Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một số đại biểu quốc hội cho rằng cần cân nhắc và bổ sung cơ sở thuyết phục về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Theo dòng thời sự

Nhiều ý kiến khác nhau về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Lam Thanh 22/05/2024 18:10

Chiều 22.5, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một số đại biểu quốc hội cho rằng cần cân nhắc và bổ sung cơ sở thuyết phục về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Cân nhắc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo luật. Một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển xe.

hoa-2.jpeg
Quốc hội thảo luận tại hội trường

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 điều 10 dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Theo ông Hòa, trên thế giới chỉ có 23 quốc gia (trong đó có Việt Nam) quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 khi tham gia giao thông. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia cấm nồng độ cồn là quốc gia Hồi giáo.

Dẫn phân tích của đại biểu Tạ Văn Hạ, ông Hòa cho biết 90% tai nạn giao thông xảy ra do ý thức, nhận thức của con người. Tại Việt Nam, thu nhập của nhiều người dân Việt Nam không đủ điều kiện để thuê xe dịch vụ, đây cũng là ý kiến của nhiều cử tri gửi gắm đại biểu quốc hội tại các buổi tiếp xúc cử tri.

hoa-1.jpeg
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên cho phép ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người đi xe gắn máy.

Lưu ý nồng độ cồn nội sinh để tránh oan sai

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng cần quy định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu tham gia giao thông.

Ông Tuấn băn khoăn quy định cấm nêu trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa? Liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh?

hoa-3-tuan.jpeg
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang)

Theo đại biểu Tuấn, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định: “Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệnh kết quả xử lý”.

Như vậy, theo ông Tuấn, vấn đề đặt ra là: Việc xác định nồng độ cồn nội sinh là “chưa có căn cứ rõ ràng”, chứ không phải là không có căn cứ; “thực tiễn phát hiện là rất hiếm” chứ không phải là không có; và “có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu”, nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu?

“Đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong luật, để tránh việc xử lý oan sai đối với người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, ông Tuấn nói.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung khoản 2, điều 10 của dự thảo luật về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh”.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định trong luật về việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0

Quan tâm đến quy định nồng độ cồn khi lái xe trong dự thảo luật lần này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết ông từng đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.

Lý do là nên quy định cùng xu hướng của các nước trên thế giới và việc lực lượng cảnh sát giao thông theo dõi mức vượt 0 hoặc là vượt ngưỡng 0,025 mg/lít khí thở, hoặc thậm chí có thể áp dụng trắc nghiệm bằng công nghệ số để kiểm tra sự tỉnh táo của người tham gia giao thông có nồng độ cồn trước khi xử phạt.

Theo ông, trong đợt tiếp xúc cử tri, có cử tri nêu ý kiến kiến nghị tiếp tục giữ quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cấm như vậy thì quá chặt.

hoa-4-huan.jpeg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Tương tự, trong số các đại biểu quốc hội vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.

Ví dụ như có bao nhiêu phần trăm số vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra và trong số vụ tai nạn ấy, độ tuổi nào là chủ yếu, các đặc điểm chung của các nhóm đối tượng vi phạm…

Theo đó, nếu số lượng vụ vượt ngưỡng chiếm đa số các vụ tai nạn do rượu bia gây ra, chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và áp dụng các biện pháp giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức, nghĩa là không nên quy định nồng độ cồn bằng 0.

Ngược lại, nếu số liệu thống kê cho thấy loại hình tai nạn do rượu bia gây ra chiếm tỉ lệ lớn, phân bổ ở mọi đối tượng, thành phần, độ tuổi không kể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào luật. Có như vậy thì luật được thông qua sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan.

Bài liên quan
Người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn tăng cao ở TP.HCM
Chỉ trong 3 tháng, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện và xử lý 45.557 trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều ý kiến khác nhau về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông