Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo giãn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 40% vào năm 2019, lùi lại 1 năm so với quy định trước đó.

NHNN chưa muốn siết chặt việc lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

tuyetnhung | 25/08/2017, 21:22

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo giãn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 40% vào năm 2019, lùi lại 1 năm so với quy định trước đó.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo quy định tại dự thảo, Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31.12.2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 50%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng mức áp dụng là 90%.

Từ ngày 1.1.2018 đến hết ngày 31.12.2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng mức áp dụng là 90%.

Từ ngày 1.1.2019, mức áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 40%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.

Trước đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% về 50% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018.

Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% năm 2016 giảm xuống 40% sẽ được lùi lại thêm 1 năm nữa thay vì sẽ được áp dụng từ 1.1.2018 theo Thông tư 06.

NHNN cho biết sự thay đổi lần này được dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm. NHNN đã điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Giới chuyên gia nhận định việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ mang lại 2 tác động tích cực. Thứ nhất là giảm áp lực biến động lãi suất của các ngân hàng. Thông qua đó, chi phí vốn của các ngân hàng có thể được giữ ổn định hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Theo một tính toán, áp lực huy động vốn trung dài hạn cũng đã tạo ra hệ quả là chi phí huy động tăng khoảng 0,3% so với cùng kỳ. Theo thống kê từ các ngân hàng thương mại, với tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) thì chi phí huy động tăng 0,53% so với cùng kỳ; SHB tăng 0,45%; VPB (ngân hàng mẹ) tăng 0,37%.

Thứ hai, các ngân hàng sẽ có thời gian cơ cấu lại các khoản vay nhằm phục cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững. Doanh nghiệp sẽ không phải chịu áp lực vì bị thu hẹp đột ngột nguồn vốn vay trung và dài hạn.

Theo NHNN, hiện vốn trung dài hạn chỉ chiếm 13% - 15% tổng huy động, trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tới 53% - 55% tổng cho vay.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NHNN chưa muốn siết chặt việc lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn