Reuters ngày 16.11 đưa tin Nhật sẽ cấp khí tài quân sự cho Philippines tuần tra biển Đông, khi hai lãnh đạo Nhật - Philippines gặp nhau ngày 18.11 bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Manila.
Ba nguồn tin giấu tên ở Nhật cho Reuters biết Nhật sẽ cấp khí tài quân sự cho Philippines tuần tra Biển Đông, có thể gồm cả máy bay tuần tra biển. Tuy nhiên Reuters cũng nói rõ đó là những phương tiện quân sự cũ.
Theo thỏa thuận giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, đây là lần đầu tiên Nhật đồng ý tặng trực tiếp khí tài quân sự cho một nước khác, và là ví dụ mới nhất về chủ trương an ninh cứng rắn của ông Abe.
Các nguồn tin nói thêm Tokyo và Manila sẽ bàn luận về tầm mức và dạng viện trợ quân sự của Nhật. Một nguồn tin nói "APEC là cơ hội để chúng tôi thể hiện cấp độ hợp tác của chúng tôi".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật nói không biết thông tin trên, còn Bộ Ngoại giao Philippines từ chối bình luận.
Dù hiện thỏa thuận sẽ không đề cập sự giúp đỡ đặc biệt, Nhật có thể bắt đầu cấp 3 máy bay Beechcraft TC-90 King Air. Phi công của Cục Phòng vệ Nhật thường dùng máy bay này để tập luyện. Nó có radar do thám trên bộ và trên không. Tiếp đó, Nhật có thể cấp máy bay tuần tra biển săn ngầm P3-C.
Theo Reuters, Philippines là quốc gia Đông Nam Á quyết liệt phản đối Trung Quốc tuyên bố độc chiếm 90% biển Đông.
Nhật Bản không tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này nhưng lo ngại sự trỗi dậy quân sự của TQ lan tới các tuyến hàng hải mà tàu thương mại Nhật đi qua.
Thay vì trực tiếp thách thức bằng cách đưa tàu chiến và máy bay đến tuần tra biển Đông, Nhật đang xây dựng khả năng quân sự các nước bạn trong khu vực như Philippines và Malaysia.
Để cho phép Nhật trực tiếp tặng khí tài quân sự, các nghị sĩ Nhật sẽ phải điều chỉnh các quy định tài chính liên quan đến việc bán khí tài quân sự đã qua sử dụng, hoặc lập cơ chế tài chính ngoài các khoản viện trợ phát triển nước ngoài vốn không thể sử dụng vào các mục đích quân sự.
Hồi tháng 6.2015, hai ông Abe - Aquino cũng đồng ý bắt đầu thương lượng về các chuyến thăm quân sự, mở đường cho việc Nhật sử dụng các căn cứ ở Philippines để tiếp nhiên liệu cho máy bay và tàu chiến Nhật.
Nhật cũng đang đóng 10 tàu cho lực lượng tuần duyên Philippines.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)