Để có tiền lo cho cuộc sống gia đình, nhiều ngư dân phải nếm trải nhiều khổ cực, gian nan. Thậm chí, có khi họ còn phải đánh đổi cả mạng sống của mình vì chén cơm manh áo.

Nhọc nhằn nghề biển

Trần Khải | 20/10/2022, 19:31

Để có tiền lo cho cuộc sống gia đình, nhiều ngư dân phải nếm trải nhiều khổ cực, gian nan. Thậm chí, có khi họ còn phải đánh đổi cả mạng sống của mình vì chén cơm manh áo.

Mùa màng bấp bênh

Cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) những ngày cuối tháng 10 thật yên ắng, sóng biển khẽ lướt nhẹ nhàng, dịu êm. Mùa này, sắp trở gió chướng nên khí trời mát mẻ, dễ chịu hẳn ra. Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại xuất hiện những cơn mưa bất chợt, khiến bà con làm nghề chế biến cá khô ở xứ này không kịp trở tay.

Nhấp vội ly trà nóng, chỉ tay về phía đám mây đen kịt đang kéo đến trước mặt, anh Nam, ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển hớt hải bảo: “Đợi anh chút, anh ra lấy mớ cá khô vào, kẻo mưa ướt hết”. Rồi anh Nam cùng vợ vội chạy ra sàn cá khô, thu gom lại cho vào thúng đem vào nhà.

bien-1.jpg
Cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Anh Nam cho hay, những năm gần đây, nghề biển ở xứ này rất bấp bênh, sản lượng đánh bắt sụt giảm. Vì thế, những người làm nghề chế biến cá khô như anh trở nên nông nhàn do thiếu nguồn nguyên liệu. “Giờ thì rảnh rỗi, nhưng sắp tới, đến mùa lưới đáy rồi, khi đó anh sẽ có nhiều việc làm hơn, để chuẩn bị cho Tết”, anh Nam khoe.

Gia đình ông Lý Bông (67 tuổi) ngụ ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển có 2 phương tiện hoạt động trên biển (1 phương tiện thu mua, 1 phương tiện đánh bắt). Từ lâu, nghề biển đã ăn sâu vào máu thịt của ông Lý Bông. Với ông, biển chính là hơi thở, là cuộc sống, “mảnh đất” màu mỡ giúp ông có được cơ ngơi như bây giờ.

“Gia đình tôi có ba đời làm biển, từ đời cha tôi, đến tôi rồi giờ là con tôi. Thời hoàng kim, mỗi chuyến biển tôi đút túi 3 – 4 cây vàng là bình thường. Giờ, nguồn lợi hải sản khan hiếm, người đánh bắt  lại ngày càng nhiều nên sản lượng bấp bênh”, ông Lý Bông chia sẻ.

Ngược về ký ức cách đây hàng chục năm, ông Lý Bông kể rằng, hồi xưa ở xứ này hải sản nhiều vô kể. “Nó nhiều đến nỗi ngay cả khi mình ngồi trong nhà cũng có thể bị cua kẹp, còn ba khía xếp hàng chật kín, mình nhìn chẳng thấy mặt đất. Hồi đó, muốn ăn cua là lựa con lớn, cua gạch để ăn, còn những con nhỏ thì thả hoặc bằm nấu cho heo ăn, nhiều vậy đó”, ông Lý Bông kể.

Giờ, nguồn lợi từ biển không còn như trước, do xuất hiện nhiều kiểu đánh bắt khác nhau. Khiến cho các loài thủy sản không kịp sinh sản. Theo ông Lý Bông, ở thời của ông, ngư dân đâu có sử dụng cào đôi, cào chiếc, mà chỉ có lưới.

Vừa kể, ông Lý Bông vừa vấn điếu thuốc gò, đưa lên miệng bật lửa hút. Rồi ông hồi tưởng: “Hồi đó, đánh lưới xong ngư dân thường dùng tay kéo lên. Giờ khoa học kỹ thuật tiên tiến hơn, người ta sử dụng máy móc thay sức người. Vì vậy, chủ các phương tiện làm nhiều lưới để đánh bắt, mở rộng ngư trường nhưng ít ai quan tâm đến việc tái tạo nên nguồn lợi dần vơi cạn”.

Mỗi chuyến biển của ngư dân kéo dài từ 7 – 12 ngày. Tùy vào việc trúng hay thất mùa mà chuyến đi có thể dài ra hoặc ngắn lại.

bien.jpg
Tàu nằm bờ, ông Lý Bông luôn trăn trở về nguồn nhiên liệu khan hiếm

Một vấn đề làm đau đầu những chủ tàu cá hiện nay là nguồn lực lao động. Do thất mùa, sản lượng đánh bắt không cao nên nhiều lao động có chuyên môn nghề biển đã không còn mặn mà với công việc nặng nhọc này. Họ chuyển sang nghề khác, một số người rời quê lên các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân có mức thu nhập ổn định hơn.

“Giờ muốn có bạn đi biển mình phải năn nỉ. Gặp lao động đàng hoàng thì mừng, còn chẳng may gặp những ông lười làm thì khổ, có khi tiền mất tật mang. Có người khi đồng ý đi biển với mình, họ viện đủ lý do để mượn tiền, không cho thì không chịu đi. Có ông mượn 3 triệu đồng, ông mượn 5 triệu đồng. Có những ông, tối hôm trước mượn tiền, đến sáng hôm sau tàu xuất bến ra biển thì trốn biệt tăm, tìm không thấy đâu.

Giờ tìm người thật thà, chăm chỉ để đi biển khó lắm. Hồi trước, tôi mất cả 100 triệu đồng cũng vì tin cậy, cho lao động ứng trước. Lúc phát hiện ra, tôi cũng đến địa phương, gặp chính quyền và mời họ lại làm việc. Ngặt nỗi, họ nghèo quá, khổ quá. Mình đòi tiền, họ hứa trả nhưng cứ là lời hứa suông nên cuối cùng tôi bỏ luôn”, ông Lý Bông kể.

Sau nhiều lần bị lừa, một số chủ tàu cá ở địa phương như ông Lý Bông dần đúc kết được kinh nghiệm. Vì thế, tiêu chí chọn lựa lao động đi biển của họ cũng trở nên khắt khe hơn, phải là người địa phương thì họ mới nhận hoặc cho ứng tiền trước. Ngược lại, nhiều chủ tàu vẫn nhận lao động nhưng không cho ứng tiền trước, sòng phẳng chia chác sau mỗi chuyến biển. Với ông Lý Bông, ông dứt khoát nói không với việc nhờ “cò” giới thiệu. “Tiêu chí chọn lao động của tôi là chọn những người mình biết rõ nguồn gốc, nhà cửa ở đâu. Nếu họ có mượn tiền mà trốn, mình cũng dễ đòi hơn”, ông Lý Bông lý giải.

Khan hiếm nhiên liệu, khó chồng khó

Trời tháng 10 nắng mưa thất thường, có khi trời đang nắng bỗng dưng đổ mưa. Làng biển Rạch Gốc hôm ấy đìu hiu đến lạ, nhiều ghe tàu đang neo đậu ở cửa biển dường như cũng “buồn” vì… nhớ biển. Nguyên nhân khiến nhiều tàu cá nằm bờ là do thiếu nhiên liệu. Nhiều ngư dân cho biết, gần đây các điểm kinh doanh xăng dầu ở địa phương không đủ nguồn cung nên số lượng bán ra rất ít.

bien-4.jpg
Ngư cụ của ngư dân miền biển Rạch Gốc

“Cứ mỗi chuyến biển từ 7 – 12 ngày, tàu cá của tôi cần gần 700 lít dầu. Hồi cha sinh, mẹ đẻ đến giờ tôi mới chứng kiến việc giá dầu cao hơn xăng. Lúc trước, giá dầu tầm 12.000 đồng/lít, giờ tăng gấp đôi. Vì thế, khoản lợi nhuận của ngư dân cũng bị siết lại, có những chuyến lỗ luôn”, ông Lý Bông nói.

Chỉ tay về chiếc tàu cá của gia đình đang neo đậu phía bờ sông Rạch Gốc, ông Lý Bông thở dài: “Tàu neo đó cả tuần nay, giờ mua không có dầu. Mỗi ngày các điểm kinh doanh dầu ở đây chỉ bán "nhỏ giọt", nhiều lắm mình chỉ mua được vài chục lít thôi, nếu tình trạng kéo dài đến bao giờ mới đủ dầu để ra biển. Theo tôi, nếu nhà nước không có biện pháp can thiệp, hỗ trợ bình ổn giá nhiên liêu thì ngư dân chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện sổ đỏ của gia đình đã đem cầm cố ngân hàng. Trước tình cảnh khó khăn hiện nay, tôi không biết khi nào tôi mới lấy sổ đỏ về, có khi là mất luôn”.

Ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Toàn xã Tân Ân hiện có khoảng 70 phương tiện đánh bắt biển. Tình hình khai thác biển của ngư dân trên địa bàn gần đây hết sức khó khăn. Trước tiên là giá nhiên liệu tăng cao, giờ có giảm nhưng vẫn ở mức cao nhưng không đủ nguồn cung, buôn bán có giới hạn nên ngư dân không có dầu đi biển”.

Ông Trung còn nói, hiện địa phương sắp vào mùa đánh bắt, nếu tình trạng khan hiếm nhiên liệu còn kéo dài, sẽ khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều phương tiện đánh bắt hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí là tạm ngưng hoạt động.

Nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng của EC

Quá trình đánh bắt, mỗi ngư dân trên tàu đều được chủ phương tiện quán triệt đầy đủ những thông tin cần thiết về phòng ngừa rủi ro, tai nạn trên biển. Theo nhiều ngư dân, ngày xưa khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, khi tàu gặp sự cố hư hỏng máy móc hoặc bạn tàu đau bệnh thì việc hỗ trợ giúp đỡ ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Giờ các phương tiện được trang bị những thiết bị cần thiết, hiện đại nên khi tàu cá gặp vấn đề trong quá trình đánh bắt cũng được ngư dân gần đó hỗ trợ xử lý gọn gàng, nhanh chóng.

bien-3.jpg
Gia đình ông Lý Bông có 3 đời làm biển

Ông Lý Bông chia sẻ thêm: “Nghề biển, rủi ro luôn tiềm ẩn nên đâu ai biết trước mà lường. Vì thế, mỗi khi ra biển tôi đều quán triệt cho anh em trên tàu tinh thần đoàn kết, nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau. Thậm chí, ngay cả việc đi vệ sinh cá nhân, tắm giặt, nấu ăn… mọi người đều phải thông báo cho nhau để canh giữ. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là nếu không may sẩy chân thì mất mạng chớ phải đùa. Mỗi chuyến vươn khơi, tàu cá của tôi cần 6 người để đỡ đần mọi việc. Sau mỗi chuyến cập bờ bán hải sản, người lao động được hưởng 4% từ số tiền thu được”.

Nhiều ngư dân ở cửa biển Rạch Gốc hiện rất trăn trở ở khâu thu mua. Do giá thu mua chưa được kiểm soát, nên ngư dân thường bị các vựa thu mua ép giá. “Có nhiều vấn đề khiến cho chuyến biển của ngư dân thua lỗ, trước tiên phải kể đến là giá nhiên liệu cao. Thứ 2 là bị vựa mua ép giá. Ghe tôi chuyên đánh cá chim bàng. Trước đây, cá loại 1 có giá từ 600.000 – 700.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ có khoảng 500.000 đồng/kg. Khâu thu mua do chưa được quản lý, kiểm soát nên các vựa muốn mua giá nào là quyền của họ. Cá nhiều thì họ mua giá thấp, tất cả vì mục tiêu lợi nhuận. Mong sao, nhà nước có biện pháp can thiệp để bình ổn giá”, ông Lý Bông mong muốn.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Thị trấn Rạch Gốc là cửa biển lớn, có lượng ghe tàu lớn nhất huyện Ngọc Hiển. Hiện địa phương đang nỗ lực, tuyên truyền để ngư dân hiểu đúng về những quy định của nhà nước trong quá trình đánh bắt trên biển. Ở địa phương hiện chưa ghi nhận việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đó là tiền đề góp phần vào việc Ủy ban Châu Âu xem xét, gỡ bỏ thẻ vàng cho nước ta”.

bien-2.jpg
Thấp thoáng xa xa, có phương tiện vào bờ, cập bến để bán hải sản

Theo ông Đảm, kinh tế biển của địa phương gần đây gặp nhiều khó khăn. Hiện chính quyền đang rất nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ bà con ngư dân trong việc ghi chép nhật ký đánh bắt để thuận tiện cho quá trình khai báo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, việc tiếp cận của ngư dân hiện nay còn nhiều hạn chế. “Khai thác phải ghi nhật ký, sản phẩm bắt được ở toạ độ nào, ở đâu. Giờ chủ yếu khai báo trên giấy, chứ chưa áp dụng máy móc, công nghệ quản lý. Nghề biển ở địa phương gần đây có thu nhập bấp bênh nên nhiều lao động có chuyên môn rời quê đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM…, làm công nhân với mức lương ổn định hơn”, ông Đảm cho hay.

Trời chiều, làng biển Rạch Gốc lại đón một cơn mưa nặng hạt, dai dẳng. Sóng biển nhấp nhô, khẽ lướt, xa xa có vài phương tiện đánh bắt vào bờ, cập bến bán hải sản. Sau mỗi chuyến, niềm vui của ngư dân là hải sản đầy khoang, bán được giá cao. Để có được như vậy, ngư dân đã phải đánh đổi nhiều mồ hôi, nước mắt đầy khổ cực ở ngoài khơi. Và thậm chí, họ còn đánh đổi cả máu và tính mạng của mình với mong muốn có được cuộc sống sung túc hơn. Nghề biển lắm nhọc nhằn, gian nan là vậy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhọc nhằn nghề biển