“Chết lên chết xuống vì tình thì viết nhạc mới hay” là lời chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tác giả bản nhạc nổi tiếng “Bài thánh ca buồn” .

Nhạc sĩ 'Bài thánh ca buồn': Chết lên chết xuống vì tình mới viết nhạc hay

Tiểu Vũ | 23/02/2021, 19:56

“Chết lên chết xuống vì tình thì viết nhạc mới hay” là lời chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tác giả bản nhạc nổi tiếng “Bài thánh ca buồn” .

Tác giả của Bài thánh ca buồn tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, nghệ danh khi sáng tác là Nguyễn Vũ. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nộị, lớn lên ở Đà Lạt, hiện sống tại Sài Gòn.

Nguyễn Vũ sáng tác không nhiều, nhưng không ít tác phẩm của ông đã đi vào lòng công chúng.

images-motthegioi-vn-003(1).jpg
Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Vũ - Ảnh: MTG

Năm 12 tuổi (1956), ông đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức. Năm 23 tuổi, ông có bản nhạc đầu tay Huyền thoại một chiều mưa, sau đó đến những tình khúc như Ga chiều phố nhỏ, Bài cuối cho người tình, Kỷ niệm xa bay. 

Bài thánh ca buồn sáng tác năm 28 tuổi là nhạc phẩm ghi dấu tên của Nguyễn Vũ trong làng tân nhạc Việt Nam.

Nổi tiếng trong âm nhạc nhưng về đời tư của mình thì Nguyễn Vũ khá kín tiếng. Chuyện tình cảm, những bóng hồng đi qua trong cuộc đời của Nguyễn Vũ luôn là điều bí ẩn đối với công chúng.

Nguyễn Vũ chắt chiu từng kỷ niệm tưởng đã bay xa trong cuộc đời mình để viết thành những bản tình ca bất hủ, làm say đắm bao người yêu nhạc với giai điệu và ca từ đẹp đẽ dù kể về câu chuyện tình buồn.

images-motthegioi-vn-001.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thời thanh niên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không có nhiều nhạc sĩ trong dòng nhạc trữ tình thời vàng son thập niên 60-70 có được lượng khán giả đông đảo từ giới trí thức đến cả bình dân. Nguyễn Vũ lại là một trong số ít nhạc sĩ làm được điều đó. Ông là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng được xem như tiếng lòng của bao người đang đắm chìm trong tình yêu

Âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Vũ có sự lãng mạn của Hà Nội - nơi ông sinh ra, có sự trong trẻo tươi mát của cao nguyên Đà Lạt - nơi ông lớn lên và có sự ngọt ngào tình tứ đặc trưng của âm nhạc phương Nam - nơi ông thành danh. Chính sự đặc sắc trong âm nhạc như vậy nên dù không có số lượng ca khúc đồ sộ như nhiều nhạc sĩ khác nhưng các sáng tác của Nguyễn Vũ vẫn có một vị trí vững chắc trong kho tàng âm nhạc trữ tình qua suốt nhiều thập niên.

Sau nhiều năm sống gần như là ẩn danh, mới đây nhạc sĩ Nguyễn Vũ xuất hiện trong Chân dung cuộc tình để kể lại chuyện đời chuyện tình của mình qua những ca khúc đã sáng tác.

Khách mời đặc biệt trong chương trình về nhạc sĩ Nguyễn Vũ là danh ca Thái Châu, ca sĩ đầu tiên thể hiện rất thành công ca khúc kinh điển Bài thánh ca buồn. Hồi tưởng về những gì đã qua, danh ca Thái Châu vẫn còn nhớ chính xác nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết xong ca khúc này vào năm 1972 và ngay lập tức được trung tâm Sơn Ca mua độc quyền, sau đó chỉ định anh thu âm ca khúc này.

images-motthegioi-vn-004.jpg
Danh ca Thái Châu chia sẻ những kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Vũ 

“Ngày xưa chỉ có anh chị em nào không rành về âm nhạc mới cần nhạc sĩ đến tập. Còn tôi biết nên tự tập rồi đi thu âm. Lúc đó, tôi thu rất nhanh, chỉ có 2 lần là xong. Cứ như cảm xúc và ca từ đã thấm vào tim vào máu tôi từ lúc nào không hay”, danh ca Thái Châu chia sẻ.

Danh ca Thái Châu nói rằng anh rất vinh hạnh khi được thể hiện một ca khúc kinh điển. Đây cũng là cái duyên rất lớn trong sự nghiệp ca hát của Thái Châu vì nhờ Bài Thánh ca buồn mà giọng hát của anh được đông đảo khán giả đón nhận.

images-motthegioi-vn-002.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ vào những năm 2000 tại nhà riêng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với danh ca Thái Châu, đây cũng là ca khúc gắn liền với câu chuyện tình buồn của chính anh. Danh ca Thái Châu bộc bạch, thời đó, đài truyền hình lúc nào cũng phát bài hát của anh, gia đình bạn bè anh đều rất thích. Thái Châu cũng hãnh diện khoe với bạn gái về bài hát của mình. Nhưng rồi vào hôm Giáng sinh, Thái Châu hẹn đi lễ với bạn gái thì gia đình cô nhất quyết không cho đi vì thấy anh hát Bài Thánh ca buồn và biết anh là ca sĩ. Kể từ đó, việc gặp gỡ giữa Thái Châu và bạn gái trở nên vô cùng khó khăn.

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ nói ông bén duyên với nghệ thuật từ năm 13 tuổi. Lúc đó, ông được ba gửi lên nhà một người là bạn nhạc sĩ tại Đà Lạt. Nhìn thấy bạn của ba đàn, ông rất thích nên cũng theo học đàn, rồi được dẫn đi thi cuộc thi hát của Đài phát thanh Đà Lạt và đoạt ngay giải nhất.

Dẫu có chất giọng tốt, nhạc sĩ Nguyễn Vũ lại không theo đuổi con đường ca hát mà thành lập ban nhạc để đi biểu diễn kiếm tiền. Ông kể: “Tôi nhớ nhất lúc mới ra, chưa đủ lớn để diễn sân khấu nên đi đàn xổ số kiến thiết được 600 đồng. Hồi đó 600 đồng lớn lắm”.

Việc sáng tác cũng đến với nhạc sĩ Nguyễn Vũ rất tình cờ. Hồi đó,
Nguyễn Vũ quen một người bạn gái tên Hải Yến, cô ngỏ lời đề nghị nhạc sĩ viết cho mình một bài hát, thế là ông đi tìm người để theo học, rồi tự nghiên cứu về các kỹ thuật sáng tác. Tác phẩm đầu tiên ra đời khi nhạc sĩ Nguyễn Vũ mới 20 tuổi. Bài hát ông “sáng tác thử” được mang đến nhà nhạc sĩ Thu Hồ để nhờ vị tiền bối xem giúp.

Dù là tác phẩm đầu tay nhưng ông lại khiến nhạc sĩ Thu Hồ hết sức ngạc nhiên vì không những không sai sót gì mà lại còn “nghe rất được”. Với sự động viên và giới thiệu của nhạc sĩ Thu Hồ, ông mang đi bán được 5.000 đồng.

Về hành trình viết nhạc tiếp theo của mình, Nguyễn Vũ thẳng thắn khẳng định ông sẽ không viết được nhạc nếu không có tình yêu. “Càng chết lên chết xuống vì tình yêu thì viết càng hay, chứ hạnh phúc quá viết không hay”, ông chia sẻ.

Câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Vũ sẽ được phát trên chương trình Chân dung cuộc tình vào lúc 21 giờ ngày 25.2 trên sóng THVL1.

Bài liên quan
Những giai thoại quanh ca khúc 'Bài thánh ca buồn' của nhạc sĩ Nguyễn Vũ
Có rất nhiều câu chuyện đã thành giai thoại xung quanh ca khúc nổi tiếng “Bài thánh ca buồn”. Nhưng nếu chưa một lần tiếp xúc với tác giả thì ít ai biết phần ca từ gốc của tác phẩm đã bị các ca sĩ hát sai. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết: "Hầu như tất cả ca sĩ đều hát sai hoặc vô tình đổi ca từ khi hát “Bài thánh ca buồn” của tôi".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ 'Bài thánh ca buồn': Chết lên chết xuống vì tình mới viết nhạc hay