“Nếu có bắt được quả tang bọn trộm thì chỉ có thể… xử phạt hành chính”, ông Chân nói.

Nhà vườn nhấp nhổm ăn Tết vì ‘mít tặc’ hoành hành

Hùng Anh | 22/02/2018, 08:15

“Nếu có bắt được quả tang bọn trộm thì chỉ có thể… xử phạt hành chính”, ông Chân nói.

Nhiều chiêu thức để trộm mít

Sáng mùng 3 tết, ông Hai Dương ở xã Hội Xuân (H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) ngồi trong nhà tiếp khách mà 2 con mắt cứ nhìn ra ngoài vườn mít Thái đang đến kỳ thu hoạch. Hễ thấy ai lạ mặt đi ngang qua nhà trầm trồ mấy cây mít trĩu trái, ông Hai Dương lại kêu mấy đứa con đi ra vườn “tuần tra” 1 vòng.

Ông Hai phân trần: “Từ đầu năm 2018 đến những ngày giáp Tết Nguyên đán, thị trường Trung Quốc đột nhiên thu mua mít Thái rất mạnh, khiến giá mít lên đến mức kỷ lục 50.000 - 55.000 đồng/kg. Những ngày tết, nhiều vựa mít vẫn mở cửa mua bình thường không nghỉ, dù giá giảm chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg. Giá mua mít cao nên từ trước Tết đến nay, bọn trộm mít hoành hành rất dữ dội, bởi chỉ cần trộm được trái mít loại 1 nặng 15 - 20 kg thì đã bỏ túi rủng rỉnh vài trăm ngàn đồng. Vườn mít của tui không giữ ngày, giữ đêm thì đã mất sạch”.

Còn ông Lê Văn Dũng ở xã Phú An (H.Cai Lậy) cho biết ông có hơn 2.000 m2 đất trồng mít Thái, nhưng vườn ở xa nhà nên từ trước Tết ông đã phải che chòi trực chiến luôn ngoài vườn để đề phòng mất trộm. “Mấy ngày Tết hễ có bà con, bạn bè đến thăm viếng, chúc Tết thì tui phải kêu mấy đứa con ra vườn giữ mít để tui về nhà tiếp khách, cũng không dám nhậu nhiều như mấy năm trước vì sợ ban đêm say rượu ngủ quên thì vườn mít mất sạch. Không riêng gì tui mà nhiều chủ vườn mít ở Phú An, Hiệp Đức cũng phải che chòi ngoài vườn giữ mít, ăn Tết mà không vui vẻ gì vì cứ nhấp nhổm lo mất trộm”, ông Dũng than thở.

Ở ấp An Hòa, xã Đông Hòa Hiệp (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhiều nhà vườn cũng ăn Tết không ngon vì nạn trộm mít. Ông Trần Văn Chân, Tổ trưởng tổ 10, cho biết nhà vườn canh giữ vườn mít cả ngày lẫn đêm, nhưng chỉ cần sơ sẩy chút xíu là trái mít không cánh mà bay mất.

Ông Chân kể: “Tui có người hàng xóm trồng cây mít ngay trước cửa nhà, mới có 2 trái đầu mùa, mỗi trái nặng khoảng 20 kg. Trước Tết mấy hôm, ổng phát hiện 2 thanh niên lạ mặt nhiều lần chạy xe gắn máy qua lại cứ nhìn cây mít, nên ổng rất cảnh giác, ban đêm dù bật đèn điện sáng choang cạnh cây mít nhưng 2 vợ chồng vẫn thay nhau canh chừng 2 trái mít. Vậy mà ban ngày, lúc 2 vợ chồng bận đi công việc giao cho đứa con, nhưng nó mê chơi nên bọn trộm hái 2 trái mít lúc nào không biết.

Bản thân tui cũng là nạn nhân của bọn trộm mít. Ngày giáp Tết, tui đang loay hoay ngoài vườn thì có 2 thanh niên dừng xe hỏi thăm đường đi, khen cây mít của tui có trái to, đẹp. Dù tui rất cảnh giác nhưng vừa quay vào nhà chút xíu trở ra vườn thì trái mít loại 1 nặng hơn 20 kg đã mất tiêu”.

Theo ông Chân, hiện nay bọn trộm mít có rất nhiều chiêu thức, nhưng tinh vi nhất là chiêu chở theo giỏ xách to đùng giả dạng người đi thu mua mít. Nếu gặp chủ vườn thì chúng giả vờ hỏi mua nhưng sau đó chê mít xấu rồi bỏ đi, còn gặp vườn vắng chủ thì bọn chúng ra tay hái trộm.

Giá thu mua mít Thái rất cao nên nạn trộm mít hoành hành khắp nơi từ trước tết Nguyên đán- Ảnh: Thanh Hùng

“Gặp bọn trộm mít giả dạng người đi thu mua thì rất khó xử lý. Bởi lẽ trái mít nào nhìn cũng như nhau, do chủ vườn không thể làm dấu để nhận biết mít của vườn nhà mình, nên bọn trộm có chở mít đi công khai ngoài đường cũng không thể nói đó là mít ăn trộm. Nếu có bắt được quả tang bọn trộm vào vườn hái trái thì khi đưa ra chính quyền, công an xử lý cũng chỉ có thể… xử phạt hành chính, nên bọn chúng không sợ”, ông Chân nói.

Cảnh giác với thị trường Trung Quốc

Theo các chủ vườn ở miệt Cái Bè, Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang, cây mít Thái “siêu sớm, siêu trái” xuất hiện ở Cai Lậy hồi năm 2010. Sau vài năm, do giá bán rất cao, có bao nhiêu trái thương lái mua hết bấy nhiêu, nên loại mít này đã phát triển rất nhanh sang vườn cây ăn trái ở các địa phương khác như H.Cái Bè (Tiền Giang), Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.

Nhà vườn đổ xô trồng mít Thái siêu sớm, siêu trái vì loại cây này trồng xuống đất sau 2 năm đã cho thu hoạch, năng suất rất cao so với các giống mít khác, khoảng 3.000 - 4.000 kg/1.000 m2 đối với cây 3 - 4 năm tuổi, tương đương 30 - 40 tấn/ha, nhưng dễ trồng, tốn ít phân bón. Tính đến giữa năm 2017 diện tích trồng “siêu mít Thái” ở các tỉnh ĐBSCL ước tính đã lên đến hơn 55.000 ha (sản lượng hơn 2 triệu tấn trái) và vẫn đang tiếp tục phát triển.

Giữa lúc nông dân đua nhau phát triển “siêu mít” thì đã có không ít ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp cho rằng việc phát triển ồ ạt vườn mít đã phá vỡ cơ cấu, quy hoạch cây trồng của các địa phương, tất yếu sẽ dẫn đến việc “được mùa, dội chợ, rớt giá” đang kéo dài triền miên trên “vương quốc trái cây ĐBSCL”, đặc biệt là trái mít Thái hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá thu mua lên hay xuống đều do thương nhân Trung Quốc quyết định.

Sáu Thành, chủ vựa thu mua mít Thái ở H.Cái Bè, cho biết lâu nay “siêu mít Thái” chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, số lượng tiêu thụ nội địa rất ít. Tuy nhiên ông Thành cũng không biết phía Trung Quốc mua mít để ăn tươi hay chế biến ra các sản phẩm khác, chỉ biết khi họ yêu cầu cung cấp hàng thì ông Thành và các chủ vựa đi thu mua bán cho họ, lúc không có yêu cầu thì ngưng mua.

“Giống như nhiều loại nông sản khác lâu nay xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thường bị o ép giá cả và chất lượng, trái “siêu mít Thái” của miền Tây Nam Bộ cũng chung số phận vậy thôi. Bằng chứng là 2 năm gần đây có những thời điểm giá mít Thái xuống rất thấp, chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg, có lúc 2.000 đồng/kg nhưng nhà vườn rất khó bán sản phẩm vì hàng trăm vựa thu mua mít trong khu vực thường xuyên đóng cửa hoặc thu mua nhỏ giọt do thị trường Trung Quốc không ăn hàng”, Sáu Thành nói.

Chính ông Chân cũng thừa nhận: “Lúc mít trúng giá thì mọi người cười vui hớn hở, khi rớt giá thảm hại kêu bán không có ai mua, cho heo, bò, cá ăn chúng cũng không thèm, thì mặt mày chủ vườn méo xẹo. Điệp khúc này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa, vì bây giờ nhìn đâu cũng thấy siêu mít”.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, hiện nay trái “siêu mít” đang có thị trường xuất khẩu là Trung Quốc và Campuchia, nhưng giá cả chưa ổn định, đặc biệt giá chỉ cao vào các tháng 8-9-10, những tháng còn lại thì giá thấp, nên nhà vườn cần nghiên cứu quy trình canh tác để cây cho trái vào những tháng giá mít cao sẽ không bị “dội chợ, rớt giá”.

“Hiện nay các sản phẩm chế biến từ trái mít non ở các nước như Ấn độ, Sri Lanka rất nhiều, vì họ biết mít non trị được tiểu đường, ngăn ngừa được bệnh ung thư. Do mình không có thông tin này nên việc ăn mít non chưa nhiều như ở các nước nói trên. Vì vậy việc chế biến mít non để xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ vào những tháng sau mùa hè là rất tốt, hạn chế được vấn nạn “được mùa, rớt giá” vì chỉ phụ thuộc vào 1 thị trường”, ông Châu cho biết.

Thanh Hùng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà vườn nhấp nhổm ăn Tết vì ‘mít tặc’ hoành hành