Các nhà phân tích của Tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group đã cảnh báo rằng Trung Quốc đặt ra lo ngại về một chính sách phá giá mang tính cạnh tranh, gây áp lực lên các loại tiền tệ khác ở châu Á.
Hôm qua, 12.8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (POBC) đặt điểm neo chính thức cho đồng nhân dân tệ ở mức 7,0211 tệ ăn 1 USD - yếu hơn phiên cuối tuần trước và cũng là mức yếu nhất kể từ ngày 3.4.2008.
Đây là phiên thứ ba liên tiếp mà POBC đặt điểm neo ở mức yếu hơn mốc 7 nhân dân tệ ăn 1 USD và lần sau lại yếu hơn lần trước 1 chút (hôm 8.8, POBC đã đặt điểm neo là 7.0039 nhân dân tệ/USD và hôm 9.8 điểm neo chính thức cho đồng nhân dân tệ ở mức 7,0136 tệ/USD). Nhưng dù sao điểm neo đầu tuần vẫn thấp hơn so với dự báo của giới phân tích vốn cho rằng PBOC sẽ đặt điểm neo ở mức 7,031 nhân dân tệ ăn 1 USD.
PBOC cho phép tỷ giá đồng nội tệ và USD dao động trong phạm vi hẹp 2% từ điểm neo mỗi ngày. Tiền tệ yếu hơn làm cho một quốc gia xuất khẩu hàng rẻ hơn và chính việc đồng nhân dân tệ mất giá làm chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phàn nàn rằng điều đó sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế thương mại.
Các nhà phân tích của Tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group đã cảnh báo rằng động thái đặt điểm neo ở mức yếu vượt mốc 7 tệ ăn 1 USD vào tuần trước của Trung Quốc đã đặt ra lo ngại về một chính sách phá giá mang tính cạnh tranh, gây áp lực lên các loại tiền tệ khác ở châu Á. Tuy nhiên, họ cho biết Bắc Kinh sẽ ngăn chặn sự mất giá đột biến của đồng nhân dân tệ vì việc mất giá đáng kể sẽ khiến dòng vốn chảy ra khỏi lãnh thổ và tạo ra các rủi ro trên thị trường dẫn đến sự mất giá hơn nữa, như đã thấy trong năm 2015 và 2016.
Dịch vụ nhà đầu tư của Moody phát đi cảnh báo: "Lo ngại của thị trường về sự mất giá thêm của đồng nhân dân tệ cũng có thể dẫn đến sự mất giá của các loại tiền tệ khác, đặc biệt là các loại tiền tệ có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc”.
Thay vào đó, POBC sẽ can thiệp để giữ tốc độ mất giá so với USD một cách từ từ, các nhà phân tích nói thêm. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc cũng sẽ cẩn thận không cho phép (nhân dân tệ) mất giá so với rổ tiền tệ rộng hơn, để tránh tình trạng mất kiểm soát trên diện rộng.
Về phần mình, PBOC đã bác bỏ việc họ đang phá giá đồng nhân dân tệ để chống lại thuế quan của Mỹ dù trước đó Thống đốc ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương tuyên bố việc phá giá là để trả đũa Mỹ tuyên bố áp thêm thuế quan 10% với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Trong thông báo chính thức, PBOC nói rằng tỷ giá là do quy luật cung cầu của thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng cho biết vào ngày 9.8, Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc tự làm suy yếu đồng tiền của mình để vô hiệu hóa hiệu lực của thuế quan.
Dịch vụ nhà đầu tư của Moody, hôm 9.8 đánh giá rằng việc Mỹ dán nhãn Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dẫn tới rủi ro cho toàn cầu.
“Mặc dù việc chỉ định thao túng tiền tệ dường như không có tác động lớn đến chính sách ngoại hối của Trung Quốc, chúng tôi e ngại rằng quan điểm của cả hai quốc gia trong tranh chấp thương mại sẽ càng cứng rắn hơn. Nói rộng hơn, căng thẳng thương mại và tiền tệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kìm hãm sự tăng trưởng toàn cầu. Lo ngại của thị trường về sự mất giá thêm của đồng nhân dân tệ cũng có thể dẫn đến sự mất giá của các loại tiền tệ khác, đặc biệt là các loại tiền tệ có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc”.
Đương nhiên, các nước láng giềng có giao thương mạnh mẽ với Trung Quốc sẽ nằm trong nhóm bị ảnh hưởng theo cảnh báo của Moody.
Anh Tú