Sau khi có quyết định về kỳ thi quốc gia năm 2015, nhiều trường trước đó “lỡ tay” xây dựng đề án tuyển sinh riêng đã phải hủy bỏ để xây dựng phương án mới.

Nhiều trường bắt đầu lên phương án tuyển sinh riêng

Một Thế Giới | 11/09/2014, 07:18

Sau khi có quyết định về kỳ thi quốc gia năm 2015, nhiều trường trước đó “lỡ tay” xây dựng đề án tuyển sinh riêng đã phải hủy bỏ để xây dựng phương án mới.

Còn nhiều trường ĐH khác cho biết dựa trên “nền” kỳ thi quốc gia, các trường sẽ lên phương án xét tuyển theo ngành.

Sáng 10.9, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thành lập ban quảng bá và tư vấn tuyển sinh để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2015. Đồng thời PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng cho biết nhà trường đang xây dựng đề án tuyển sinh riêng năm 2015 với nhiều điểm khác biệt.

Các trường công lập: nhiều phương án khác nhau

Theo đó, nhà trường đề xuất tuyển thẳng học sinh các trường chuyên có kết quả học tập đạt từ 7 điểm trở lên. Trong đó quy định ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh; tuyển thẳng học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi SAT (mức độ cấp vừa của các ĐH Mỹ) và thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEIC) được miễn thi môn ngoại ngữ.

Ngoài ra, một số ngành nhà trường tiếp tục dành khoảng 30% xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT như năm 2014.

“Khả năng trong năm tới nhà trường sẽ lấy điểm sàn vào trường là 17 điểm (ba môn). Nhà trường cho phép thí sinh đăng ký online sơ tuyển trước trên website của trường” - ông Dũng cho biết.

Trước đó ngày 26.8, Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố dự thảo bốn phương án tuyển sinh ĐH năm 2015 để lấy ý kiến toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trường. TS Trần Phú Vinh - phó trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết bốn phương án của trường công bố trước đây đều đón đầu phương án chính thức của Bộ GD-ĐT.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố kỳ thi quốc gia áp dụng từ năm 2015, nhiều khả năng nhà trường chọn phương án 3 và sẽ bổ sung hoàn chỉnh phương án này cho kỳ tuyển sinh năm tới. Ngày 15.9, nhà trường sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp và hội đồng của trường họp để quyết định phương án chính thức nộp Bộ GD-ĐT.

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cũng cho biết dự kiến sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học bạ của năm học kỳ THPT (khoảng 6-7 điểm), hạnh kiểm đạt loại khá trở lên, tổng điểm của ba môn thi (toán, văn, tiếng Anh) của kỳ thi quốc gia phải đạt mức sàn mức 1 trở lên (17 điểm) của Bộ GD-ĐT công bố.

Trong đó 10 ngành kinh doanh sẽ nhân hệ số môn toán và ngành ngôn ngữ Anh nhân hệ số môn tiếng Anh. Tuy nhiên ông Tuấn vẫn còn băn khoăn về mặt kỹ thuật của kỳ thi quốc gia năm tới.

“Chúng tôi đang xây dựng đề án tuyển sinh năm tới nhưng “bí” vì Bộ GD-ĐT chưa công bố cụ thể cách thức, thời gian xét tuyển, thời gian đăng ký. Sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia, nơi nào tiếp nhận đăng ký của thí sinh... Nếu làm không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường” - ông Tuấn nói.

Trước khi Bộ GD-ĐT có quyết định chính thức về kỳ thi quốc gia, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã xây dựng xong phương án tuyển sinh riêng của trường. TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, trưởng phòng tổ chức - hành chính nhà trường, cho biết trong tuần tới hội đồng khoa học đào tạo nhà trường sẽ họp để điều chỉnh lại đề án tuyển sinh của trường và đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhà trường sử dụng kết quả kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức và trường sẽ cân nhắc sử dụng kết quả các môn phù hợp, trong đó ưu tiên ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh để xét tuyển.

Trường ngoài công lập: dựa trên xét tuyển

GS.TS Võ Tòng Xuân - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ - cho biết phương án tuyển sinh dự kiến của trường năm 2015 sẽ có sự kết hợp giữa kết quả của kỳ thi quốc gia và viết bài luận.

Theo đó, tùy ngành, trường sẽ quy định môn xét tuyển khác nhau. Mỗi ngành xét tối thiểu ba môn thi, trong đó môn tiếng Anh là bắt buộc. Ngoài ra có thể có ngành xét bốn hoặc năm môn. Điểm các môn là như nhau, không có trọng số.

Sau khi nộp hồ sơ, thí sinh phải làm một bài luận về lý do tại sao chọn ngành này và mong muốn khi ra trường làm việc như thế nào. Mỗi loại điểm chiếm tỉ lệ 50% trong tổng điểm khi xét tuyển. Sẽ có giám khảo cho từng ngành hoặc nhóm ngành xét điểm trung bình từ cao xuống thấp để xác định thí sinh trúng tuyển.

Tương tự, ông Võ Văn Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Lang - cho hay đến nay trường vẫn chưa có phương án tuyển sinh năm 2015 nhưng dự kiến sẽ dựa chủ yếu vào kết quả của kỳ thi quốc gia và tổ chức thi các môn năng khiếu.

Theo ông Tuấn, điểm mới của phương án này là trường sẽ chọn môn xét tuyển cho từng ngành, có thể 3-4 môn hoặc nhiều hơn, tùy ngành.

Đối với các ngành năng khiếu, trường sẽ tổ chức thi tuyển sinh các môn năng khiếu. Ngoài ra, trường cũng sẽ sử dụng có chọn lọc kết quả thi năng khiếu từ một số trường ĐH lớn để làm căn cứ xét tuyển thí sinh.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết trường sẽ tiếp tục đề xuất phương án xét tuyển học bạ THPT để tuyển sinh.

Bên cạnh đó, kết quả của kỳ thi quốc gia cũng sẽ là căn cứ để trường xét tuyển. Đối với các ngành có tuyển môn năng khiếu, trường sẽ tổ chức thi riêng.

Về phương án tuyển sinh năm 2015, ông Hoàng Đức Bình - giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen - nói các ngành khối thiết kế (có môn năng khiếu) trường sẽ tuyển sinh riêng, các ngành còn lại dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia. Trong đó, tất cả các ngành đều xét tuyển hai môn toán, văn (môn chính), kế đến là môn tiếng Anh.

Ngoài ra, nhóm ngành khoa học công nghệ trường sẽ xét thêm các môn lý, hóa, sinh và nhóm ngành du lịch, nhà hàng khách sạn sẽ xét thêm các môn lịch sử, địa lý.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Phúc - hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Miền Đông - cho biết phương án tuyển sinh của trường vẫn dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia nhưng thí sinh sẽ được chủ động chọn môn thi để xét tuyển. Vì trường không đào tạo các ngành liên quan đến xã hội nên sẽ không xét điểm các môn lịch sử và địa lý.

Trong sáu môn còn lại, thí sinh được quyền chọn ba môn bất kỳ để xét tuyển, trường không quy định môn xét tuyển cho từng ngành. Điểm xét tuyển là điểm trung bình cộng của ba môn, không có trọng số môn thi nào.

Lúc đầu trường dự tính xác định trọng số môn tiếng Anh nhưng như thế sẽ không công bằng với thí sinh ở vùng sâu vùng xa nên thôi. Việc cho thí sinh chọn môn thi xét tuyển không sợ lệch môn hay khó khăn trong quá trình đào tạo bởi thực chất thí sinh đã đạt ngưỡng tối thiểu của từng môn.

Làm lại vì “trật chìa”

Nhiều trường ĐH, CĐ khác cho biết đã xây dựng xong đề án tuyển sinh riêng nhưng sau khi có quyết định về kỳ thi quốc gia năm 2015 của Bộ GD-ĐT, phương án tuyển sinh riêng của các trường hoặc là không dùng được hoặc phải bổ sung.

Đại diện Trường ĐH Văn Hiến cho biết phương án trình bộ trước đây là xét tuyển học bạ THPT nhưng sau khi có quyết định mới, trường phải xây dựng lại phương án.

Tương tự, ông Trần Mạnh Thành - phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt - cho biết phương án trường xây dựng trước đây bị “trật chìa” so với quyết định mới của bộ nên giờ trường phải xây dựng lại. Hiện trường vẫn chưa có phương án cho kỳ tuyển sinh năm 2015.

Theo TTO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều trường bắt đầu lên phương án tuyển sinh riêng