"Chuyện nhỏ mà rất dễ thành chuyện lớn. Nó sẽ không hay khi người dân xì xầm bàn tán, bình luận rằng ông bộ trưởng đã lợi dụng là người trong ngành, có quyền lực để có điện ưu tiên mắc vào nhà", ông Chư suy nghĩ.

Nhân chuyện cúp điện, kể về một bộ trưởng phụ trách ngành điện quyết không dùng điện ưu tiên

Quốc Phong | 12/06/2023, 08:35

"Chuyện nhỏ mà rất dễ thành chuyện lớn. Nó sẽ không hay khi người dân xì xầm bàn tán, bình luận rằng ông bộ trưởng đã lợi dụng là người trong ngành, có quyền lực để có điện ưu tiên mắc vào nhà", ông Chư suy nghĩ.

Tôi đọc được tin: trong các tháng 5, 6, 7, toàn bộ TP.Móng Cái và huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) sẽ sử dụng điện do phía Trung Quốc cung cấp. Thông tin này khiến người dân cùng nhà sản xuất trong nước không khỏi thắc mắc và thêm cả sự lo lắng, buồn rầu khi tiết trời khá nóng bức.

Tuy nhiên, theo cơ chế thị trường, nếu điện người ta bán ra với giá có thể chấp nhận được và không phải chi lớn làm đường dây chuyển tải tốn kém... thì việc mua cũng không có vấn đề gì, bởi thực tế chúng ta đã và đang mua cả điện của nước bạn Lào. Họ sản xuất ra, trong đó có cả các nhà đầu tư người Việt sang làm. Do họ dùng không hết hoặc lý do gì đó cần bán thì ta mua để dùng, giúp hệ thống điện trong nước không bị quá tải hoặc chuyển tải quá xa. Song, dù có thế đi nữa, vẫn hiển hiện nỗi lo cúp điện luân phiên đã và đang tái diễn...

Trong thực tế, nước ta cũng đâu chỉ có mua điện Trung Quốc và Lào, mà ta cũng còn bán điện sang Campuchia. Cơ chế thị trường, nên tôi nghĩ đây cũng là chuyện thường tình.

Tuy nhiên, điều này gián tiếp cho thấy năng lực sản xuất điện trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa cũng đang thiếu với một nước còn phụ thuộc vào tự nhiên, mưa, nắng, gió mỗi mùa, trong khi chính ta luôn có vẻ không muốn hoặc hạn chế xây nhiều nhà máy nhiệt điện.

Liệu sắp tới, nước ta sẽ lại diễn ra cảnh cắt điện luân phiên kiểu như vài chục năm về trước, khi mà đất nước chưa có thêm đường dây tải điện tương tự đường dây 500 KV lúc nó đã quá tải? Hoặc tiếp đó sẽ còn địa phương nào phải mua điện của nước ngoài như Quảng Ninh?

Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (giai đoạn 1995-2002) từng kể cho tôi nghe rằng khi đóng mạch điện 500 KV Bắc - Nam vào năm 1994 thì chưa phải cả nước đã đáp ứng đủ ngay nhu cầu điện của cuộc sống. Tình trạng cúp điện luân phiên vẫn tiếp tục diễn ra một thời gian nữa sau đó.

Tiến sĩ Đặng Vũ Chư trước năm 1995 là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Gia đình ông cũng không tránh được chuyện bị cúp điện luân phiên dù ông cũng là bộ trưởng, là Ủy viên Trung ương Đảng.

Ông Chư kể ông cũng đã rất ngượng khi xảy ra một chuyện vào năm 1995. Lúc ấy ông mới chân ướt chân ráo nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Công nghiệp sau khi Quốc hội quyết định sáp nhập 3 bộ thành một bộ. Ba bộ cũ gồm Bộ Công nghiệp nhẹ (do ông Chư đứng đầu), Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Năng lượng.

Không hiểu anh em Văn phòng Bộ Công nghiệp nghĩ thế nào mà đã bàn với Điện lực Hà Nội lắp đường dây 3 pha, ưu tiên cho tư gia của ông ở quận Hoàn Kiếm. Thế là lần đầu tiên ông thấy cảnh nhà mình sáng đèn trong lúc các nhà khác xung quanh bị cúp điện tối thui, trừ đèn đường vẫn còn sáng. Thực sự lòng ông không hề vui.

Ông Chư vừa thấy day dứt và vừa thấy ngượng trước chuyện này. Ông bèn hỏi anh em thì được biết Văn phòng bộ có cho người sang làm việc với Điện lực Hà Nội để mắc thêm đường dây ưu tiên nói trên cho ông.

Ngày đó, các cơ quan nhà nước, các nhà máy lớn và nhà những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nếu thuộc diện yếu nhân đều có đường dây 3 pha chứ không phải cắt điện thì hoàn toàn tất cả.

Biết việc này, Bộ trưởng Chư không hài lòng dù hiểu anh em có ý tốt với mình. Thế nhưng với tư cách của một người lãnh đạo ngành công nghiệp, trong đó có lĩnh vực điện mà ông vừa nhận từ Bộ Năng lượng nhập về, thì không ổn chút nào.

"Chuyện nhỏ mà rất dễ thành chuyện lớn. Nó sẽ không hay khi người dân xì xầm bàn tán, bình luận rằng ông bộ trưởng đã lợi dụng là người trong ngành, có quyền lực để có điện ưu tiên mắc vào nhà", ông Chư suy nghĩ, sau đó đã yêu cầu anh em lắp lại đường dây 1 pha y như cũ, bỏ ngay đường điện ưu tiên 3 pha mắc vào nhà ông.

Ông Đặng Vũ Chư trong một lần khác có kể với tôi, tuy đã lâu, khi nói về sự nhìn xa trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhất là chuyện ông Kiệt dám chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Thủ tướng Kiệt đã quyết tâm khi làm đường dây 500 KV Bắc - Nam trước biết bao ý kiến không ủng hộ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bữa đó, ông Chư hồi tưởng chuyện này và bày tỏ sự khâm phục vị thủ tướng có tầm nhìn xa và bản lĩnh.

Năm 2002 khi ông Chư rời cương vị bộ trưởng, ông thấy mừng bởi khi đó đất nước ta gần như đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Ông Chư kể, để quy hoạch phát triển năng lượng phục vụ kinh tế - xã hội, ngay từ thời điểm đó, khi đưa ra chiến lược phát triển ngành điện, những nhà lãnh đạo thường lấy chỉ số GDP làm ngữ. Ví dụ nếu GDP thời điểm đó là 1 thì quy hoạch phát triển năng lượng phải là 1,5. Tức là phải đi trước một bước.

Cách đây không lâu, tôi hỏi ông về chuyện xây dựng hệ thống điện mặt trời, điện gió. Ông nói ông cũng thấy mừng vì điện tiêu dùng nhiều năm qua đã không bị thiếu. Nếu như chúng ta không chủ động xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió thì Việt Nam đã thiếu điện nghiêm trọng hơn ngay từ năm 2021 chứ không phải tới lúc này. Kinh tế phát triển tốt thì tất yếu nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng.

Ngờ đâu chỉ ít ngày sau khi tôi trò chuyện với ông thì mới đầu mùa nóng mà đã diễn ra chuyện cúp điện luân phiên. Tôi nghĩ có thể ông Chư đã rất buồn vì không nghĩ rằng sau hai chục năm lại diễn ra cảnh cúp điện.

Như vậy có thể thấy tình trạng điện thiếu vẫn thiếu, mà thừa lại vẫn thừa (điện mặt trời, điện gió vẫn chưa được mua) vì giá cả còn vênh giữa bên sản xuất và bên mua, cùng nhiều lý do khác.

Phải chăng đang có sự lúng túng về giá mua, hay do đường dây chuyển tải điện đã quá tải, hay vì lý do gì khác?

Theo tôi biết, trong một báo cáo của EVN, tính đến năm 2022, tỷ lệ huy động năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối đạt 13,15 tỉ kWh, chiếm 15,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Song, có lẽ sự vận hành để cho ra đời các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua có nhiều chuyện cần bàn. Một đất nước như nước ta, việc đầu tư xây dựng lưới điện từ điện mặt trời, điện gió, theo tôi là rất nên làm và phải khẩn trương. Thế nhưng lâu nay có gì đó khá bùng nhùng? Nhà đầu tư hầu như đều khá mệt mỏi, ngay cả đến giá cả mua bán cũng chưa ổn, không biết bao giờ mới xử lý dứt điểm...

Phải chăng giá cả mà EVN đưa ra để mua điện của nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió chưa chuẩn, hay nhà nước áp đặt cứng nhắc?

Ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn EVN vừa cho biết: "Thời gian qua, dự án điện được khởi công xây dựng rất ít, có khi 2 - 3 năm chưa khởi công xây dựng được nhà máy nào lớn, trừ những nhà máy điện mặt trời và điện gió quy mô nhỏ, trong khi nhu cầu điện tăng tự nhiên 5 - 10%/năm (nghĩa là mỗi năm phải đưa vào hoạt động một nhà máy công suất lớn hơn nhà máy thủy điện Sơn La) nên việc thiếu điện là khó tránh khỏi” (theo báo VnE).

Nếu những bất cập nói trên được giải quyết, tôi nghĩ EVN sẽ vượt qua khó khăn nếu các bộ ngành, người dân và nhà sản xuất thấu hiểu, chia sẻ. Không lý gì khi giá cả nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng gấp vài lần mà giá bán điện vẫn đứng im. Nên chăng, với EVN lúc này cần một cuộc cách mạng lớn, cái gì là bất khả kháng như giá nguyên liệu đầu vào tăng thì đành chịu, nhưng những gì thuộc công nghệ số, thuộc máy móc hiện đại... để có thể tạo hiệu quả hơn trong sản xuất, giúp hạ giá thành thì cần được coi trọng, cải tổ thật mạnh, nếu không muốn bị lỗ tiếp.

Điều rất mấu chốt, nhà nước đang điều tiết giá điện bằng mệnh lệnh hành chính, yêu cầu ngành điện phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Như vậy cũng khó cho ngành điện. Vậy tại sao không chi tiền hỗ trợ việc phục vụ chính trị mà bắt họ phải gánh? Nhưng tôi không tán thành đề xuất của đại biểu quốc hội Nguyễn Thiện Nhân khi ông Nhân đề nghị dùng tiền tích lũy của ngân sách chưa chi hết để chuyển sang cắt lỗ cho EVN. Nếu làm theo cách ấy, mà không rốt ráo mổ xẻ trách nhiệm gây thiếu điện, cắt điện, lỗ thì muôn năm EVN không bao giờ lãi và chỉ thêm trì trệ bởi quen được "bú bầu sữa ngân sách nhà nước". Như vậy rất không hay chút nào!

Theo Quốc Phong
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân chuyện cúp điện, kể về một bộ trưởng phụ trách ngành điện quyết không dùng điện ưu tiên