Có thể nói rằng, hành trình khám phá Argentina là một trong những chuyến đi ấn tượng nhất của tôi.

Nhật ký lữ hành Argentina – P.15: Dòng sông băng Upsala Glacier và bài học cuộc đời

HS Trần Thùy Linh | 21/05/2021, 13:24

Có thể nói rằng, hành trình khám phá Argentina là một trong những chuyến đi ấn tượng nhất của tôi.

Vào thời trẻ tôi cũng đã có nhiều chuyến đi tới nơi xa, chủ yếu là Âu Châu. Vì có lẽ do thời gian dài sống và liên tục gắn bó với lục địa ấy qua học hành rồi công việc, khiến cho những cảnh sắc Âu châu bỗng trở nên quen thuộc, đến mức ấn tượng có phần nào giảm sút.

Nhưng châu Phi, hay Nam Mỹ lại là câu chuyện khác. Những nơi này không giống Âu châu - mối tình đầu ngọt ngào tuổi trẻ, mà có một sức hút kỳ lạ của một tình yêu già dặn hơn, đằm thắm hơn, nồng nhiệt và cháy bỏng hệt như văn hóa, con người và cảnh sắc nơi đây. Ushuaia, Patagonia..., gần hai tuần qua đã cho tôi cảm nhận như vậy, ngày càng rõ nét hơn qua những cung đường.

hatgiogtamhon7.jpg

Tàu cập bến vào một đảo nhỏ nằm giữa trung tâm Công viên quốc gia Sông Băng. Puesto de las Vacas là một trang trại cổ như rất nhiều trang trại nuôi gia súc đã tồn tại từ bao thế kỷ nay tại Patagonia.

Đảo nằm bên vịnh Spegazzini, không quá lớn nhưng vô cùng hoang sơ. Dọc theo con đường bờ biển đầy những gốc cây cổ thụ khổng lồ, chắc phải hàng trăm năm tuổi, di tích của một thời khẩn hoang chăng? Chúng nằm ngổn ngang trên đường, vài cây ngả vào nhau tạo thành những cổng chào lạ mắt. Cứ thế suốt dọc con đường mòn dẫn sâu về phía cuối đảo. Bên phải vẫn là những cánh rừng sồi, dẻ gai đang bước vào những ngày cuối cùng của mùa trút lá trong sắc màu đặc trưng của Thu - vàng, nâu, cam, đỏ, tía. Vài ngôi nhà gỗ cổ đứng im lìm nhìn ra bờ Vịnh.

hatgiongtamhon6.jpg

Tôi ngồi xuống một gốc cây lớn đã mục. Vỏ cây như mái nhà ôm tôi vào lòng. Trước mặt là vịnh biển yên bình, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Mùi gỗ sồi thoang thoảng, mùi cỏ hăng hăng, có cả mùi gió thu mặn mòi. Giá mà cuộc đời chỉ toàn những phút giây yên bình và dịu êm như thế nhỉ?

Rời hòn đảo bình yên, tàu tiến gần tới dòng sông băng Upsala. Đã bắt đầu thấy những tảng băng trôi trên mặt nước và mọi người trên tàu bắt đầu nhốn nháo. Cũng phải thôi, chúng tôi đang tiến đến nơi được mệnh danh là vùng “Icy giants” - băng khổng lồ. Nghe cứ như sắp gặp những người Tuyết, người Băng từ truyền thuyết vậy. Mọi người nhanh chóng tràn ra bong tàu ở cả tầng trên và dưới. Sự hồi hộp lan nhanh trong không khí. Và kia, dòng sông băng lớn thứ hai của Nam Mỹ đã dần hiện lên từ phía xa.

hatigongtamhon2.jpg

Upsala là một cánh đồng băng có diện tích 870km2, bức tường băng dài 60km và cao 70m. Tất cả những con tàu thăm quan phải ở cách xa vì lý do an toàn. Upsala thậm chí còn lớn hơn sông băng nổi tiếng Perito Moreno cũng thuộc Công viên quốc gia này. Càng vào gần khu vực băng trôi rộng lớn của cánh đồng băng càng ấn tượng. Bữa tiệc mà thiên nhiên bày ra ngay trứơc mắt,quả thật không từ nào tả nổi. Những khối băng xanh biếc đủ mọi hình thù trôi trên mặt nước. Nếu chưa từng tận mắt chứng kiến, chắc chắn bạn sẽ nghi ngờ những bức ảnh của tôi là photoshop, tăng màu hay gì đó.

Nhưng nếu bạn đang trên con tàu, len lỏi giữa những khối băng như tôi, thì bạn cũng sẽ muốn chui vào những khối băng xanh biếc ấy, để được đắm mình trong cái màu lam kỳ ảo đến không thể kỳ ảo hơn ấy. Sở dĩ những khối băng có màu xanh lam như thế là do các lớp băng dày đặc bên trong đã ép hết không khí ra ngoài. Lớp băng dày đặc này hấp thụ tất cả các màu của ánh sáng, trừ màu xanh lam. Ở những nơi khối băng có màu trắng, là những chỗ còn có nhiều hốc nhỏ chứa không khí bên trong.

hatgiongtamhon1.jpg

Và dưới ánh mặt trời, một lần nữa thiên nhiên phô diễn hết khả năng sáng tạo vô biên mà loài người không thể và chắc là không bao giờ có thể sánh được. Không chỉ là đa dạng về hình khối, mà những tảng băng khổng lồ thực sự mở ra một thế giới riêng của chúng nhớ sự biến ảo kỳ diệu của tông lam dưới ánh mặt trời. Kia là hai con chó khổng lồ, đó là con voi, hà mã..., và rất rất nhiều những không gian vũ trụ, phi thuyền trắng bay trong những khoảng xanh bao la. Những muốn chìm trong cái vụ trụ xanh lam huyền ảo ấy mãi.

Theo thông tin của NASA, từ năm 2001, vị trí của những phần rìa ngoài cùng của khối băng tại Upsala (phần mỏm và chân) đã tan chảy khoảng 3km. Thật đáng buồn là hiện tượng này đang xảy ra từ vài thập kỷ nay, không chỉ tại Patagonia mà ở khắp các các đồng băng trên thế giới do biến đổi khí hậu. Chuyện dài nhiều tập, chẳng thể nói hết được khi bàn về biến đổi khi hậu và ô nhiễm môi trường. Băng tan, hiệu ứng nhà kính, nhiều động vật bị tuyệt chủng, nhiều sinh vật bị tước đi môi trường sống... còn có gì mà con người không dám làm để thoả mãn lòng tham vô đáy? Lại nhớ tới tuyên ngôn của Green Pace - Khi những dòng sông cuối cùng đã cạn, và cánh rừng cuối cùng đã ra đi, loài người mới nhận ra: tiền không ăn được!

hatgiongtamhon4.jpg

Ở đây, nơi cực nam của địa cầu này, giữa cánh đồng băng và những tảng băng khổng lồ đang lững lờ trôi, tôi bỗng thấy điều đó thấm thía hơn bao giờ hết. Thêm một lần nữa lại thấy, những chuyến đi đã mang lại cho tôi thật nhiều. Không chỉ là những cảm xúc không gì sánh được, không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên, mà còn là những bài học cụ thể về cuộc đời, vô cùng thấm thía.

“Thấm đủ” để thay đổi lối sống, thay đổi bản thân.

Bài liên quan
Nhật ký lữ hành Argentina - P.3: Khi cà phê là phong cách sống
Tôi đã uống cà phê tại Buenos Aires, nơi mà người Argentina nói: “Chưa tới đây thì coi như chưa tới Buenos Aires”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
19 phút trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật ký lữ hành Argentina – P.15: Dòng sông băng Upsala Glacier và bài học cuộc đời