Nhà máy sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát để Khu du lịch Vũng Chùa Đảo Yến - nơi được đặt mộ của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm ở phía Nam khu vực dự án, cách dự án khoảng 3km không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động của dự án.
Đó là khẳng định của bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã được ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TNMT ký theo quyết định 303/QĐ-BTNMT.
Chỉ cách 3km mà 'không ảnh hưởng" liệu có thuyết phục?
Động lực du lịch?
Tại trang 335 của bản ĐTM được ông Võ Tuấn Nhân phê duyệt, ở phần Biện pháp giảm thiểu tác động đến cảnh quan và hoạt động du lịch, có đoạn:
“Nhà máy sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết để đảm bảo không làm thay đổi quang cảnh tự nhiên, hiện có gây ảnh hưởng đến các khu vực văn hóa du lịch như Khu di tích Bà Chúa Liễu Hạnh ở phía Bắc dự án, cách nhà máy khoảng 2km, và khu du lịch Vũng Chùa Đảo Yến - nơi được đặt mộ của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm ở phía Nam khu vực dự án, cách dự án khoảng 3km không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động của dự án.
Ngược lại, có thể nhờ sự xuất hiện của dự án kéo theo sự phát triển về cơ sở hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu người lao động, chuyên gia và khách đến công tác và làm việc tại đây.
Đặc biệt, đầu tư quảng bá và nâng cao chất lượng các sản vật đặc trưng của địa phương sẽ giúp gia tăng số lượng dịch vụ phục vụ du lịch, giúp tạo số lượng việc làm mới phù hợp với người dân địa phương.
Trong tương lai nhà máy phối hợp với chính quyền địa phương để phát triển hoạt động du lịch, tham quan các cơ sở sản xuất ở địa phương nhằm thu hút thêm khách du lịch đến đây”.
Nhiều chuyên gia du lịch khi được hỏi về thông tin này, họ có cùng đánh giá: Nói nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I “là cơ sở và động lực kích thích để phát triển hoạt động du lịch khu vực này và ngành du lịch địa phương” là khiên cưỡng.
ĐTM nói nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch là động lực kích thích để phát triển hoạt động du lịch khu vực này và ngành du lịch địa phương
Trong khi đó, tính toán cao điểm nhất, lượng công nhân làm việc xây dựng nhà máy thì chưa đến 5.000 người. Dịch vụ ăn uống ở đây phát triển hơn 50% cho nên, số liệu của ĐTM này chưa đủ tính tin cậy mà Thứ trướng Bộ TNMT đã ký quyết định phê duyệt là thiếu cẩn trọng.
Hơn nữa, một số chuyên gia du lịch cho rằng, nói nhà máy cách 3km không ảnh hưởng là thiếu chính xác bởi những người thực hiện dự án ĐTM không tham vấn bất cứ vấn đề nào liên quan đối với ngành du lịch địa phương.
Đổ thải 2,5 triệu khối nạo vét ra biển
Ngoài ra, ông Võ Tuấn Nhân trong một động thái khác cũng đã ký quyết định số 3321 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án cơ sở hạ tầng thuộc trung tâm điện lực Quảng Trạch xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho đổ 2,5 triệu m3 chất thải nạo vét cảng than ra biển cách bờ 5 hải lý.
Quyết định này có đoạn: “Tổ chức các hoạt động nạo vét, vận chuyển và nhận chìm vật chất ở biển, đảm bảo không có tác động xấu tới hệ sinh thái, đời sống, sinh kế của cư dân trong khu vực dự án và khu vực nhận chìm, thực hiện nhận chìm vật chất nạo vét trong quá trình thi công xây dựng, vận hành dự án vào đúng vị trí được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và cấp phép”.
Đền Liễu Hạnh công chúa nơi du khách hành hương rất đông, cách nhiệt điện Quảng Trạch 2km
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành công văn văn số 1664 do Chánh văn phòng Nguyễn Trần Quang ký, thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân giới thiệu vị trí nhận chìm đất cát nạo vét cảng nhập than tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Cơ quan chức năng tham mưu của địa phương cho biết: “Về vị trí quy hoạch (nhận chìm) thì BQLDA nhiệt điện 2 làm việc trực tiếp với Cảng vụ hàng hảiQuảng Bình nhưng phải đảm bảo không nằm trong phạm vi 3 hải lý vì khu vực này chủ yếu là rặng san hô và là khu vực phát triển hệ sinh thái ven biển”, công văn 870 Sở TNMT nêu.
Vùng biển được giới thiệu nhận chìm 2,5 triệu m3 đất cát thải khi nạo vét phục vụ xây dựng cảng nhập than nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, được giới hạn trong vòng tròn bán kính 1 hải lý, tâm đường tròn cách phao số 0 Hòn La 4 hải lý về phía tây nam, cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía tây, cách Mũi Độc 5 hải lý về phía tây bắc, cách đảo Hòn Gió 5 hải lý về phía đông nam, diện tích 10km, độ sâu tự nhiên trung bình 22-25m. Theo Cảng vụ Quảng Bình cho rằng, việc nhận chìm vật liệu nạo vét với khối lượng 2,5 triệu m3 không ảnh hưởng đến tuyến hàng hải của tàu thuyền.
Biên phòng có ý kiến gì?
Về bản ĐTM này, khi được mời tham gia ý kiến góp ý, đồn biên phòng Roòn, nơi phụ trách tuyến biển khu vực, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ Vũng Chùa-Đảo Yến - nơi có mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có văn bản số 362/ĐR ngày 24.8.2017 trả lời văn bản số 191/ANĐ2-P4 ngày 21.8.2017 của chủ đầu tư EVN, nội dung trả lời đều đồng ý với nội dung của Báo cáo ĐTM và các ý kiến đóng góp như sau:
Về các tác động tiêu cực của dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng: Đồng ý với các nội dung về tác động tiêu cực của Dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Về các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của Dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng: Đồng ý với các giải pháp, biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của Dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Đồn biên phòng này cũng gửi một số kiến nghị như: Chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường - xã hội nêu trong báo cáo ĐTM, thực hiện các biện pháp bổ sung nêu trong quá trình thực hiện dự án phát sinh. Trong quá trình thực hiện dự án, phải đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép theo Luật bảo vệ môi trường quy định. Đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư và người lao động, chủ dự án phải tuân thủ khắc phục kịp thời các hoạt động xảy ra ảnh hưởng đến môi trường. Văn bản này do Đại úy Nguyễn Xuân Thành, phó đồn trường đồn Roòn ký.
Toàn bộ văn bản này của đồn biên phòng Roòn hoàn toàn không nhắc đến gì về việc khoảng cách 3km từ nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I đối với khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến dư luận băn khoăn.
Hoàng Long