Trong quá trình phục vụ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhân viên bệnh viện đôi lúc không tránh khỏi sơ suất, gây ra sự bất bình.

Nhân viên y tế bị hành hung: Bệnh viện và nhân viên y tế cũng có lỗi

Hồ Quang | 17/08/2022, 17:28

Trong quá trình phục vụ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhân viên bệnh viện đôi lúc không tránh khỏi sơ suất, gây ra sự bất bình.

TS-BS Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới xung quanh việc nhân viên y tế thời gian qua liên tục bị người nhà bệnh nhân tấn công, hành hung.

Trong thời gian gần đây, nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định liên tục bị người nhà bệnh nhân tấn công, có trường hợp bóp cổ, dọa giết, có trường hợp bị dí dao đe dọa… Việc người nhà bệnh nhân tấn công y bác sĩ chăm sóc người thân của mình là hành vi sai trái, không thể chấp nhận. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi, tại sao bệnh viện lại để người nhà bệnh nhân tấn công liên tục? Một số bệnh nhân phản ánh nhân viên y tế ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định hay có những ứng xử “kém duyên” gây bức xúc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

giam-doc-bv-nhan-dan-gia-dinh-nhan-vien-cua-benh-vien-doi-khi-khong-tranh-khoi-nhung-so-suat-hinh-anh(1).png
Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: PV 

Đề cập đến vấn đề này, TS-BS Nguyễn Hoàng Hải cho rằng khoa cấp cứu của các bệnh viện nói chung đều là nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiếp nhận ban đầu của rất nhiều tình huống từ nặng đến nhẹ, từ đơn giản đến phức tạp. Vì tính chất đặc thù liên quan đến tính mạng con người nên mọi người có thể nhập thẳng vào khoa cấp cứu mà không hề qua các bước sàng lọc hay quy trình khám bệnh thông thường nào. Chính vì vậy có thể dẫn đến nhiều sự cố, hay tình huống không thể lường trước được.

- Nhưng thời gian gần đây, bệnh viện lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ người nhà bệnh nhân tấn công nhân viên y tế bệnh viện mình, vì sao, thưa ông?

- TS-BS Nguyễn Hoàng Hải: Tôi xin nhấn mạnh rằng nhân viên y tế bị đe dọa không phải vấn đề mới, cũng không phải là hiếm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định nói riêng và các bệnh viện khác nói chung, nhưng gần đây do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên mọi người biết đến nhiều hơn so với trước.

Mỗi ngày Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận và xử trí khoảng 200 lượt bệnh nhân từ TP.HCM cũng như tỉnh ngoài chuyển đến. Trong đó có rất nhiều ca tai nạn giao thông, đa chấn thương, nguy kịch, những ca ngưng tim ngưng thở, suy hô hấp nguy hiểm đến tính mạng. Có cả những trường hợp gần bệnh viện, gặp các vấn đề sức khỏe thông thường cũng đến để cấp cứu. Bệnh viện phải tiếp nhận và xử trí tất cả các trường hợp nhập vào. Thứ tự ưu tiên cấp cứu đều đã được quy định rất rõ ràng nhưng người bệnh, người nhà với tâm lý lo lắng đều muốn được điều trị ngay, vì vậy không tránh được những bất đồng, sự cố ngoài ý muốn.

- Ông có nghĩ “có lửa mới có khói”, nhân viên y tế ở bệnh viện mình, nhất là ở Khoa Cấp cứu, đã có những việc làm và lời nói gây ức chế cho người nhà bệnh nhân?

- TS-BS Nguyễn Hoàng Hải: Tôi tin rằng các nhân viên y tế khoa Cấp cứu đã, đang và sẽ luôn hoạt động 24/7, không ngừng nghỉ, tập trung cao độ cả sức lực và tinh thần cho công tác cấp cứu người bệnh. Họ làm đúng theo quy trình khám cấp cứu bằng tấm lòng, lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc.

Tuy nhiên, trong quá trình giao tiếp, giải thích cho người bệnh và người nhà, một vài y bác sĩ đôi khi chưa đạt đến sự đồng thuận cao do những yếu tố khách quan, như áp lực công việc nhiều, môi trường làm việc căng thẳng, tâm lý lo lắng của người bệnh, người nhà… Qua sự việc xảy ra, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, bệnh viện sẽ lưu ý hơn nữa một số khía cạnh như tăng cường kỹ năng giao tiếp của nhân viên ở những bộ phận quan trọng, giải thích chuyên môn dễ hiểu hơn để người nhà, người bệnh tích cực hợp tác trong quá trình cấp cứu, điều trị.

Nhưng cũng phải lưu ý là tất cả các cơ sở y tế đều có số điện thoại đường dây nóng 19009095 để tiếp nhận mọi phản ánh, ý kiến đóng góp của người dân. Số đường dây nóng này được dán công khai ở nhiều vị trí trong bệnh viện. Vì thế khi đi khám chữa bệnh, nếu có nhu cầu đóng góp hoặc phản ánh điều gì về hoạt động bệnh viện, cách làm việc và thái độ phục vụ của nhân viên y tế, đề nghị bà con gọi đến đường dây nóng. Với tinh thần cầu thị, mong mỏi ngày một nâng cao chất lượng hoạt động, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải quyết mọi chuyện trong thời gian sớm nhất.

- Dư luận cho rằng, nếu lâu lâu mới xảy ra một vụ người nhà bệnh nhân tấn công thì có thể nói đó là hành vi quá khích, côn đồ, nhưng trong thời gian qua liên tiếp xuất hiện nhiều vụ người nhà bệnh nhân tấn công nhân viên y tế của bệnh viện, thì cũng phải cần xem lại, có điều gì bất ổn ở đội ngũ nhân viên y tế?

- TS-BS Nguyễn Hoàng Hải: Như tôi đã nói, nhân viên y tế bị đe doạ không phải là vấn đề mới, nhưng gần đây do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên cộng đồng biết đến nhiều hơn so với trước.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng trong quá trình phục vụ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhân viên bệnh viện đôi lúc không tránh khỏi sơ suất. Dù gì đi nữa, nếu có nhu cầu phản ánh, đóng góp gì, mong bà con bình tĩnh, liên lạc với lãnh đạo bệnh viện hoặc người có trách nhiệm, chứ không nên đe dọa, hành hung nhân viên y tế.

Ngoài kênh liên lạc bệnh viện, Sở Y tế nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung cũng có những kênh lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân một cách công khai. Tất cả chỉ với mục đích phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Bệnh viện sẽ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của người nhà, người bệnh và rút kinh nghiệm để sao cho quá trình khám chữa bệnh ngày một tốt hơn. Chính vì vậy nhân viên y tế mong nhận được sự hợp tác, tôn trọng của người nhà, người bệnh khi đến khám, cấp cứu và điều trị tại bệnh viện.

- Từ những vụ việc người nhà bệnh nhân tấn công nhân viên y tế trên, bệnh viện đã rút ra bài học gì, đã có giải pháp nào để không xảy ra tình trạng tương tự?

- TS-BS Nguyễn Hoàng Hải: Ngay sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã tìm hiểu sự việc, rút kinh nghiệm và tìm giải pháp phù hợp. Đại diện lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh và lãnh đạo Sở Y tế đã có buổi làm việc với bệnh viện về vấn đề này. Qua đó đã có sự thống nhất rà soát, củng cố quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự bệnh viện, lưu ý rút ngắn hơn nữa thời gian kích hoạt đến công an địa phương để có sự hỗ trợ kịp thời lực lượng bảo vệ bệnh viện, chấm dứt nhanh tình trạng gây rối an ninh trật tự trong bệnh viện.

Chúng tôi tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa Cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu. Thay vào đó, cho nhập viện nếu đủ tiêu chuẩn nhập viện, hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn (vài giờ) đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện.

Triển khai ngay “nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ” là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại Khoa Cấp cứu, phân quyền cho bác sĩ Khoa Cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu tại Khoa Cấp cứu.

Thực hiện tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết; khuyến khích Phòng Xã hội của bệnh viện cử nhân viên xã hội đến Khoa Cấp cứu để tham gia hoạt động này.

Trực lãnh đạo bệnh viện chủ động điều phối tăng cường nhân viên cho Khoa Cấp cứu trong tình huống số lượng bệnh nhân tăng đột ngột (như ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích…); tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ của bệnh viện chốt trực tại Khoa Cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định “1 người bệnh, 1 thân nhân”, bố trí tủ để vật dụng có khóa cho thân nhân người bệnh gửi vật dụng mang theo trước khi vào khu vực buồng bệnh; nhân viên bảo vệ có trách nhiệm kết nối ngay với công an phường nơi bệnh viện trú đóng để được hỗ trợ kịp thời khi phát hiện có tình huống gây rối, hoặc đe dọa nhân viên y tế.

- Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này.

Bài liên quan
Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai làm Phó chủ tịch UBND tỉnh
Ông Hồ Văn Hà, 49 tuổi, Giám đốc Sở Xây dựng, được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân viên y tế bị hành hung: Bệnh viện và nhân viên y tế cũng có lỗi