Nhờ mái chèo mà người Việt mới có thể di chuyển mở mang bờ cõi, nhờ mái chèo mà ông cha chúng ta mới tạo ra những trận thủy chiến đánh tan bao đạo quân xâm lược.

Nhân tấm HCV ASIAD, nói chuyện ông cha ta dùng mái chèo đánh giặc, giữ nước

25/08/2018, 12:36

Nhờ mái chèo mà người Việt mới có thể di chuyển mở mang bờ cõi, nhờ mái chèo mà ông cha chúng ta mới tạo ra những trận thủy chiến đánh tan bao đạo quân xâm lược.

Các thuyền chèo của Ngô Quyền luồn lách giữa trận địa bao vây quân Nam Hán

Sau rất nhiều ngày chờ đợi, các tay chèo nữ Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Huệ đã thi đấu đầy ấn tượng để giành tấm huy chương vàng (HCV) Á vận hội 2018 đầu tiên cho Việt Nam. Tấm HCV đua thuyền không chỉ giúp đoàn thể thao Việt Nam vơi cơn khát mà còn nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của mái chèo trong lịch sử dân tộc.

Khi nói về sức mạnh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, người ta thường nhớ đến hình ảnh cái nỏ, thanh gươm mà ít ai để ý rằng mái chèo đóng vị trí rất quan trọng với vùng đất lúa nước. Nhờ mái chèo mà người Việt mới có thể di chuyển mở mang bờ cõi, nhờ mái chèo mà ông cha chúng ta mới tạo ra những trận thủy chiến đánh tan bao đạo quân xâm lược.

Người phương Bắc khi sang nước ta cũng phải trầm trồ khen ngợi tài bơi thuyền, nghề sông nước của dân Việt. Sách Tùy Thư (Địa lý chí) có thể coi là tài liệu sớm nhất còn lưu lại nói về truyền thống bơi thuyền của dân ta: “Tháng 7 làm hình mã đốt cúng vong hồn. Trong làng có hội bơi chải đua thuyền”.

Khi sứ nhà Nguyên là Trần Phu sang nước ta, viết trong Sử Giao châu tập: "Họ có thể lặn được vài khắc, bơi lội dưới nước như đi trên cạn... Thuyền nhẹ mà dài, ván mỏng, đuôi như cánh chim uyên ương, 30 người chèo, có khi đông đến 100 người, chèo nhanh như bay”. Cũng đúng thôi, nếu không có đội thuyền di chuyển thần tốc như vậy thì sao mà quân dân nhà Trần có thể xuất quỷ nhập thần hành quân nhanh hơn cả vó ngựa Nguyên Mông để giành chiến thắng. Tốc độ di chuyển thuyền của người Việt không gì khác chính là sức mái chèo. Do vậy, nếu nói ông cha ta dùng mái chèo như một công cụ để giữ nước, thắng giặc ngoại xâm không có gì quá đáng. Không chỉ chiến thắng trước Nguyên Mông mà trước đó, lịch sử còn ghi lại những chiến thắng oanh liệt bằng thủy chiến của dân tộc ta.

Như Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi nước triều lên, Ngô Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ quân Nam Hán đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc. Nước triều rút, cọc nhô lên, Ngô Quyền bèn tiếng quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. Quân Nam Hán không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Nam Hán đồn trú ở cửa biển để cứu trợ nhưng không làm gì được; thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về”.

Từ sử chép có thể thấy trong trận thủy chiến đó, ngoài dựa vào cọc thì còn phải nhờ các tay chèo khéo léo để thuyền ta luồn lách trong trận địa, bay vây giáp công thuyền địch. Mái chèo giúp quân Ngô Quyền chiến thắng là từ đó chứ đâu ra.

Năm 981, Lê Đại Hành phá Tống trên sông Bạch Đằng. Trong cuốn Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn (Nhà xuất bản Hà Nội, 2005), tác giả Lê Đình Sỹ có nhắc về một nghiên cứu “Có một trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 981” trong đó nêu: “Lê Đại Hành đã cho 1 cánh quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo. Chiến sự đang diễn ra quyết liệt thì quân Đại Cồ Việt "thua chạy", quân Tống "thừa thắng" đuổi theo. Khi chiến thuyền của Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Đại Hành tung quân ra đánh ráo riết. Các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các trận địa mai phục và từ các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết trong đám loạn quân. Lưu Trừng vội vã dẫn đám tàn quân tháo lui ra biển”. Cái việc vờ thua chạy, rồi đổ về vây đánh cũng chỉ có được nhờ ông cha ta có những tay chèo nhanh.

Thực ra không phải chờ đến khi ngoại xâm thì ông cha ta mới giỏi dùng mái chèo giữ nước. Ngay từ khi lập nước, mái chèo đã gắn bó với người Việt cổ khi thuyền là phương tiện đi lại quen thuộc của tổ tiên chúng ta. Sách sử thời đó không ghi chép nhiều nhưng những di chỉ khảo cổ thì vẫn còn rất rõ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng Hội đua thuyền ở nước ta đã có trên 3.000 năm lịch sử và được thể hiện với các hình trên trống đồng mà niên đại là vào thời Hùng vương dựng nước. Trên thân các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Khai Hóa, Quảng Xương, Bàn Thôn, Miếu Môn, Vũ Bị đều có chạm những chiếc thuyền đang trong cảnh bơi đua, đó là những chiếc chải dài và mảnh, mũi và đuôi vươn cao và cong với những người chèo mang lông chim là trang phục lễ hội, với cả người lái, người chỉ huy hệt như các cuộc đua chải ta từng biết. Đặc biệt, một số trống Đồi Ro, Làng Vạc, còn có cả hình chiến thuyền với các chiến binh cầm vũ khí, cảnh hành hình tù binh trên thuyền... (theo Tổng tập nghiên cứu Văn hóa, văn nghệ dân gian - quyển 1, của Nguyễn Khắc Xương)

Một loại di chỉ nữa khẳng định ông cha ta gắn bó với thuyền chèo từ xa xưa là mộ thuyền. Mộ thuyền là một hình thức an táng người chết của người Việt cổ. Gọi là mộ thuyền bởi người xưa dùng một đoạn thân cây được đục rỗng, hai mảnh ghép lại. Cho đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện hai loại mộ thuyền, một loại huyền táng - để trong các hang đá cheo leo thuộc xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu (Sơn La). Một loại là địa táng - chôn dưới đất, đã phát hiện được ở xã Châu Can, H.Phú Xuyên (Hà Nội), xã Việt Khê, H.Thủy Nguyên (Hải Phòng), phường Phương Nam, TP.Uông Bí (Quảng Ninh)… Mộ thuyền Việt Khê ước tính có hơn 2.500 năm tuổi và trong thuyền khai quật có cả vũ khí.

Thời các vua sau này, việc đua thuyền rất được coi trọng và được khuyến khích phát triển sâu rộng. Các sách của các giáo sĩ phương Tây sang ta truyền đạo cũng nhắc việc đua thuyền thời Lê Trịnh. Trong cuốn Tường thuật về vương quốc Đàng ngoài của Cha cố Giuliano Baldinotti cũng kể: “Chúa Trịnh rất thích bắt những thuyền phải bơi đi bơi lại theo nhiều cách theo nhịp điệu của những nhạc cụ gõ như là bắt các thuyền nhảy múa vậy. Nhà vua (có lẽ nói nhà Chúa mà nhầm sang vua) có 4.000 thuyền, mỗi thuyền có 26 tay chèo. Những người chèo thuyền chèo khéo và nhanh đến mức là những thuyền đó đi thành hàng ngang từ 3, 5 đến 7 chiếc, không có chiếc nào đi quá chiếc nào một bộ và nếu phải dừng lại, lượn quanh đi xiên ngang lùi lại, thì tất cả những chiếc thuyền đó như là một chiếc do một sự vận động thúc đẩy mà cùng làm rất nhịp nhàng và đều đặn”.

Những năm gần đây, việc đua thuyền truyền thống bắt đầu được khôi phục ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách trong thể thao có vẻ vẫn chưa ý thức được đua thuyền có ý nghĩa lớn lao như thế nào trong lịch sử dân tộc nên sự đầu tư và phát triển cho bộ môn này vẫn còn hạn chế. Hy vọng sau tấm HCV ASIAD vừa qua, bộ môn đua thuyền sẽ được nhìn nhận đúng hơn, được coi trọng đúng với tầm vóc của nó trong cội nguồn, lịch sử và tâm thức của người Việt.

Anh Tú

Theo phóng sự do VTV thực hiện vào năm 2015, vừa trở về sau một mùa thi đấu thành công tại SEA Games 28 khi giành đến 8 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ, gấp đôi chỉ tiêu đề ra, nhưng đội tuyển Rowing Việt Nam lại phải đối mặt với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhất là trong thời gian cao điểm nắng nóng tại miền Bắc.

Tại trung tâm Minh Đức (H.Thủy Nguyên, Hải Phòng), các tuyển thủ phải sống trong cảnh chưa có chiếc máy điều hòa nhiệt độ nào được lắp, còn những chiếc quạt máy không thể nào xoa dịu được cái nóng như thiêu như đốt giữa tiết trời mùa hè oi ả.

Thế nhưng, họ vẫn tươi cười, tự tay chế biến những món ăn như chè đỗ đen, sấu dầm để tạo nên những món ăn hữu ích giải nhiệt.

Không chỉ thiếu thốn trong sinh hoạt mà các tay chèo còn thiếu thuyền tập, thuyền xuống cấp nghiêm trọng, không thể đáp ứng được nhu cầu cho dù thi thoảng cũng được bổ sung.

Trung tâm đua thuyền Hà Nội - “đại bản doanh” của các môn đua thuyền được hình thành từ dịp chuẩn bị đăng cai SEA Games 2003 - cũng xuống cấp và hầu như chưa có thay đổi về dụng cụ thiết bị. Các tuyển thủ quốc gia phải chấp nhận cảnh sử dụng thuyền cũ, thường xuyên hỏng hóc, nhiều khi họ phải dùng chung, chia nhau mà tập luyện.

Nhưng có lẽ họ sợ nhất cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhất là nước tắm. Nhà tắm vốn đã ít ỏi lại thường xuyên thiếu và hết nước khiến các VĐV phải chờ đến lượt được tắm, hay phải đi nơi khác tắm nhờ. Đã mệt nhoài vì tập, tưởng được nghỉ ngơi nhưng cuối ngày lại còn phải vật lộn với nỗi khổ thiếu nước.

Khi ASIAD 2018 sắp đến gần, đội tuyển Rowing Việt Nam cũng không dám đặt chân sang đất Indonesia quá sớm để tránh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, họ không có quá nhiều thời gian thích nghi với điều kiện thi đấu, và thậm chí mang cả những thức ăn có thể đem theo được để dùng thêm.

Theo Zing.vn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân tấm HCV ASIAD, nói chuyện ông cha ta dùng mái chèo đánh giặc, giữ nước