Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi nhiều thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỉ USD dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sáng nay 25.11, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề "Việt Nam - Nhật Bản nâng tầm quan hệ, hợp tác cùng phát triển".
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao đổi 44 văn kiện hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước, trong đó có các thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá nhiều tỉ USD, bao gồm thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Lạng Sơn trị giá 1,75 tỉ USD; dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc trị giá 500 triệu USD; thỏa thuận hợp tác phát triển khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá 250 triệu USD...
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp hai nước ký kết, trao đổi 11 văn kiện, bao gồm:
- Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Việt Nam với Bộ Tư pháp Nhật Bản
- Công hàm trao đổi phi dự án "Trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải"
- Công hàm trao đổi cho khoản vay Nhật Bản lần 4 của dự án "Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi -Tẻ, giai đoạn hai"
- Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân y giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Nhật Bản
- Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Nhật Bản
- Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam với tỉnh Wakayama, Nhật Bản
- Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050 giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng Giao thông và Du lịch Nhật Bản trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khí tượng và thông tin địa lý
- Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Việt Nam và Công ty Dược phẩm Shinogi Nhật Bản
- Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) và Hiệp hội toàn quốc về Hỗ trợ và Phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi)
Về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm 1,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho Chính phủ Việt Nam.
Tập đoàn SMBC cũng thông báo sẽ đóng góp 1 triệu USD cho phòng chống COVID-19 tại Việt Nam. Vào cuối tháng 10 vừa qua, Tập đoàn SMBC và VPBank đã hoàn thành thương vụ đầu tư vào FE Credit. Khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều điểm nổi bật để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư với số vốn lớn hơn và lâu dài hơn như: có môi trường chính trị ổn định; an ninh con người, trong đó có các nhà đầu tư được đảm bảo; con người Việt Nam chăm chỉ, thông minh, linh hoạt, ứng phó hiệu quả với khó khăn; Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về thể chế, thủ tục hành chính để doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực như: chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng (cứng và mềm), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... tại Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định: "Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư làm ăn ổn định, lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam. Những khó khăn chỉ là trước mắt, thuận lợi vẫn là cơ bản, lâu dài. Với tình hình hiện nay và những nỗ lực cải thiện, tin tưởng các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam, hy vọng thời gian tới sẽ có luồng đầu tư mạnh mẽ hơn từ Nhật Bản vào Việt Nam".