ca lãng mạn trữ tình như bài “Dê cỏn” (thế kỷ 18) của bà chúa thơ Nôm - nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương:
“Khéo khéo đi đâu lũ ngân ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê còn buồn sừng húc dậu thưa”
Còn trẻ em Việt Nam khi chơi trò dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn:
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ngồi xệp xuống đây”
Ở một lĩnh vực khác, tĩnh lặng nhưng phong phú, bền vững là hình tượng dê trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Dê được thể hiện khá đa dạng trên tranh, bia, miếu, đình, đền, chùa, rạp, nhà, công sở... với đủ loại chất liệu: đất, đá, vữa, bạc, đồng, gỗ, mực... và bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, xăm, chạm, khắc, đúc, nung, vẽ... Trong lục súc (trâu, gà, chó, lợn, dê, ngựa), có lẽ dê là hình tượng tiên phong xuất hiện ở các chùa chiền cổ xưa - nơi vốn thường chỉ thấy hình ảnh các loài vật linh thiêng, cao quý (rồng, hổ...). Chẳng hạn, tại bệ đá đặt tượng Phật của ba chùa Bối Khê, Trung, Quế Dương ở Hà Tây (cuối thế kỷ 14) đều có khắc hình dê vui tươi, miệng ngậm cành lộc, đầu ngoảnh về phía sau. Tại bệ đá chùa vắp ở Yên Bái cũng khắc hình dê tương tự (nhưng miệng không ngậm gì). Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh (đầu thể kỷ 17) hiện diện hơn 50 bức chạm nổi trên lan can đá, trong đó một bức bên trái thượng điện chạm rất tinh tế ba con dê: một con nằm nhởn nhơ trên cỏ, hai con còn lại với tư thế sinh động khác nhau đang ngang nhìn bầu trời cao rộng có vầng dương lấp ló sau áng mây. Cùng thời gian này, tại nhiều chùa khác, còn thấy trang trí những hình tượng dê đang đùa giỡn vui nhộn (đôi khi đến mức hài hước) trên bia và khánh đá...
Tóm lại, do được thuần dưỡng từ rất sớm và được nuôi phổ biến, loài dê đã tạo ra giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam.
Quốc Đại / Làng Cười