Gần 1.900 áo khoác không rõ nguồn gốc, xuất xứ được livestream thông qua nền tảng mạng xã hội (MXH) bị thu giữ.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nhiều 'trùm' hàng lậu livestream bán quần áo tết giá rẻ bị tóm

Tuyết Nhung - Ảnh: Tổng cục QLTT 29/01/2024 12:35

Gần 1.900 áo khoác không rõ nguồn gốc, xuất xứ được livestream thông qua nền tảng mạng xã hội (MXH) bị thu giữ.

Tổng cục Quản lý thị trường ngày 29.1 cho biết, qua quá trình theo dõi livestream bán hàng trên nền tảng MXH Facebook của cá nhân, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra và phát hiện tại một hộ kinh doanh có 1.858 chiếc áo khoác nữ không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

phat-hien-1.858-chiec-ao-khoac-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-thong-qua-nen-tang-mang-xa-hoi.jpg
Hình ảnh kho hàng khi lực lượng chức năng kiểm tra

Cụ thể, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Đỉnh tại thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang do ông Nguyễn Tiến Đỉnh là chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại kho hàng của hộ kinh doanh đang livestream bán áo khoác nữ người lớn đã qua sử dụng, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ với số lượng 1.858 chiếc, có giá bán được niêm yết trên sản phẩm là 30.000 đồng/chiếc. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Tiến Đỉnh - chủ hộ kinh doanh số tiền 25.000.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tịch thu tang vật vi phạm hành chính là 1.858 chiếc áo khoác nêu trên có tổng trị giá 55.740.000 đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai mới đây cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 hộ kinh doanh (M.T Store, tại xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) với số tiền 21.000.000 đồng và buộc tiêu hủy 60 bộ quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Tại tỉnh Lâm Đồng, sau thời gian 1 tháng theo dõi livestream trên trang Facebook cá nhân và quá trình áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường của tỉnh cuối năm 2023 đã xác định ông N.Đ.H có kho hàng hóa ở địa chỉ tại đường Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương tàng trữ hàng hóa (2.000 sản phẩm quần áo được đựng vào 50 bao hàng) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

z5018204565852_00f50090eaf70eac29fb73e5fb517e13.jpg
2.000 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ kinh doanh online

Ông N.Đ.H cho biết, toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường từ nhiều tỉnh thành khác nhau và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay vụ việc kho hàng với hàng trăm nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ của TikToker Mailystyle chuyên livestream bán hàng trên mạng xã hội bị lực lượng chức năng phát hiện vào cuối năm 2023, từng thu hút sự quan tâm của dư luận, đã cho thấy các vi phạm trong kinh doanh thương mại trên nền tảng mạng xã hội (MXH) ngày càng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Đáng chú ý, chỉ với 12 tiếng livestream cùng một số TikToker sở hữu lượng người theo dõi lớn, trong phiên live ngày 24.12, tài khoản Mailystyle.com có hàng trăm nghìn lượt xem và hàng nghìn đơn hàng được chốt. Đây là tài khoản của một hot girl "làm mưa làm gió" trong bán hàng online trên nhiều nền tảng thương mại điện tử.

Kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa (thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP.Hà Nội), là một căn nhà phố 5 tầng, mỗi tầng rộng trên 100m2.

Tại thời điểm kiểm tra, trên 50 nhân viên có mặt ở các tầng đang thực hiện đóng gói, dán đơn lên các sản phẩm vừa được chốt đơn trong phiên livestream trước đó. Các đơn hàng được đóng gói chất thành đống nằm la liệt, ngổn ngang trên các mặt sàn.

Thông tin trên các đơn hàng thể hiện lượng khách hàng lớn nằm rải rác khắp mọi miền đất nước. Mỗi đơn hàng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một sản phẩm. Đặc biệt, trong phiên livestream ngày 23.12, tài khoản này đã thực hiện phiên live kéo dài 12 tiếng với 647.000 lượt xem và 4.100 lượt bình luận chốt đơn sản phẩm.

Thời điểm mua sắm cận Tết Nguyên đán, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi "chốt đơn" với những mặt hàng trên livestream. Bên cạnh việc giao thương lành mạnh, không ít đối tượng đã lợi dụng sự khó kiểm soát chất lượng hàng hóa đã quảng cáo và bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái... gây thiệt hại với người tiêu dùng.

Thời gian qua, việc sử dụng hình thức livestream để bán hàng đã trở thành một xu hướng phổ biến trong thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến. Các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok... đều cung cấp tính năng livestream, giúp người bán hàng tương tác trực tiếp với khách hàng và giới thiệu sản phẩm của họ một cách thực tế và sinh động.

Theo thống kê, trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra hơn 71.000 vụ buôn lậu, hàng giả. Trong số này, hơn 1.000 vụ vi phạm trên môi trường mạng. Trong đó, nhiều vụ việc bán hàng livestream sản phẩm vi phạm cũng đã bị xử lý. Tuy nhiên với những mức phạt như 30 triệu đồng, hay 50 triệu đồng... cư dân mạng cho rằng chưa đủ sức răn đe, khi số lợi nhuận thu được từ bán hàng livestream gấp nhiều lần hơn thế.

Về phía cơ quan chức năng, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 là thời gian hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra hết sức sôi động do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng. Điều này dễ dẫn đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, tăng cường công tác quản lý, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực/mặt hàng trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý.

Bài liên quan
An Giang: Đầu thú sau khi tấn công chốt phòng, chống dịch COVID-19 để giành hàng lậu
Đại bị truy nã liên quan đến vụ tấn công chốt phòng chống dịch COVID-19 để giành hàng lậu, giải cứu đồng bọn đã ra đầu thú.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều 'trùm' hàng lậu livestream bán quần áo tết giá rẻ bị tóm