Mặc dù lãi suất cho vay ngoại tệ trong nước đã giảm mạnh trong 2014 so với các năm trước đó, nhưng dư nợ vay ngoại tệ từ nước ngoài vẫn tiếp tục tăng do lãi suất vay nước ngoài thấp hơn trong nước.

Nhiều doanh nghiệp vay nợ nước ngoài vì lãi suất thấp

Một Thế Giới | 09/04/2015, 18:35

Mặc dù lãi suất cho vay ngoại tệ trong nước đã giảm mạnh trong 2014 so với các năm trước đó, nhưng dư nợ vay ngoại tệ từ nước ngoài vẫn tiếp tục tăng do lãi suất vay nước ngoài thấp hơn trong nước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, lũy kế đến cuối năm 2014 có 750 doanh nghiệp được chi nhánh này xác nhận vay nợ nước ngoài trung, dài hạn, với kim ngạch tương đương 6,25 tỉ đô la Mỹ, trong đó, đa phần là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (66%), còn lại là doanh nghiệp trong nước.
Dư nợ đến cuối 2014 là 3,65 tỉ đô la Mỹ, trong đó vay bằng tiền là gần 3,5 tỉ đô la Mỹ, còn lại là vay bằng hàng hóa. So với cuối 2013, dư nợ vay ngoại tệ từ nước ngoài đến cuối năm ngoái đã tăng 9,7%.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, các khoản vay trên đối với doanh nghiệp FDI chủ yếu là của công ty con vay công ty mẹ, còn đối với doanh nghiệp trong nước thì đa phần là vay của đối tác theo dạng mua máy móc trả chậm, đầu tư góp vốn nhưng chưa xin được giấy phép nên trở thành các khoản vay, hoặc vay của cá nhân quen biết ở nước ngoài, hoặc được chính phủ bảo lãnh các khoản vay.
Ông Minh cho rằng do các nguồn vốn này rẻ hơn nhiều so với vay trong nước, thông thường lãi suất của các khoản vay trên chỉ xấp xỉ 1-2%/năm, trong khi vay trong nước khoảng từ 4-5%/năm cho khoản vay ngoại tệ nên khi có điều kiện, doanh nghiệp sẽ tiếp cận các khoản này.
Tuy vậy, ông Minh cho rằng trong số các khoản vay trên có rất ít các khoản doanh nghiệp tiếp cận được với ngân hàng nước ngoài, vì hiện tại cũng chưa có những công ty tư vấn, hay môi giới để giới thiệu cho doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ngân hàng. Đa phần các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi ở nước ngoài mới dễ vay vốn.
Trước đó, một lãnh đạo NHNN cho biết NHNN vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình thực hiện các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp để giám sát chặt chẽ diễn biến vay, trả nợ của doanh nghiệp. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo mức vay nước ngoài của doanh nghiệp nằm trong tầm kiểm soát và trong phạm vi hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vị này cũng cho rằng trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ, việc huy động vốn từ các nguồn vốn vay nợ trong và ngoài nước là cần thiết. Trong thời gian qua, hoạt động vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp đã góp phần bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
Đồng thời hoạt động tự vay, tự trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Việc lựa chọn vay trong nước hay nước ngoài của mỗi doanh nghiệp được quyết định trên cơ sở cân nhắc hiệu quả sử dụng vốn, chi phí, mức độ rủi ro và khả năng tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo vị này nếu nhìn trên góc độ vĩ mô, gia tăng vay nợ nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nghĩa vụ nợ quốc gia, tác động tới các chỉ số an toàn nợ quốc gia, vì vậy sắp tới Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng hạn mức vay thương mại nước ngoài.
Việc xây dựng hạn mức nhằm quản lý nợ trung hạn, duy trì mức nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của Luật Quản lý nợ công và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Trong khi đó, theo một chuyên gia tài chính, NHNN không nên đóng cửa vay nợ nước ngoài dài hạn của doanh nghiệp, vì đây là nguồn vốn giá rẻ, thời gian trả nợ cũng dài, không quá áp lực cho doanh nghiệp. Tuy vậy NHNN cũng nên có những quy định kiểm soát dòng vốn ngắn hạn, nhằm tránh sự ra vào nhanh chóng của dòng vốn, như lợi dụng lãi suất tiền đồng cao, doanh nghiệp nước ngoài đưa vốn vào, chuyển thành tiền đồng để hưởng lãi suất, rồi lại rút ra, tạo ra sự không ổn định cho thị trường ngoại tệ.
Theo Thanh Thương (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều doanh nghiệp vay nợ nước ngoài vì lãi suất thấp