Thí sinh đăng ký dự thi tại trường; cấu trúc đề thi tương tự như đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014…, đó là những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015.

Nhiều điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015

Một Thế Giới | 11/12/2014, 05:31

Thí sinh đăng ký dự thi tại trường; cấu trúc đề thi tương tự như đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014…, đó là những thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015.

Trao đổi với báo chí tại “Hội thảo và thực tế công tác thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” tổ chức ở Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 10.12, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết về cơ bản đến nay, đại đa số trường ĐH, CĐ dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển.

Học sinh đăng ký dự thi tại trường

Theo ông Trần Văn Nghĩa, học sinh học tại trường nào thì đăng ký tại trường đó; đối với những thí sinh tự do thì đăng ký tại các sở GD-ĐT, sau đó sở sẽ chuyển về cụm thi.

Việc đăng ký môn thi được thực hiện như sau. Đối với đối tượng 1, thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT đăng ký 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa; đối với những vùng khó khăn có thể lựa chọn môn khác để thay môn ngoại ngữ. 
Việc miễn thi ngoại ngữ được thực hiện theo quy định của bộ nếu thí sinh đáp ứng những chứng chỉ cần thiết. Đối với nhóm 2 là những thí sinh vừa thi vừa để xét tốt nghiệp CĐ, ĐH thì ngoài thi 4 môn bắt buộc sẽ đăng ký từ 1 đến 4 môn tiếp theo tùy theo nguyện vọng các khối thi để xét tuyển.
Ông Nghĩa cũng đặt vấn đề cho điểm 10 tối đa với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định nhưng nhiều ý kiến cho rằng có thể thí sinh học chứng chỉ quốc tế tốt nhưng làm theo đề thi của Bộ GD-ĐT thì điểm lại không cao.
ky thi tot nghiep THPT
Thí sinh ở TP HCM trao đổi về đề thi sau một buổi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH  
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi tương tự dạng đề của năm 2014. Thời gian làm bài các môn vẫn như cũ. Đặc biệt, hướng ra đề các môn xã hội sẽ tiếp tục đổi mới ra đề mở theo hướng liên môn, không máy móc, bắt học sinh phải nhớ các số liệu hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh để đạt 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Thí sinh phải làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 bài hoặc 6 bài thi, cá biệt nhất là 8 bài thi. Địa điểm dự thi gần hơn so với thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây vì các cụm thi đã được mở rộng. Việc sử dụng kết quả thi vẫn giữ ổn định như năm 2014. Việc coi thi, chấm thi, phúc khảo, chế độ ưu tiên cũng không thay đổi. Lệ phí thi: Nếu thí sinh dùng kết quả thi để xét tuyển thì phải đóng lệ phí, một môn 35.000 đồng.

Chưa thống nhất cụm thi

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, có một mô hình tổ chức cụm thi và cơ chế vận hành cụm thi. Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH có uy tín và năng lực chủ trì cụm thi phối hợp với các địa phương tổ chức coi thi, chấm thi. Việc tổ chức ở các cụm thi đều theo quy định của quy chế và quy trình thi giống nhau. Tham gia coi thi và chấm thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT.

Riêng các vùng khó khăn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, để tạo điều kiện cho các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh do các trường ĐH chủ trì.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, bộ đã làm việc với những trường ĐH dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh (dự kiến 34 cụm thi), các sở GD-ĐT để khảo sát thực trạng về nguồn lực và các điều kiện tổ chức cụm thi liên tỉnh tại các địa phương này. Tuy nhiên, vẫn chưa thống nhất chính thức vì có thể bỏ cụm thi không đủ năng lực hoặc bố trí cụm thi khác.

Hai địa phương là TP HCM và Hà Nội sẽ có nhiều cụm thi hơn. Mỗi cụm thi có ít nhất thí sinh của 2 tỉnh vì muốn đáp ứng yêu cầu công bằng cho tất cả thí sinh và điều kiện khách quan là một số nơi không có trường ĐH. Việc bố trí cho học sinh đi thi tại cụm thi bảo đảm gần hơn trước. Theo lãnh đạo Cục Khảo thí, thí sinh có điểm thi xong mới đăng ký xét tuyển. Quan điểm của bộ là vừa bảo đảm quyền lợi thí sinh nhưng cũng để các trường không bị ảo khi xét tuyển.

428 trường dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển

Có 428 ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD-ĐT; tất cả các trường này đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Trong đó, 235 trường sử dụng kết quả tốt nghiệp; 192 trường (81 trường ĐH, 111 trường CĐ) vừa sử dụng kết quả kỳ thi vừa xét học bạ THPT. Đặc biệt, ĐHQG TP HCM, các ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm, khối y - dược, công an, quân đội đều sử dụng kết quả để xét tuyển.

Đặng Trinh (Người Lao Động)

Bài liên quan
Công bố kết quả thi học sinh giỏi quốc gia THPT
Ngày 18.1, Bộ GD-ĐT thông tin về kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bậc trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015