Đảo Kê Gà, có ngọn đèn biển cùng tên cao và xưa nhất ở Việt Nam. Đảo nhỏ, chưa tới 3 ha, cách bờ khoảng 500m, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Nhanh chân ra Hàm Thuận Nam lội biển qua đảo Kê Gà

17/07/2019, 10:49

Đảo Kê Gà, có ngọn đèn biển cùng tên cao và xưa nhất ở Việt Nam. Đảo nhỏ, chưa tới 3 ha, cách bờ khoảng 500m, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Đảo toàn đá, không có dân. Chỉ có mấy anh em thuộc Cục Đảm bảo An toàn Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) làm nhiệm vụ vận hành và bảo vệ đèn biển. Hải đăng xây dựng từ tháng 2.1897 đến cuối năm 1898, cao 35m (65m so với mặt nước biển), do kỹ sư Chnavat (Pháp) thiết kế. Công trình có hình lục giác, nhỏ dần lên đỉnh, mỗi cạnh dài từ 3m đến 2m5; tường dày từ 1m6 đến 1m, càng mỏng hơn khi lên cao. Bán kính quét sáng của hải đăng là 40 km.

Hải đăng được xây bằng đá hoa cương, chồng khít kín kẻ từng khối hình chữ nhật. Ảnh @im_sam22

Hải đăng được xây bằng đá hoa cương, từng khối nhỏ hình chữ nhật, kiểu lắp ráp khít khao và kín kẻ, gần như không sử dụng chất kết dính. Bên trong có 183 bậc thang hình xoắn ốc nối chân với đỉnh đèn. Cách đó không xa là hồ chứa nước mưa, lấy từ mái nhà phía trên. Nhà ở trên hồ chứa nên lúc nào cũng mát rượi như có máy điều hòa. Trừ mấy cây sứ cổ thụ, đảo không có cây lớn. Cả người lẫn cỏ cây trên đảo đều phải tiết kiệm đất và nước để sinh tồn. Đỉnh hải đăng là điểm đón bình minh và tiễn hoàng hôn cực chất. Hải đăng lúc đó tựa ngọn đuốc đang soi đường cho tổ quốc. Ban ngày, nhìn từ xa, hải đăng như cây bút khổng lổ mà bầu trời là trang sách bất tận.

Đảo Kê Gà và hải đăng nhìn từ trên cao lúc bình minh như ngọn đuốc dẫn đường. Ảnh Internet

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đảo có tên là Kê Dữ, nghĩa là đảo Gà, phần cuối của núi Cẩm Kê nhô ra biển và sụt lún tạo thành. Một số người và cả Wikipedia tiếng Việt đều nhầm khi viết “đảo Gà còn gọi là hòn Bà”. Đảo Gà và hòn Bà là hai đảo nhỏ ven biển Bình Thuận. Hòn Bà cách bờ gần 2km, rộng hoảng 5ha, thuộc thị xã Lagi. Trên đảo nhiều cây hơn và có miếu thờ thần Thiên Y Ana của người Chăm. Có người giải thích Kê Gà là đọc trệch từ Khe Gà, do xưa kia bờ suối có bầy gà rừng sặc sỡ thường ra kiếm ăn. Nghe cũng ổn nhưng vô lý vì phương ngữ. Chỉ có Bắc Trung bộ mới gọi suối, nhỏ hơn sông là khe (Khe Sanh, Khe Gát, Khe Ve…).

Huyền tích kể rằng vùng biển này thủa xưa đẹp hơn thượng giới. Gà, xếp thứ 10/12 con giáp, cũng được Ngọc Hoàng cho xuống trần gian du ngoạn (bây giờ gọi là du lịch). Thấy cảnh quan tuyệt mỹ và con người tốt bụng, hiếu khách; gà mải chơi quên cả thời gian lẫn đường về. Tới hạn, vợ chồng gà trốn biệt xuống thủy cung và ra tận đảo hoang. Địa danh này có tên là đảo Gà từ đó. Nhìn từ xa, đảo Gà như cặp đôi chung thủy. Để phân biệt với gà hạ giới, gà thượng giới có tên là Gà Gà. Gọi là Gà Gà dễ bị hiểu lầm cà lăm nên dân gian đổi thành Kê Gà. Nghe đồn, gà nuôi trên đảo ngon bá cháy.

Đường lên ngọn hải đăng với hàng sứ trắng cổ thụ hai bên. Ảnh: @hoggammm

Trước đây, du khách có thể theo ngư dân lắc thuyền thúng ra đảo hoặc thuê thuyền đánh cá. Bây giờ có cano, chỉ vài phút là tới nới. Mùa biển lặng, có thể tổ chức Team Building kết bè vượt biển ra với Kê Gà.

Ngọc Hoàng giận nhưng vẫn cảm thương nên mỗi năm mấy lần, đặc biệt là dịp hè, lệnh cho Long Vương rút nước biển để nhân gian mở hội, lội bộ ra biển lên đảo vui đùa. Bình thường, thủy triều vẫn lên xuống mỗi ngày nhưng vào rằm tháng giêng, thủy triều rút mạnh, kéo biển ra xa. Lội bộ ra đảo, chỗ sâu nhất chỉ chưa tới một mét. Thời gian có thể xê xích nhưng từ lúc nước rút mạnh và dâng trở lại, kéo dài từ 3 đến 5 tiếng. Thường là từ khuya đến rạng sáng, có thể đi bộ vượt biển qua đảo vô tư.

Biết hè là dịp đi chơi nên 3 tháng 4, 5, 6 âm lịch; mỗi tháng 8 ngày, Long Vương "xả trại" cho mọi người xuống biển rong chơi. Anh Lâm Hòa Bảy, còn gọi là Bảy Tèo, một ngư dân gắn gó với Kê Gà gần nửa thế kỷ. Anh là người lắc thuyền thúng, đưa tôi ra Kê Gà khảo sát vào tháng 4.1997. Anh Bảy cho biết “Suốt 3 tháng đó; cứ độ 17 giờ vào các ngày 13, 14. 15, 16 và 29, 30, 1, 2 âm lịch; mỗi ngày chậm hơn một giờ; biển lại lùi xa, nhiều chỗ trơ đáy”. Chính anh là người cầm đuốc, hướng dẫn đoàn khách du lịch đầu tiên của Lửa Việt và cũng là của cả nước, vượt biển ra cắm trại trên đảo Kê Gà vào lúc 19 giờ ngày 2.6 âm lịch năm 1998.

Năm đó, tôi đưa hai con và 38 học sinh trường chuyên Nguyễn Du (Q.1) cùng thầy cô lội biển ra đảo. Con trai tôi mới 10 tuổi. Dù mọi người đã mặc áo phao, vẫn lo xa nước dâng đột ngột hoặc sợ có hố ngầm. Anh Bảy Tèo và các “lão ngư tri hải” cam đoan là cứ yên tâm, hai giờ sau nước mới dâng mà vẫn lo canh cánh. Nhưng mọi việc dễ hơn ta tưởng. Nước biển chỗ sâu nhất chưa tới mông người lớn, đa phần chỉ quá đầu gối. Biển lênh láng vàng trăng, thi thoảng lóng lánh ánh bạc, tĩnh lặng và dịu hiền đến khó tin. Người người háo hức và hồi hộp. Gió nghịch ngợm đuổi bắt. Từng chòm sao tò mò sà xuống như muốn làm quen với đoàn khách lạ.

Hải đăng Kê Gà, vào mùa nước cạn, có thể lội bộ ra đảo vô tư. Ảnh: Simon Long.

Cứ như chuyện Moise rẽ biển Đỏ thành đường, cứu dân trong kinh thánh. Gậy của Moise tách biển thành đường cho dân thoát nạn. Còn thiên nhiên Hàm Thuận Nam, kéo biển lùi xa để mọi người trẩy hội đùa vui. Lên đảo giữa vàng trăng sau gần nửa giờ lội biển. Cái cảm giác đã không thể tưởng và sướng không thể tả. Cả đoàn quây quần hát hò bên đống lửa nhỏ, cám ơn cuộc sống ngàn lần đáng yêu và tự thưởng cho nhau bữa cháo khuya hải sản, rồi ngả lưng thỏa sức ngắm trời sao mộng mị.

Cầu thang xoắn ốc với 183 bậc dẫn lên đỉnh hải đăng Kê Gà. Ảnh: hienle2308

Mọi người ngủ lều và trong mấy phòng nhỏ. Ai cũng thật ngon giấc với vô vàn mộng đẹp. Tờ mờ sáng, đã í ới gọi nhau, chuẩn bị lên đỉnh hải đăng đón bình minh tuyệt vời, chào ngày mới. Từ đỉnh hải đăng, biển ngút ngàn xanh vời vợi, nối trời với đất. Gió hào phóng đùa vui gọi nắng hồng thức dậy. Cứ ngỡ đang phiêu linh với con thuyền vũ trụ, lạc trôi vào không gian bất tận xanh.

Theo lịch nước rút, hè 2019, để lội biển ra đảo, chỉ còn các ngày :

1 – 4.7 (nhằm ngày 29 – 30.5 đến 1 – 2.6 AL)

15 – 18.7 (nhằm ngày 13 – 16.6 AL).

31.7 – 2.8 (nhằm ngày 29.7 AL).

13 – 16.8 (nhằm ngày 13 – 16.7 AL).

28.8 – 2.9 (nhằm ngày 27.7 – 2.8 AL).

Giờ lội biển là 17 giờ (ngày đầu) đến 20 giờ (ngày cuối đợt).

Nhanh chân lên các bạn, nếu không phải đợi đến rằm tháng giêng 2020 và hè năm sau. Có thể nói đây là hiện tượng tự nhiên kỳ thú, không đụng hàng.

Thông tin thêm

Có thể khởi hành từ Sài Gòn vào buổi trưa. Dễ nhất là theo quốc lộ 1 đến ngã ba núi Takou, rẽ phải đi tiếp 31 km, qua Tân Thuận là đến bờ biển Kê Gà.

Liên lạc trước với Hương dẫn địa phương để có thông tin chính xác giờ nước rút và kiểm tra các dịch vụ. Nên ăn cơm trước khi lội biển. Lên đảo chỉ ăn nhẹ thêm.

Lội biển ra đảo phải mặc áo phao, đèn pin, trang phục và hành lý gọn nhẹ, có người cứu hộ (ngư dân tại chỗ) cùng đi. Thời gian lội biển khoảng 25 – 30 phút (từ bờ lên đảo).

Nên ngủ lại trên đảo để ngắm trăng, sao; đặc biệt là sáng sớm lên đỉnh hải đăng đón bình minh. Có thể mang theo võng để ngủ.

Giá cả dịch vụ:

- Cano đưa đón qua đảo 50.000 đồng / khách.

- Ăn sáng và khuya từ 30.000 - 50.000 đồng / phần (có cà phê).

Ăn chính, cơm phần từ 80.000 đồng trở lên / mỗi khách. Phải đặt trước để có hải sản tươi.

Hướng dẫn và cứu hộ lội biển ra đảo 500.000 đồng.

Lệ phí lên đảo 50.000 đồng / khách, sử dụng nhà vệ sinh, nước tắm, tham quan hải đăng.

Thuê lều từ 40 – 80.000 đồng / khách tùy loại lều.

Có thể kết hợp với tour đi Bình Châu, Hàm Tân, Takou, Bưng Thị, Tân Thành, Mũi Né, Hòn Rơm… từ 2 – 3 ngày.

Bạn có thể liên lạc với dịch vụ Lâm Hòa Bảy (Bảy Tèo) 0918.729.002 – 0368.897.683

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhanh chân ra Hàm Thuận Nam lội biển qua đảo Kê Gà