Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, tác giả của những ca khúc đấu tranh hùng tráng một thời như “Dậy mà đi”, “Hát cho dân tôi nghe”... đã ra đi ở tuổi 81 tại TP.HCM do tuổi cao bệnh tật.
Thông tin từ gia đình và Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã qua đời vào sáng 26.7 tại Bệnh viện 175 (TP.HCM). Trước khi mất, ông đã có thời gian dài nằm viện điều trị bệnh đột quỵ trong tình trạng lúc mê lúc tỉnh. Thời gian tổ chức tang lễ của nhạc sĩ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 30.7 nhưng gia đình chưa thông báo địa điểm cụ thể.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập quê gốc ở Huế nhưng ông sinh ra tại Đà Nẵng ngày 25.2.1942. Ông là Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và từng là Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam. Ngoài bút danh chính, ông còn một số bút danh khác như Trần Nhật Nam, Lê Nguyên.
Năm 1968, nhạc sĩ Tôn Thất Lập làm Trưởng đoàn Văn nghệ Sinh viên - Học sinh Sài Gòn, chủ tịch Hội sinh viên sáng tác - Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các nhạc sĩ sinh viên như Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên… cùng tham gia phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe bằng nhiều bài hát hùng tráng cổ vũ phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam.
Phong trào đã làm nên một dòng nhạc đặc biệt trong nền tân nhạc Việt Nam, trong đó có dấu ấn rất lớn của nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua một loạt ca khúc như Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo, Tự nguyện, Đêm hồng, Người mẹ Bàn Cờ, Hát cho quê hương, hợp xướng Hát cho dân tôi nghe, Dậy mà đi...
Năm 1973, nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp du học và tham gia Đại hội sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Paris (Pháp) năm 1974. Ông từng có thời gian ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi quay vào Nam làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975 ông về công tác tại Sở VH-TT TP.HCM. Nhiều ca khúc của ông sáng tác trong thời kỳ này đã được mến mộ và được các ca sĩ biểu diễn nhiều: Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi...
Từ năm 1966, anh (nhạc sĩ Tôn Thất Lập - P.V) viết khá nhiều, có thể kể đến các ca khúc như "Hát cho dân tôi nghe", "Đồng lúa reo", "Đêm hồng", "Đỉnh non cao", "Người đợi người", "Giao ca"… Trong các ca khúc này, bài "Hát cho dân tôi nghe" được đông đảo quần chúng biết đến, đặc biệt được giới trẻ đô thị miền Nam hưởng ứng nồng nhiệt:
"Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào
Hát cho đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù
Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên
Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoangHát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang…"
Chính từ ca khúc nổi tiếng này, hình thành nên phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, tên gọi gần với tên bài hát.
Trong những đêm văn nghệ học sinh sinh viên, thường xuất hiện bài này.
Đặc biệt, tháng 11.1968, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, thay mặt Hội đồng sinh viên Liên khoa Huế tổ chức đêm nhạc Tôn Thất Lập tại giảng đường Trường Đại học Khoa học mở đầu phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, trong đó bài "Hát cho dân tôi" nghe được hưởng ứng nồng nhiệt..."
Nhạc sĩ Trương Quang Lục