Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 47.000ha xoài trong đó Đồng Tháp có diện tích xoài lớn nhất hơn 14.000ha. Từ diện tích xoài vượt trội như vậy đã khẳng định ngôi vương của xoài Đồng Tháp trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Mách, chủ một nhà vườn canh tác 1,2ha xoài tại ấp Mỹ Thanh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết: “Vườn của tôi trồng toàn xoài Cát Chu. Cây lớn tuổi nhất là 29 năm, cây nhỏ tuổi nhất là 23 năm. Với diện tích này và canh tác theo hướng hữu cơ, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho trái rải vụ, 1 năm có 3 đợt ra trái luân phiên, tôi thu nhập khoảng 500 triệu đồng, bao gồm chi phí lao động và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Mách, xoài Cát Chu Mỹ Xương từ lâu rất nổi tiếng, trái to, vị ngon, trái chín ngọt và có pha chút vị chua, thanh thao. Có thể do thổ nhưỡng của vùng phù hợp với giống xoài Cát Chu nên xoài cát Hòa Lộc không thắng nổi ở vùng này. Ở Mỹ Xương những người trồng xoài còn có cả hội nhóm để sinh hoạt và chia sẻ kinh nghiệm, đó là Minh Tâm hội quán. Tại đây, mỗi tháng các hội viên tham gia sinh hoạt 1 lần. Nội dung buổi sinh hoạt xoay quanh chủ đề về làm thế nào để sản xuất xoài chất lượng tốt và tăng thu nhập cho hội viên, làm thế nào để hội quán luôn phát triển.
Qua trao đổi với một số người trồng xoài ở Đồng Tháp, đa số đều cho biết, sở dĩ xoài ở Đồng Tháp phát triển mạnh và thị trường quan tâm vì từ người nông dân trồng xoài đến HTX, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp có một tinh thần quyết tâm rất lớn trong việc nâng chất lượng trái xoài để xoài Đồng Tháp vươn xa và cao hơn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, toàn tỉnh hiện nay có hơn 14.000ha trồng xoài. Về xoài canh tác hữu cơ hiện nay có khoảng 500ha. Mã số vùng trồng của xoài đã được cấp 260 mã, tương đương với 8.228ha. Trong đó, mã số vùng trồng để xuất khẩu xoài đi Trung Quốc đã có 250 mã. Sản lượng xoài toàn tỉnh trên 185.000 tấn/năm. Xoài được trồng tập trung nhiều ở TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, huyện Thanh Bình...
Trong các năm qua ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm xoài như: sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm, trồng theo hướng hữu cơ; ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để xử lý ra hoa trái vụ, bao trái và phát triển theo hướng sản xuất an toàn làm tăng chất lượng, giảm giá thành.
Đồng Tháp đã thành lập 23 Hội quán nông dân trồng xoài, 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn với hơn 10 doanh nghiệp với diện tích 1.073ha. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ xoài vẫn còn một số khó khăn như: diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng còn quá khiêm tốn so với tổng diện tích canh tác xoài.
Cho đến giờ, Đồng Tháp chưa có nhà đầu tư đủ tiềm lực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ xoài, trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đầu tư, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu còn hạn chế. Sản phẩm xoài cung ứng ra thị trường chủ yếu dưới dạng tươi, chất lượng chưa đồng đều; chưa qua sơ chế, chế biến hoặc bảo quản nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Tại Đồng Tháp, hệ thống logistic chưa phát triển, các cơ sở, công ty còn bị động phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng dịch vụ này, giá thành thuê mướn vận chuyển khá cao.
Tuy nhiên, gần đến Lễ hội xoài thì Đồng Tháp có tin vui, hiện đã có 25 tấn xoài xuất xứ từ tỉnh được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước. Đây là số lượng xoài đầu tiên được đưa vào tiêu thụ nhân sự kiện tuần hàng xoài Đồng Tháp tại hệ thống siêu thị này, diễn ra từ ngày 22 đến 26.4.
Ngoài việc đưa vào tiêu thụ tại hệ thống Co.opmart, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, xoài của địa phương này sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị và đại siêu thị của Tập đoàn Central Retail Việt Nam (từ ngày 27.4 đến 17.5); hệ thống của Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (từ ngày 21.4 đến 7.5); hệ thống của Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh (từ ngày 14 đến 27.4)
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, xoài là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Từ định hướng đó, những năm qua, tỉnh rất quan tâm đầu tư phát triển ngành hàng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, diện tích sản xuất đạt chứng nhận GAP còn hạn chế... Chế biến sau thu hoạch về xoài vẫn chưa đạt kỳ vọng.