Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang đến gần, bên cạnh niềm vui được sum họp gia đình, được đi thăm viếng, mừng tuổi người thân… thì những gia đình có trẻ em cũng thêm những mối lo ngay ngáy.

Nhiều mối hiểm họa rình rập sức khỏe trẻ em ngày tết

Một Thế Giới | 26/01/2016, 21:01

Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang đến gần, bên cạnh niềm vui được sum họp gia đình, được đi thăm viếng, mừng tuổi người thân… thì những gia đình có trẻ em cũng thêm những mối lo ngay ngáy.

Tai ương ập xuống bất ngờ
Trong ngày tết, các bé được nghỉ học, người giúp việc về nhà đón tết với gia đình, công việc trông coi bé chỉ do cha mẹ và những người thân trong gia đình tự chăm sóc.
Trong khi đó, những ngày tết thường là những ngày bận rộn của mọi người lớn trong gia đình, nào là dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, nấu nướng để cúng ông bà, tiếp khách…, vì vậy thường xuyên để trẻ tự chơi một mình. Đây là thực sự là mối hiểm họa có thể đe dọa đến tính mạng trẻ bất cứ lúc nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hằng năm cứ vào dịp tết, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trẻ bị các tai nạn như: bỏng, điện giật, té cầu thang, hóc dị vật, ngạt nước…, trong số đó trẻ bị bỏng chiếm số lượng nhiều nhất.
“Thường những ngày tết một số gia đình hay trải khăn bàn trên bàn trà nước tiếp khách. Khi trải những tấm khăn bàn này có một đoạn thừa ra ngoài, trẻ em nghịch kéo xuống, vô tình kéo theo bình trà nóng đổ xuống gây phỏng cho trẻ. Đó là chưa kể các bậc phụ huynh bận bịu tiếp khách, không cẩn thận về đồ ăn thức uống nóng vừa nấu xong, chẳng may các cháu nghịch, chạy nhảy đụng vào những nồi thức ăn còn đang nóng sôi gây nên tình trạng bỏng nặng”, bác sĩ Tiến giải thích.
Cũng theo bác sĩ Tiến, trong những ngày tết, nhiều bậc phụ huynh mải mê lo tiếp khách không để ý đến con trẻ khiến trẻ té cầu thang; nhiều trẻ chui vào nhà vệ sinh rồi té xuống úp mặt vào những xô chứa nước khiến bị ngạt nước.
“Nhiều gia đình thường có tâm lý, khi không thấy trẻ trong nhà thì chạy đến nhà hàng xóm để tìm, sau khi tìm không thấy mới vội về nhà lùng sục các ngóc ngách, trong đó có nhà vệ sinh, nhà bếp... Chính điều ấy dẫn đến việc phát hiện chậm trễ khiến trẻ bị ngạt nặng, toàn thân tím tái, thậm chí bị suy hô hấp, tử vong”, bác sĩ Tiến cảnh báo.
 ngay tet
Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp khá nặng đang điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. 
Bác sĩ Tiến cho hay trong những ngày Tết Nguyên đán bệnh viện cũng gặp rất nhiều trường hợp trẻ cấp cứu do gia đình lơ là để trẻ bò vào sờ những ổ điện, bàn ủi nóng… khiến trẻ bị bỏng nặng. Có trường hợp trẻ sờ vào những dây điện chớp nháy mà gia đình sử dụng trong những ngày tết để làm đẹp, bị điện giật bỏng nặng. Sở dĩ khi sờ vào những dây điện này trẻ bị giật là do nhiều gia đình sử dụng năm này qua năm khác, cứ dịp tết lấy ra sử dụng nên có khi dây quá cũ bị hở.
Ngoài ra, một số trẻ lớn tuổi hơn thì cắn hạt dưa, mứt trong ngày tết, nhất là hạt dưa, hạt bí bị tuột vỏ vào cổ gây hóc dị vật... Có trường hợp cha mẹ mở cửa trên lầu, nhưng vì lý do công việc vội chạy xuống  quên đóng cửa để trẻ đang chơi bị té nhào xuống đất gây tử vong.
Đặc biệt, bác sĩ Tiến cho biết trong ngày tết, không ít trường hợp trẻ lấy thuốc chữa bệnh ăn vì nghĩ đó là kẹo, có cháu thấy nước tro tàu dùng làm bánh trong ngày tết liền uống gây nguy hiểm đến dạ dày; thậm chí có trẻ lấy cả thuốc ngừa thai của mẹ để ăn.
“Trẻ em ăn nhầm thuốc ngừa thai không gây ra những triệu chứng cấp tính nhưng để lại ảnh hưởng lâu dài, trẻ sẽ bị mắc bệnh cao huyết áp, gây ra nhiều phiền toái sau này”, bác sĩ Tiến nói.
Bùng phát các bệnh về đường hô hấp
Bên cạnh những yếu tố chủ quan trong những ngày tết gây ra các tai nạn cho trẻ, thì còn một yếu tố khách quan khác là thời tiết cũng khiến trẻ mắc không ít các bệnh tật.
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn- Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), dù thời điểm tết không phải là đỉnh cao của các bệnh về đường  hô hấp (đỉnh cao là từ tháng 8 đến tháng 11), nhưng đây là  thời điểm lạnh khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là bị viêm phế quản.
“Thời tiết lạnh rất thuận lợi cho việc phát triển vi rút gây các bệnh về đường hô hấp, từ những loại vi rút thông thường có thể gây viêm mũi, viêm họng, đến những loại vi rút nặng hơn có thể gây cúm. Điều đáng nói, khi thời tiết lạnh, trẻ hít không khí lạnh vào sẽ bị viêm nhiễm niêm mạc, gây viêm thanh quản, thở khò khè, nhất là với trẻ mắc bệnh hen suyễn”, bác sĩ Tuấn lý giải.
 ngay tet
Ở khu vực các tỉnh phía nam, thời tiết chỉ hơi lạnh nhưng số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng nhanh, khoa Hô hấp, Bênh viện Nhi đồng 1 không còn giường bệnh, các trẻ phải ra ngoài hành lang nằm để điều trị.
Đặc biệt bác sĩ Tuấn lưu ý trong điều kiện thời tiết lạnh sẽ phát sinh một loại vi rất nguy hiểm, đó là vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Vi rút này lây lan giống như vi rút cúm và những loại vi rút khác nhưng nếu nó tấn công vào trẻ dưới 2 tuổi thì có đến 90% có biểu hiện viêm tiểu phế quản. Chính bệnh này là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng, trẻ dưới 3 tháng tuổi, cứ 2 trẻ mắc viêm tiểu phế quản thì có 1 trẻ phải nhập viện thở ô xy.
Đối với những trẻ mắc các bệnh nền như: tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, trẻ sinh non… nếu vướng phải viêm tiểu phế quản vào mùa này thì mức độ nặng sẽ tăng lên gấp 10 lần so với trẻ bình thường. Riêng với các trẻ có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, chính sự thay đổi thời tiết kích thích đường thở làm bé lên cơn hen suyễn nhiều hơn, thậm chí suyễn nặng.
“Mới có mấy ngày qua, thời tiết bắt đầu hơi lạnh, nhưng số trẻ nhập viện tại đây đã tăng lên 10%, mỗi ngày có khoảng 40 trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp phải nhập viện. Hiện tại số trẻ đang điều trị tại khoa chúng tôi, bình quân mỗi ngày đều có khoảng 300 bệnh nhi. Từ nay đến Tết Nguyên đán, thời tiết còn lạnh, tình hình trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp nhập viện sẽ còn tăng cao”, bác sĩ Tuấn lo lắng.
Để phòng ngừa cho trẻ tránh mắc các bệnh trong mùa lạnh ở dịp tết, theo bác sĩ Tuấn, với những trẻ có tiền sử bệnh hen suyễn cần phải chủng ngừa cúm, chủng ngừa phế cầu.
Trong thời gian này, nếu các trẻ mắc suyễn đang điều trị thuốc thì cho dù có bất kỳ lý do nào cũng tuyệt đối không được giảm liều hay ngưng thuốc, nhất là lúc đưa trẻ đi chơi xa trong dịp tết cần phải đưa đến bác sĩ khám trở lại xem tình trạng suyễn của bé có được kiểm soát tốt hay không.
 Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bão số 4 giật cấp 10, cách Đà Nẵng 200km
2 giờ trước Sự kiện
Sáng sớm nay (19.9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành cơn bão số 4.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều mối hiểm họa rình rập sức khỏe trẻ em ngày tết