Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các trường ở các địa phương.
Bộ GD-ĐT mới đây có Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm thay thế cho Thông tư số 25. Trong đó đưa ra 3 nguyên tắc: Lựa chọn SGK trong danh mục đã được Bộ phê duyệt sẵn, mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK phù hợp và lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan.
Rất nhiều các giáo viên đã lên tiếng ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT, bởi lẽ chính các giáo viên là những người trực tiếp giảng dạy các học sinh nên họ sẽ biết sách và nội dung nào phù hợp với lứa tuổi, cũng như nhận thức của các em ở địa phương đó.
Chị Nguyễn Thị Hậu, hiện là giáo viên của một trường THPT tại Nam Định cho biết, hiện nay chương trình Giáo dục phổ thông đã đi theo hướng mở, để cho các em học sinh phát huy hết khả năng tư duy của bản thân.
"Chính vì thế tôi luôn ủng hộ việc chính các giáo viên sẽ là người lựa chọn SGK cho chính những môn mà họ đảm nhận. Vì chúng tôi sẽ là người hiểu hơn ai hết kiến thức, tư duy của các em học sinh mà chúng tôi giảng dạy. Khi tôi dạy ở Hà Nội thì tư duy của các em ấy khác, nhưng khi về Nam Định dạy thì cách học của các em ở đây lại khác. Nên tôi cho rằng bộ SGK phải do chính giáo viên ở địa phương đó lựa chọn. Mục đích nào cũng giúp cho học sinh hiểu được nội dung và bám sát mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đề ra" - chị Hậu cho hay.
Đồng tình với ý kiến của các giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng việc trao quyền lựa chọn SGK cho các giáo viên là quyết định chính xác. Ông Lâm cho rằng nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý các trường để xem tiến độ và đảm bảo theo đúng các yêu cầu chung đặt ra.
"Quy trình lựa chọn giao về cho giáo viên chính là lựa chọn hết sức phù hợp vì giáo viên sẽ hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh của học sinh để lựa chọn. Khi các giáo viên lựa chọn SGK thì không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề ngoài lề khác, nâng cao năng lực chuyên môn. Chính vì thế các giáo viên và cả hiệu trưởng sẽ tự nâng cao năng lực bản thân để thực hiện một cách bài bản nhất cho chất lượng học sinh của mình" - ông Lâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ ủng hộ quy trình đang được lấy ý kiến.
“Việc giao cho các trường thành lập hội đồng là phù hợp, bởi mỗi trường ở từng khu vực sẽ có điều kiện thực tế, năng lực, đội ngũ cơ sở vật chất và các mục tiêu, mục đích giáo dục khác nhau. Các trường cần được chủ động, cùng với hạn chế sự tác động trong việc chọn sách. Và điều quan trọng hơn là các giáo viên sẽ không gò ép học sinh trong một khuôn mẫu sách vở mà sẽ gợi mở cho học sinh cách tư duy độc lập, chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cái mới. Đó là điều mà giáo dục phổ thông cần hướng tới".
Tuy nhiên, đưa ra những lo lắng cho vấn đề này, thầy Hà Đức Anh (Hà Tĩnh) thì lại cho rằng các giáo viên hiện nay đang gánh trên vai quá nhiều áp lực, nên việc tự lựa chọn thêm SGK sao cho đảm bảo tiêu chí của Bộ GD-ĐT cũng khá khó khăn.
"Nhiều giáo viên vùng núi như chúng tôi khá lúng túng khi lựa chọn nội dung, chúng tôi tốn khá nhiều thời gian để đọc sách kỹ lưỡng và đánh giá ưu nhược điểm từng cuốn sách. Tôi cho rằng các nhà quản lý cần lắng nghe những góp ý của các giáo viên trực tiếp giảng dạy để đánh giá tính hiệu quả của bộ sách đó. Giáo viên chỉ là kênh tham mưu cho các cấp tỉnh, Sở hay TP để đưa ra quyết định lựa chọn bộ sách nào phù hợp với tỉnh đó mà thôi" - thầy Đức Anh trao đổi.
Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này đến ngày 20.12. Nếu thông tư này được thông qua, việc thành lập hội đồng chọn sách quay lại tương tự như đầu năm 2020 - năm đầu SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào sử dụng.