Công văn của Bộ Y tế đầu tháng 9 nêu: “xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đối với các trường hợp vi phạm nặng” đối với người hành nghề KBCB.

Nhìn lại một công văn và vài góp ý cho Bộ Y tế

Lê Học Lãnh Vân | 28/09/2021, 10:36

Công văn của Bộ Y tế đầu tháng 9 nêu: “xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đối với các trường hợp vi phạm nặng” đối với người hành nghề KBCB.

Ngày 4.9.2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn số 7330/BYT-KCB về việc tăng cường quản lý người hành nghề KBCB. KBCB nghĩa là Khám Bệnh Chữa Bệnh. Điều 3 viết: "Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở KBCB, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm". Vậy công văn này, dù được ký bởi bộ phận quản lý chung (general management), có ảnh hưởng rất nhiều trên khía cạnh nhân sự. Bài viết này xét công văn đó từ góc độ quản trị nhân sự (Human Resource Management).

Sứ mạng căn bản nhất của quản trị nhân sự là thu hút, phát triển, gìn giữ nhân tài để làm việc cho mục tiêu của cơ quan. Sứ mạng căn bản này là như nhau ở bất kỳ cơ quan nào. Quan điểm nhân lực là nguồn lực quý nhất của một cơ quan hầu như được đồng thuận phổ quát.

Mục tiêu cao nhất của Bộ Y tế một quốc gia là chăm sóc sức khoẻ cho người dân quốc gia đó, bảo vệ tính mạng của họ khỏi dịch, bệnh.

Để thực hiện được Sứ Mạng nói trên, công tác nhân sự cần tiến hành ít nhất các việc sau trong số những trách nhiệm chính của mình: Mô tả trách nhiệm từng vị trí; Tổ chức cho nhân viên làm việc; Bảo tồn nguồn nhân lực

Chúng ta sẽ xem trong công văn 7330/BYT-KCB, Bộ Y tế đã làm gì trong ba phần trách nhiệm trên?

Bộ Y tế có hai đối tượng cần phục vụ, đối tượng bên ngoài và đối tượng bên trong. Đối tượng bên trong chính là nhân viên của Bộ, trong đó những người khám chữa bệnh có vai trò quan trọng. Đây là đối tượng nhắm tới của công văn!

Thông thường, một quyết định liên quan tới một mảng rất lớn nhân viên như vậy, trước khi quyết định cần làm rất nhiều việc, trong đó ít nhất phải tiến hành xem xét:

Thứ nhất, rà soát pháp lý, thủ tục. Những mặt pháp lý cần rà soát là:

Trong mô tả trách nhiệm, có trách nhiệm mà Bộ Y tế yêu cầu trong công văn không?

Nếu có mô tả và nhân viên không hoàn thành trách nhiệm mô tả đó, Bộ, Sở có quyền hạn gì để xử lý?

Bộ, Sở có quyền “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm” hay không?

Thứ hai, rà soát pháp lý, thủ tục là cần, nhưng chưa chắc là quan trọng nhất.

Bộ, Sở cần đặt câu hỏi mình đã làm đầy đủ trách nhiệm “Tổ chức cho nhân viên làm việc” chưa? Có cung cấp đủ phương tiện làm việc? Có cung cấp đủ lương bổng và phụ cấp làm việc quá giờ, phụ cấp làm việc với nguy cơ lây nhiễm, phụ cấp xa gia đình? Có cung cấp đủ nơi ăn, nghỉ để họ có đủ sức khoẻ? Có cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ?

Đồng thời, Bộ và Sở đã tìm hiểu giá trị và nhu cầu (Core Values & Needs) của nhân viên y tế chưa? Nếu có thì đã đáp ứng như thế nào?

Thứ ba, khi chưa có câu trả lời thoả đáng cho phần thứ 2 nói trên, nghĩa là Bộ và Sở cũng còn nhiều việc để làm tròn trách nhiệm “Bảo tồn nguồn nhân lực”. Làm tròn trách nhiệm này nghĩa là phải bảo đảm điều kiện vật chất đầy đủ cho nhân viên và phải làm cho nhân viện có tinh thần, thái độ làm việc hăng hái.

Nhưng không chỉ vậy, những tác nhân khác đóng góp tích cực vào “Bảo tồn nguồn nhân lực” là: Các chính sách khác, cách tiến hành khác có liên quan tới chống dịch cần được sự đồng tình và ủng hộ của đa số nhân viên Khám bệnh Chữa bệnh; Người quản lý trong Bộ, Sở phải làm gương khiến nhân viên nể trọng, tin tưởng, quý mến.

Bản thân công văn này sẽ khiến thái độ của nhân viên sẽ thế nào? Cách quản trị tiến bộ chỉ đưa ra quy luật chung mà mọi nhân viên, không trừ ai, tuân theo. Đe doạ trừng phạt, nhất là đe doạ công khai, không phải là biện pháp khiến nhân viên hăng hái mà có tác dụng ngược lại. Do đó khó thể “bảo tồn nguồn nhân lực”.

Trong thời đại thế giới phẳng hiện nay trừng phạt hay đe doạ trừng phạt không phải là cách hay trong quản trị. Ngược lại, nó cho thấy một triết lý quản trị cũ kỹ và đã phải dùng tới những phương cách cuối cùng. Triết lý quản trị và phương cách đó không phù hợp với triết lý và phong cách quản trị tiến bộ hiện nay. Chúng ta cần những phương cách và triết lý quản trị thể hiện sự tôn trọng với mỗi người, có thể giúp nhân viên khám chữa bệnh coi bộ máy quản lý là điểm tựa. Nói cách khác, phương cách nhân văn sẽ thúc đẩy xã hội chúng ta đang sống ngày càng văn minh.

Bài liên quan
Quan sát việc chống dịch COVID-19 từ góc nhìn quản trị
Dưới cái tựa chung "Từ góc nhìn quản trị", loạt bài này trình bày các quan sát, nhận xét trên tinh thần xây dựng góp ý về việc quản trị chống dịch COVID-19 tại TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại một công văn và vài góp ý cho Bộ Y tế