Không chỉ có người dân mà ngay cả những bác sĩ điều trị cũng chưa hiểu đúng về căn bệnh đột quỵ, phương pháp, cách thức phát hiện và điều trị căn bệnh này. Điều này khiến nhiều bệnh nhân đột quỵ phải chết oan.
Chưa phân biệt đươc đột quỵ với đột tử hay nhồi máu cơ tim
Trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội cũng như báo chí chính thống liên tục “sục sôi” hai từ đột quỵ. Vì gần đây căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, từ thường dân đến những người nổi tiếng, từ người lớn tuổi đến người nhỏ tuổi, thậm chí trẻ em mới 3 tuổi cũng bị đột quỵ.
Tuy nhiên, việc giải thích về căn bệnh trên của các chuyên gia, bác sĩ mỗi người phán mỗi kiểu, trong đó có không ít những kiểu phán mà theo TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Liên chi Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, Ban chấp hành Hội can thiệp thần kinh Á Úc là "cảm thấy bị đột quỵ".
Theo bác sĩ Cường, đột quỵ không phải liên quan đến nhồi máu cơ tim hay đột tử do tim. Những bệnh đó không gọi là đột quỵ. Đột quỵ là sự cố do tắc mạch máu não (nhồi máu não) hay vỡ mạch máu não (xuất huyết não). Song không ít người dân, thậm chí cả bác sĩ đang còn nhầm lẫn xem nhồi máu cơ tim là bệnh đột quỵ.
“Đột quỵ do não hay 'đột tử' do tim cũng có thể phân biệt được chính xác nhưng phải dựa vào nhiều triệu chứng của bệnh nhân và những bằng chứng y khoa. Để có thể kết luận được đó là đột quỵ hay đột tử cần phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cũng như điện tim, CT… Nếu chưa đủ bằng chứng, tới pháp y giải phẫu tử thi để tìm bằng chứng. Thông thường bác sĩ chỉ có thể đoán như trong từ “chẩn đoán” mà thôi theo những lý luận cơ bản. Nếu bệnh nhân đi luôn sau sự cố thì đa phần là do tim, nếu bệnh nhân bị liệt, hoặc hôn mê rồi vài tiếng sau mới mất có thể là do não…”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Sai lầm trong phương pháp điều trị
Ngoài việc chưa hiểu đúng về bản chất của căn bệnh đột quỵ, một số bác sĩ còn có sai lầm “chết người” là chưa hiểu được về phương pháp điều trị căn bệnh đột quỵ, nhất là về “thời gian vàng”
Theo bác sĩ Cường, không ít bác sĩ chưa nắm bắt được các phương pháp điều trị đột quỵ. Lẽ ra bệnh nhân trong tình trạng đột quỵ, bác sĩ cần chỉ định cho bệnh nhân can thiệp thì một số bác sĩ lại khuyên bệnh nhân không nên can thiệp, chỉ điều trị hồi sức, vì có can thiệp nguy cơ tử vong. Điều này khiến không ít bệnh nhân bị đột quỵ chết oan, vì sự hiểu biết này.
“Mới đây có một bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại bệnh viện ở Đồng Tháp. Một bác sĩ có kinh nghiệm ở bệnh viện này khuyên để bệnh nhân nằm điều trị hồi sức, chờ hồi phục, nếu can thiệp nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Rất may người nhà bệnh nhân đã nhanh chóng chuyển đến một bệnh viện khác và được bệnh viện này lập tức can thiệp nên đã kịp thời cứu sống”, bác sĩ Cường cho biết.
Bác sĩ Cường cho rằng, điều trị đột quỵ là sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, không ai tài giỏi hơn ai và không được xem nhẹ bất cứ khâu nào. Bệnh viện điều trị đột quỵ tốt ngoài việc có đủ các chuyên khoa còn đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ nhau, giúp đỡ nhau…
Các bác sĩ phải tôn trọng chuyên khoa của nhau, đừng cho người khác là dở và cái gì mình cũng biết đôi khi sẽ bị “hớ” và bị thủng lưới mất bệnh nhân khi không biết lắng nghe cái hay của đồng đội mình. Tất nhiên sẽ có một tỷ lệ rủi ro khi dựa vào “đồng đội” chưa chuẩn.
Các bác sĩ phải biết lắng nghe và học hỏi một cách nghiêm túc, kiên nhẫn chịu khó ngồi nghe đồng nghiệp của mình nói về những cái hay của họ; những cái không thuộc sở trường của mình, hoặc mình không có kinh nghiệm về nó nhưng lại liên quan trực tiếp đến người bệnh. Để có thể gắn kết, chia sẻ những khó khăn cũng như tận dụng những mặt mạnh của đồng đội để giải quyết vấn đề hạn chế mà mình không làm được.
“Một bác sĩ chưa từng làm can thiệp thì không nên khuyên bệnh nhân không nên chọn can thiệp, vì can thiệp có nguy cơ gây tử vong vì tai biến mà hãy nhìn vấn đề một cách sâu sắc hơn. Nếu đặt tình huống ngược lại, không can thiệp tỷ lệ tử vong sẽ rất cao, hay cao hơn nhiều so với tỷ lệ tai biến. Đây gọi là cách nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan, trung thực có lợi cho người bệnh”, bác sĩ Cường nói.
Điều trị đột quỵ đúng như thế nào?
Phân tích của bác sĩ Cường cho thấy, “thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ” với bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não do tắc mạch nhỏ (hoặc không biết lớn nhỏ). “Thời gian vàng” là trước 4,5 giờ. Đây là thời gian còn cân nhắc tiêm rTPA ( loại thuốc tiêu sợi huyết). Trước 6 giờ là thời gian tốt nhất cho can thiệp tái thông đối với nhồi máu não do tắc động mạch lớn (cảnh trong, não giữa, thân nền). Mạch máu lớn thì hiệu quả rTPA kém khả năng tái thông, cao lắm chỉ 20%, nghĩa là nếu đã xác định có tắc mạch lớn thì phải chuyển đi can thiệp ngay sau khi đã cố gắng tiêm rTPA.
Lúc này, bác sĩ cần giải thích cho người nhà bệnh nhân rõ có nguy xuất huyết não sau tiêm rTPA, cho dù thấp khoảng 2-5% thôi, nhưng có thể gây chết người. Trong khi đó, can thiệp tái thông cũng có biến chứng tử vong, nhưng chắc chắn một điều là khả năng sống sót cao hơn không can thiệp khi bệnh nhân có tắc mạch lớn (tắc động mạch não giữa: Nguy cơ tử vong 30%, tắc cảnh trong 50%, tắc thân nền 90% tử vong).
Riêng với bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết não thì thời gian điều trị càng sớm càng tốt nhưng hiệu quả và chỉ định tùy vào nguyên nhân. Thời gian trong xuất huyết não không khắt khe như nhồi máu não.
Tiên lượng bệnh cũng như kết quả điều trị phụ thuộc khác nhiều vào các yếu tố như vị trí xuất huyết (nông hay sâu), lượng máu chảy, nguyên nhân (tăng huyết áp, phình mạch, dị dạng mạch…)…
Bệnh nhân đột quỵ nên điều trị nhanh nhất có thể đó là “đạo lý và chân lý”. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng và cố gắng về gần bệnh nhân hơn nếu được.