Trong bối cảnh dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ vào ngành logistics như một việc làm tất yếu, quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ - Xu hướng tất yếu của ngành logistics

Tuyết Nhung | 25/11/2021, 06:57

Trong bối cảnh dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ vào ngành logistics như một việc làm tất yếu, quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều loại hình công nghệ trong ngành logistics

Ứng dụng công nghệ trong ngành logistics của Việt Nam đang có bước tiến đáng ghi nhận, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hiện có 4 mảng ứng dụng chính các công nghệ mới trong ngành logistics Việt Nam:

Thứ nhất là ứng dụng công nghệ trong vận tải đường bộ với mục đích tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian, nâng cao tỷ lệ đầy xe hàng. Đây chính là một hình thái của kinh tế chia sẻ. Sự nổi lên mạnh mẽ của các công ty như: Grab, Be, Gojek... đã thể hiện rõ dấu hiệu của làn sóng mới này.

Thứ hai là giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những ứng dụng đầu tiên của Lazada và đang tiếp tục thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều công ty lớn trong ngành.

Thứ ba, một số công ty sản xuất lớn cũng cho ra mắt những hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn. Ví dụ như, nhà máy sản xuất của Samsung xuất hiện robot trong quá trình đưa linh kiện, bán thành phẩm, thành phẩm trong nhà máy, việc kiểm kê hàng bằng drone,...

Cuối cùng, một số ít nhà bán lẻ trong nước đang triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.

image-15743551772491909410598-crop-15743551820011443943610.jpg
Logistics là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - Ảnh: Internet

Hiện nay, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logistics khác nhau, trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. Khoảng 50%-60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp.

Ví dụ, Công ty TNHH Fixmart Franchise hoạt động trong lĩnh vực giao nhận xuất - nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng. Trước đây, hàng hóa được nhân viên quản lý bằng cách thủ công. Hiện nay, công ty đã sử dụng các ứng dụng logistics với một thiết bị cầm tay giúp giảm rất nhiều công sức và thời gian, thay vì 7 người làm như trước, nay chỉ cần 3 người vẫn đáp ứng được nhu cầu công việc.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp khác trong lĩnh vực logistics là Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam đã áp dụng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây. Phần mềm này có thể giúp tăng 30% khả năng giao hàng, tiết kiệm chi phí giao vận theo thời gian, cải thiện được tầm nhìn quản lý chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác chuyên về lĩnh vực vận tải cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thuật toán so khớp xe tải và giá cả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các xe tải...

Về thủ tục hành chính, Tân Cảng Sài Gòn là một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa trong quy trình sản xuất, thủ tục. Việc triển khai số hóa chứng từ vận tải, cụ thể là lệnh giao hàng điện tử (eDO) với các hãng tàu, chủ hàng xuất nhập khẩu, kết nối dữ liệu trực tuyến, thông suốt giữa ePort của Tân Cảng Sài Gòn và eDO của các hãng tàu giúp tiết kiệm về thời gian, lao động và đặc biệt tránh nhiều rủi ro trong việc giao nhận và kiểm soát giao dịch.

Lúc đầu, hoạt động trên được áp dụng cho cảng Tân Cảng Cát Lái, đến nay đã thực hiện cho các cơ sở cảng trong hệ thống Tân Cảng Sài Gòn, bao gồm: cảng Tân Cảng Cái Mép Thị Vải (TCTT), cảng Quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT), cảng Quốc tế Tân Cảng - HICT tại Lạch Huyện.

Áp dụng blockchain trong logistics

Để truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp đã áp dụng blockchain trong logistics. Công cụ này cho phép quản lý hiệu quả logistics toàn chuỗi, từ xử lý đơn hàng, quản lý chất lượng, đóng gói, kho bãi đến phân phối. Trong toàn chuỗi, thông tin về hàng hóa được truy xuất và theo dõi tại bất kỳ thời điểm nào.

Lĩnh vực nông nghiệp được coi là rất tiềm năng cho việc áp dụng công nghệ này. Lựa chọn công nghệ blockchain cho phép kết hợp dễ dàng với Big data và công nghệ AI, đảm bảo bảo mật thông tin cao, tăng tốc độ các giao dịch.

Vào tháng 9.2020, Công ty Vietnam Blockchain Corp (VBC) đã triển khai giải pháp lệnh giao hàng điện tử (eDO) trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Hiện tại giải pháp đã được triển khai trên nền Web và App trên Google Play (BeDO - VBC Logistics) và được ứng dụng thử nhiệm tại một số doanh nghiệp. Trong thời gian tới, giải pháp eDO sẽ được phát triển cho dịch vụ giao nhận vận tải hàng không và triển khai rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Sử dụng tối đa tiện ích công nghệ thông tin

Để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững trong việc ứng dụng công nghệ, giới chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định các chủ trương, chính sách. Qua đó sửa đổi và bổ sung các chính sách phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng như giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, tài chính..., đặc biệt là đối với ngành logistics, trực tiếp hậu cần cho sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu trực tuyến nhằm giảm bớt chi phí về thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian và giúp doanh nghiệp kiểm soát và quản lý được thông tin về hàng hóa mọi lúc mọi nơi. Theo đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics, đặc biệt cần tận dụng ưu thế vượt trội của thương mại điện tử cho dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics quy mô toàn cầu nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động cung ứng dịch vụ.

Đồng thời, ban hành các chính sách triển khai áp dụng thủ tục điện tử tại cảng biển nhằm cải cách hành chính và minh bạch trong dịch vụ công, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho
doanh nghiệp vận tải.

Gánh nặng chi phí là yếu tố bất cập nhất trong ngành logistics Việt Nam hiện nay. Vì vậy, giải pháp đưa ra cho vấn đề này là cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ bốc dỡ, nâng cao năng lực bốc dỡ để giảm thời gian quay vòng của tàu, tiết kiệm chi phí lưu kho bãi và cảng phí.

Đồng thời, xây dựng và vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử về vận tải hàng hóa. Qua đó giúp thị trường vận tải trở nên minh bạch và có tính kết nối cao giữa khách hàng với doanh nghiệp vận tải và giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau, tăng hiệu quả sử dụng phương tiện thông qua kết hợp vận tải giữa chiều đi và chiều về.

Về phía doanh nghiệp, giới chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên sử dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin, tăng cường năng lực liên kết với các đối tác, nhờ đó doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ vận tải có thể thỏa thuận trực tiếp với nhau. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm những chi phí cho việc đi tìm kiếm đối tác và chi phí về nhân sự và giúp các doanh nghiệp giảm được ít nhất 5% chi phí vận tải.

Giải pháp hàng đầu chính là sử dụng các hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu logistics. Những hệ thống phần mềm như vậy có khả năng giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động quản lý kho, quản lý và kết nối vận tải, quản lý giao hàng một cách hiệu quả. Các quy trình được thực hiện chặt chẽ, dữ liệu doanh nghiệp được lưu trữ có tổ chức. Khi các hoạt động logistics được quản lý chặt chẽ thì quy trình cũng được thực hiện trơn tru hơn, tránh những sự thiếu minh bạch, gian lận có thể khiến chi phí đội lên cao.

Hệ thống phần mềm còn giúp quản lý quy trình vận chuyển container, giúp các chủ hàng quản lý và theo dõi quá trình vận chuyển hàng của doanh nghiệp vận tải. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh những gian lận về quãng đường di chuyển, xăng dầu, lương thưởng hay thất thoát, mất mát về hàng hóa, tài sản, giúp cho tính minh bạch trong logistics được nâng cao, đồng thời, có thể quản lý kết nối các hình thức vận chuyển theo thời gian thực nhằm tối ưu công đoạn vận chuyển trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nghiên cứu tham gia vào các sàn giao dịch vận tải. Gần đây, các sàn giao dịch thông tin vận chuyển hay sàn giao dịch vận tải đã triển khai tại Việt Nam. Đây được xem là một giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến giúp các doanh nghiệp quản lý và điều hành mọi hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa với nhiều lợi ích, chẳng hạn như kết nối mạng lưới vận tải, giảm đầu tư cho thiết bị máy móc, giảm chi phí cho nhân lực điều hành vận tải, nâng cao hiệu suất vận tải, đơn giản hóa giấy tờ...

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan
Logistics cho nông sản ĐBSCL: 'Biết rồi, khổ lắm, nói mãi' nhưng cứ phải nói
Ngày 9.4, Hậu Giang tổ chức buổi tọa đàm "Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
17 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng công nghệ - Xu hướng tất yếu của ngành logistics