Trước khi trở thành nhạc sĩ của phong trào học sinh sinh viên, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã viết những bản tình ca say đắm lòng người, và sau khi đất nước thống nhất ông tiếp tục sáng tác theo dòng nhạc này.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập và những bản tình ca say đắm

Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên | 28/07/2023, 15:00

Trước khi trở thành nhạc sĩ của phong trào học sinh sinh viên, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã viết những bản tình ca say đắm lòng người, và sau khi đất nước thống nhất ông tiếp tục sáng tác theo dòng nhạc này.

Khi nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập, người ta biết đến anh như cánh chim đầu đàn của phong trào nhạc sinh viên, học sinh tranh đấu trước năm 1975. Những bài hát mạnh mẽ, hùng tráng của anh có mặt trong những bước đi của tuổi trẻ thành thị trên khắp các mặt đường đầy khát vọng. Song chúng ta cũng biết rằng Tôn Thất Lập sáng tác từ lúc còn rất trẻ, khi anh mới 17 tuổi và ca khúc của anh thời ấy là những bài tình ca ngọt ngào và say đắm.

Vào thập niên 1960 ở Huế có hai nhạc sĩ trẻ được nhiều người biết đến là Trịnh Công Sơn và Tôn Thất Lập. Cả hai cùng theo học Trường sư phạm Qui Nhơn nhưng Trịnh Công Sơn học khóa 1 (1960-1962), còn Tôn Thất Lập học khóa 3 (1964-1966). Sau này khi giới thiệu về người bạn của mình, Trịnh Công Sơn viết: “Tôn Thất Lập đã đến với âm nhạc bằng những tình khúc, mặc dù trong chiến tranh anh được biết nhiều như một nhạc sĩ của phong trào. "Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em" Đầu những năm 60 tiếng hát ấy đã nằm trên những vòng tròn của đĩa hát Asia… Tôn Thất Lập đã từ lâu lại tiếp nối cái tiếng hát về Em như một trách nhiệm của người biết rao giảng về chuyện tình” (trích lời giới thiệu tập Hát lời chiêm bao của Tôn Thất Lập, NXB Âm nhạc, 1990).

covermb-copy.jpg
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Ảnh: TNO

Thật vậy, Tôn Thất Lập trước khi là nhạc sĩ của phong trào, anh đã là nhạc sĩ của tình ca. Nếu “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra” (Nguyễn Xuân Khoát) thì Tôn Thất Lập ở một cách khác, viết nghiêm túc, kỳ công và không kém phần trau chuốt. Anh có được nghệ thuật biểu hiện riêng với một ngôn ngữ âm nhạc đặc thù từ giai điệu cho đến ca từ khiến ca khúc của anh hoàn toàn không lẫn vào những bài hát đương thời. Có cảm giác anh viết rất thong dong, đôi khi cởi bỏ trói buộc của khúc thức, cốt để giãi bày trọn vẹn cái sâu kín mãnh liệt của tình cảm thời thanh xuân.

 Điều dễ nhận ra ở giai đoạn này là chất trữ tình lãng mạn vẫn bàng bạc ở hầu hết những bài tình ca của anh, ở đó là những rung động trong sáng, hồn nhiên và bay bổng:

Hương trinh nguyên thoắt thành suối tơ mềm
Gội trời xuân đan bằng mắt biếc
Bằng hoa thơm thần tiên trong giấc mê…
Xin mây tơ nắng vàng kết lên ngàn chuyện mùa xuân
Cho hồn bướm trắng lả lơi đi tìm hương bên lũ hoa…
(Tình ca mùa xuân)

Tình ca mùa xuân - Thái Thanh ca: 

Như một người lãng mạn, anh mải mê trong nỗi thèm khát vĩnh cửu, đó là đi tìm cái đẹp trong thiên nhiên và trong tình yêu. Hãy lắng nghe lời tự tình của anh trong tiết tấu điệu luân vũ dìu dặt:

Rồi đôi mi ấy ngủ giấc son vàng
Lời ca êm ái trĩu xuống mơ màng
Và hương tóc rối cho anh lên mây
Trên mắt thâm sâu tháng năm buồn cháy quanh…
(Lời ca trên miền biển cả)

 Trong bài hát viết tặng người yêu là ca sĩ Phương Nga, anh thao thức không chỉ câu chuyện tình của mình mà còn về một kiếp người âm thầm trong cuộc sống:

Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em
Trút hơi sau cùng giải thoát nhân gian…
Đêm đêm vó câu anh về ngột tiếng ca xưa
Những thung lũng buồn ngủ suốt trong mưa
Tiếng ca không còn miền đất dỗi hờn…
(Tiếng hát về khuya)

Tiếng hát về khuya - Cẩm Vân ca:

Đôi khi cảm xúc chỉ là những hoài niệm mơ hồ, song để lại dấu ấn không phai trong tâm hồn người nghệ sĩ:

Về những đường em đã đi qua
Anh gọi bằng tên một loài hoa
Hoa phượng hồng lối đi về một người gái nhỏ
Con tàu mùa hè đưa anh trở về
Nhìn em như thầm nói đi em
Lớn lên từ mùa hoa nào
Chiều nào gặp em trời mưa trên đầu những cây hoàng lan

Bài hát Bằng tên một loài hoa phổ thơ Giáng Ngọc (tức Hoàng Phủ Ngọc Tường), Trần Thu Hà ca:

Hoặc đó là những kỷ niệm đơn sơ của một mối tình thơ dại còn sáng mãi:

Ngỡ rằng đã vùi quên tháng ngày
Chuyện tình xưa tưởng phôi phai
Em về một thoáng mưa bay
Nhưng kỷ niệm có quên ai!
Buổi chiều hàng cây thắp nến
Là lúc tan trường
Tiễn em về phố quen...
(Những con đường nhỏ)

Những con đường nhỏ, Chung Tử Lưu ca:

Những giây phút êm đềm từ trong dĩ vãng khiến lòng anh xao động không thôi:

Tiếng hát nào về ru trên đỉnh trời
Lúc em về lạnh lùng con phố dài
Chiều còn mưa hàng phố âm thầm
Từng cây cao chia cắt dòng sông
Chân em xa rồi, ngày giông bão tới
(Phố mưa)

Phố mưa, Khánh Ly ca:

Có khi từ chút tình buồn mở ra cuộc hành trình đi về cõi vô cùng, trên con đường đó có cả cô đơn và đau xót, có cả nỗi buồn và cả niềm vui, được anh diễn tả với chuỗi âm hình dường như không muốn dứt:

Ngày đưa dấu xe lăn dài trên phố xa
Du đời ta với ta du đời trong cách xa
Tình rơi ngất ngư trên cành em lá thu
Treo hờ trong gió ru đưa người về cõi hư
(Hoàng hôn phai)

Hoàng hôn phai (song tấu piano và violon):

Không chỉ có lời tình buồn, đôi khi anh vẫn say mê trong niềm vui và hạnh phúc tình ái:

Đưa em đi trong ngày tình vui thênh thang
Như dòng đời trôi mênh mang
Nghe tháng năm dài biển khơi
Đưa em đi cho dài ngày vui chim bay
Cho tình hồng môi em say
Trên cõi mây mù phôi phai…
(Buổi sáng chim bay)

Buổi sáng chim bay, Hoàng Kim ca:

Sau này dù nhiều biến thiên của cuộc đời, anh vẫn trở về với tình yêu tuyệt vời mãi ghi dấu sắt son trong trái tim anh:

Mưa thì thầm là mưa rất xa
Trời không nắng khi vầng mây qua
Em thì thầm là em rất gần
Tình như không nói là tình trăm năm.
Mưa dịu dàng hàng cây đứng yên
(Mưa thì thầm)

Mưa thì thầm, Khánh Hà ca:

Lời ngợi ca tình yêu với giai điệu thiết tha và ca từ đẹp đẽ của anh:

Anh sẽ viết cho em bài thơ cuối cùng
Dù ngày mai có sống trong chờ mong
Anh sẽ hát cho em bài ca chia ly...

(Tình yêu là mãi mãi)

Tình yêu là mãi mãi, Phương Thanh ca:

Phác thảo một vài nét về tình ca Tôn Thất Lập cho thấy những xúc cảm về tình yêu trong tác phẩm của anh vẫn ngập tràn và sâu đậm, dù lúc tuổi thanh xuân hay tóc đã bạc màu. Những xúc cảm ấy được giãi bày bằng một thứ ngôn ngữ được chắt lọc, trau chuốt và bóng bẩy làm nên một phong cách riêng của tình ca Tôn Thất Lập.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942, mất ngày 26.7.2023 tại Bệnh viện 175 (TP.HCM), hưởng thọ 82 tuổi.

Về nơi sinh của ông, trong một số tài liệu và trên báo chí đều ghi là sinh ở Huế. Tuy nhiên đó là sự nhầm lẫn.  Chính xác thì Huế là quê nội, Đà Nẵng là quê ngoại. Mẹ ông là người Đà Nẵng buôn bán trong chợ Hàn, cha ông là người Huế. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập ra đời vào ngày 25.2.1942 tại Đà Nẵng. Ông theo gia đình đi tản cư ở nhiều nơi và học tiểu học ở trường Dục Anh (Tam Kỳ, Quảng Nam), rồi mới về quê nội ở Huế học tiếp.

Khoảng 14 - 15 tuổi, đang học cấp 2, Tôn Thất Lập có sáng tác đầu tay, đó là bài "Một dòng sông". Ca khúc lấy cảm hứng từ các bài valse nước ngoài nổi tiếng như Danube xanh (của Trauss), Sóng sông Danube (Ivanovici). Bản nhạc đã được một ca sĩ thời ấy tên là Dạ Ái hát trên đài phát thanh Huế. Khoảng 6 năm sau, nhạc sĩ Tôn Thất Lập chỉnh sửa lại bài "Một dòng sông" thành bài "Lời ca trên miền biển cả" được ca sĩ Thái Thanh hát ở Huế và Sài Gòn.

Năm 1968, nhạc sĩ Tôn Thất Lập làm Trưởng đoàn Văn nghệ Sinh viên - Học sinh Sài Gòn; Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các nhạc sĩ sinh viên như Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên… cùng tham gia phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" bằng nhiều ca khúc hùng tráng cổ vũ phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam.

Phong trào này đã làm nên một dòng nhạc đặc biệt trong nền tân nhạc Việt Nam, trong đó có dấu ấn rất lớn của nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua một loạt ca khúc như Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo, Tự nguyện, Đêm hồng, Người mẹ Bàn Cờ, Hát cho quê hương...

Năm 1973, nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp du học và tham gia Đại hội sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Paris (Pháp) năm 1974. Ông từng có thời gian ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi quay vào Nam làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau năm 1975 ông công tác tại Sở VH-TT TP.HCM. Ông từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.

Nhiều ca khúc của ông sáng tác sau năm 1975 đến ngày qua đời đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi...

Tiểu Vũ 

Bài liên quan
Nhạc sĩ ‘Hát cho dân tôi nghe’ Tôn Thất Lập qua đời
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, tác giả của những ca khúc đấu tranh hùng tráng một thời như “Dậy mà đi”, “Hát cho dân tôi nghe”... đã ra đi ở tuổi 81 tại TP.HCM do tuổi cao bệnh tật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập và những bản tình ca say đắm