Nhật Bản đã tăng cường cảnh báo về sự nguy hiểm của một nước Trung Quốc quyết đoán hơn trước đây, đặc biệt là hình ảnh Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông và chi tiết kế hoạch "nỗ lực cưỡng chế thay đổi hiện trạng" của Bắc Kinh.
Những lời chỉ trích việc "nỗ lực cưỡng chế thay đổi hiện trạng" của Trung Quốc, đã được Nhật Bản sử dụng ngôn ngữ thẳng thắn hơn, và xuất hiện trong Sách trắng quốc phòng của nước này, một báo cáo khổng lồ hằng năm mô tả tư thế quân sự của một quốc gia và phân tích các mối đe dọa tiềm năng.
Trong phần viết về Trung Quốc, Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay viết dài hơn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hàng xóm của họ tiếp tục hành động một cách quyết đoán và đã "sẵn sàng chỉ quan tâm tới nhu cầu đơn phương của mình mà không thỏa thuận với nước khác".
Quan hệ Trung - Nhật đã gần như rơi vào bế tắc từ năm 2012 do tranh chấp lãnh thổ của hai nước tại quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), chỉ mới được tan băng gần đây khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe đã có một cuộc họp với nhau.
Nhật Bản đã phản đối công việc xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo các hình ảnh vệ tinh, Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo tại Trường Sa rất thích hợp để trở thành một cơ sở quân sự mà từ đó Bắc Kinh có thể gia tăng sự kiểm soát vùng biển được xem là tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu trên thế giới, có tới lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỉ USD đi qua mỗi năm.
Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản đã bị trì hoãn hơn một tuần do đảng Dân chủ tự do cầm quyền bác bỏ một tài liệu dự thảo vì nó “không nhắc gì tới các hoạt động Trung Quốc xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông”. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã phải bổ sung vào Sách trắng một yêu cầu với Trung Quốc nhằm chấm dứt xây dựng các cơ sở ở biển Đông mà Bắc Kinh khởi động 2 năm trước.
Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản được thông qua ngay sau khi Hạ viện nước này thông qua dự luật an ninh mới cho phép Nhật Bản có khả năng tuyên chiến lần đầu tiên sau 70 năm duy trì hiến pháp hòa bình của mình.
Thiên Hà (theo Financial Times)