Dự án cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè, vốn đầu tư 557 tỉ đồng đã dừng thi công từ tháng 12.2019 do mặt bằng chưa được bàn giao. Nhìn dự án dở dang, bâng khuâng nhớ lại thời vẫn còn con đò bến Long Kiểng.

Nhớ đò ngang Long Kiểng

Từ Kế Tường | 15/10/2021, 12:19

Dự án cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè, vốn đầu tư 557 tỉ đồng đã dừng thi công từ tháng 12.2019 do mặt bằng chưa được bàn giao. Nhìn dự án dở dang, bâng khuâng nhớ lại thời vẫn còn con đò bến Long Kiểng.

Người Sài Gòn gọi cách đơn giản về một nhánh sông Sài Gòn ngay ngã ba Tân Thuận cắt quận 4 và quận 7 thành hai bờ, xuôi theo bên này đường Tôn Thất Thuyết và bên kia đường Trần Xuân Soạn, là sông Tân Thuận.

Con sông không rộng, cũng không sâu nhưng lại là đầu mối giao thương đường thủy khá quan trọng cho các loại xuồng, ghe, tàu nhỏ xuôi ngược từ thành phố về và các tỉnh miền Tây lên. Trên mặt sông, dù nước lớn hay ròng, cảnh xuồng ghe xuôi ngược luôn tấp nập, hàng hóa thường thấy chất đầy trên khoang là nông sản, mà nhiều nhất là các loại trái cây miệt vườn.

Sông Tân Thuận còn gọi là Kênh Tẻ xuôi sâu vào miệt Chợ Lớn quận 5, cầu Rạch Ông, cầu chữ Y… quận 6, quận 8… ngoài những cây cầu nối hai bờ còn gắn liền với những sự kiện lịch sử về những vùng đất, những con người mang tính cách đặc trưng của Sài Gòn và Nam Bộ, còn rất nhiều bến đò ngang đưa rước khách qua sông hình thành theo thời gian và những sự kiện lịch sử với cột mốc 300 năm, tạo thành nhịp điệu cuộc sống và nhịp đập của trái tim thành phố.

Và ở gần ngã ba đường Tôn Đản - Tôn Thất Thuyết phía quận 4 với ngã ba Trần Xuân Soạn - đường đi Rạch Đỉa bên những vùng quận 7, vùng Phú Xuân huyện Nhà Bè, ngã ba Long Kiểng sau mọi thăng trầm, những cuộc bể dâu vẫn còn hình bóng một bến đò ngang lấy tên là bến đó ngang Long Kiểng nối quận 4 và quận 7. Chiếc đò ngang chạy máy đuôi tôm xưa cũ giống như tuổi đời của một bến đò trên sông nước Sài Gòn.

Tôi không phải dân cố cựu quận 7, mà ở quận 4. Nhưng năm 1963, thảm họa cháy nhà ở khu vực Khánh Hội quận 4 khiến người dân nghèo của vùng đất Khánh Hội phải di dời về khu tái định cư Tân Quy Đông quận 7 (thời đó gọi chung là Nhà Bè) nhận đất, tự cất lại nhà sinh sống và làm dân quận 7 Nhà Bè, trong đó có gia đình tôi. Thuở ấy tôi mới học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) trường Nguyễn Văn Khuê nằm trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, đi học bằng xe đạp.

Khu tái định cư Tân Quý Đông lúc mới hình thành toàn đồng ruộng vùng trũng, chính quyền dùng xáng cạp đào một con kênh xuyên ngang vùng đất ruộng này thổi bùn lên lấp cả một cánh đồng rồi chia nền cho người tái định cư cất nhà. Hồi ấy tôi đi học vai vác chiếc xe đạp, quần dài cởi ra quấn cổ, tay cầm cây gậy xăm hai bên dò đường bởi xung quanh là bùn lầy, giữa là bờ đê, nếu đi trật bờ đê là tụt xuống bùn lầy tới cổ.

Khi ra tới con lộ trải đá đỏ lởm chởm, tôi và những đứa trẻ con học trò của khu tái định cư tìm những vũng nước đọng rửa chân, mặc quần dài vào rồi đạp xe lên bến đò Long Kiểng. Bến đò chỉ có 2 chiếc xuôi ngược đưa rước khách mà số lượng người qua sông rất đông nên lúc nào cũng phải chờ, thường phải mất từ 20 phút đến nửa tiếng đồng hồ, người và xe đạp mới qua được. Xuống đò ngang phải chia nhau ngồi hai bên thành đò để giữ thăng bằng, tay luôn vịn chặt chiếc xe đạp. Tài công lái đò, vừa là chủ đò chủ bến, là một người đàn ông lớn tuổi, dáng gầy tong, vẻ bệnh hoạn, luôn ho khụ khụ cả những hôm không trái gió trở trời. Hôm nào được đi trên chiếc đò do con trai ông lái, khách nhẹ thở hơn vì anh ta là một thanh niên lực lưỡng, điều khiển đò như làm xiếc, qua sông rất nhanh và không phải đứng tim vì hồi hộp sợ thảm họa chìm đò.        

Tôi chỉ ở khu tái định cư Tân Quy Đông quận 7, Nhà Bè trong 2 năm rồi về Thị Nghè quận Bình Thạnh ở nhà thuê trọ học. Trải qua bao thăng trầm. Sau năm 1975 khi công tác nơi quận 4, thỉnh thoảng tôi cũng đi xe đạp về thăm ba tôi và đều phải qua bến đò Long Kiểng.

Vẫn chiếc đò ngang chạy máy đuôi tôm xưa cũ như thời tôi còn đi học, nhưng người điều khiển đò bây giờ là hai anh em con ông chủ bến. Người anh trai tuổi trung niên, không còn lực lưỡng như xưa và cô em gái thu tiền đò ngày nào giờ đã là một phụ nữ đẫy đà, da rám nắng. Cô điều khiển đò từ bên này quận 4 sang quận 7, chân đá lái, tay xê dịch chiếc máy đuôi tôm cho chiếc đò khẳm đầy khách và xe đạp rẽ sóng vượt sông Tân Thuận. Không biết cô ấy có còn nhận ra tôi hay đã quên anh học trò ốm yếu, mang kính cận thỉnh thoảng vẫn thiếu tiền đò ngang bằng một nụ cười lúng túng.        

Gần đây tôi lại có thêm mấy dịp về thăm các em tôi bên khu nhà tái cư nhưng không đi bằng đò ngang bến Long Kiểng mà đi bằng cầu mới Tân Thuận rất rộng. Ngoài cầu Tân Thuận còn mấy cây cầu nữa qua quận 7 rất hiện đại, nhưng dù đi bằng đường nào, muốn về khu nhà xưa tôi ở cũng phải tới ngã ba Long Kiểng. Không một lần nào tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn bến đò ngang Long Kiểng tuy không còn hoạt động nữa nhưng vẫn còn một lối đi từ mép đường Tôn Thất Thuyết xuống bến như cách đây mấy chục năm. Nhưng lối đi này đang được mở rộng cho dự án xây cầu Long Kiểng. Đứng ở đây, nhìn bao quát khu vực bến đò xưa, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh tuổi thơ mình đã một thời in dấu chân chỗ bến đò xưa chỉ còn trong ký ức.

Trên sông Tân Thuận giờ tên thường gọi là Kênh Tẻ có rất nhiều cây cầu mới xây rộng lớn và hiện đại để phục vụ người dân thành phố qua sông bằng xe máy, xe ô tô, trong đó có cầu Kênh Tẻ, và cầu Long Kiểng tương lai. Một phần Nhà Bè bây giờ là Q.7, nhiều lần tôi đi qua đây thấy Q.7 phát triển không ngừng, những con đường đất đỏ ngày xưa bây giờ không còn nhận ra vì đã được trải nhựa, chạy qua những khu phố, nhà cao tầng trên đất ngày xưa chỉ toàn đồng ruộng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ đò ngang Long Kiểng