Theo người dân ở Cà Mau hiện nay, những nét văn hóa phong tục xa xưa của Nam Bộ về ma chay theo thời gian đã có nhiều biến tướng. Cụ thể là phong tục múa phá quàn trong đám tang hiện nay đang gây tranh cãi vì sự có mặt của cả Tề thiên đại thánh.

Những biến tướng gây tranh cãi của tục múa phá quàn trong đám tang vùng Nam Bộ

06/08/2019, 07:17

Theo người dân ở Cà Mau hiện nay, những nét văn hóa phong tục xa xưa của Nam Bộ về ma chay theo thời gian đã có nhiều biến tướng. Cụ thể là phong tục múa phá quàn trong đám tang hiện nay đang gây tranh cãi vì sự có mặt của cả Tề thiên đại thánh.

Theo nhiều người, tục múa Tề thiên hiện nay rất phản cảm, không phù hợp với nét văn hóa người Việt - Ảnh: Khải Trần

Múa phá quàn để giữ vong linh trước quỷ dữ

Múa phá quàn (hay còn gọi là đánh phá quàn) là nét văn hóa mang bản sắc đặc trưng của vùng Nam Bộ. Việc múa phá quàn, theo quan niệm của dân bản địa, nhằm mục đích giữ cho linh hồn của người đã khuất trên đường đến suối vàng không bị quỷ dữ vây ám, bắt đi.

Tục kể rằng, xưa kia có một chàng thanh niên rất hiếu đạo, thông minh, tài giỏi, vì không chịu được cảnh ức hiếp, hà khắc của bọn cường hào ác bá ở địa phương nên chàng bỏ lại mẹ già lên núi làm thảo khấu. Khi hay tin mẹ mất, chàng trai vô cùng đau xót nên muốn về lại làng quê trộm quan tài mẹ lên núi chôn cất để tiện săn sóc mộ phần.

Thế là, chàng thanh niên ấy đã cho đám lâu la xuống núi dọ thám, tìm cách cướp quan tài mẹ già. Tuy nhiên, việc cướp quan tài cũng không hề dễ dàng vì tai mắt bọn cường hào ác bá ở khắp nơi, họ luôn tìm cách vây bắt chàng. Cuối cùng, kế hoạch được vạch ra: chờ đến nửa đêm, chàng trai cầm đuốc chỉ huy nhóm lâu la vào làng và cướp được quan tài trót lọt và rời đi nhanh chóng.

Đi được một quãng đường, chàng trai òa khóc thương mẹ mình, còn nhóm lâu la trong lúc khiêng quan tài lên núi chôn cất thì hò hát cho đỡ mệt... Câu chuyện này đã trở thành phong tục gắn liền với việc di quan và an táng người chết của Nam Bộ.

Theo các vị cao niên kể rằng, ngày xưa tục múa phá quàn chỉ có 1 vị thủ lĩnh vùng sơn cước chỉ huy nhóm đạo tỳ (đóng vai lâu la) chuyên khiêng quan tài (nhóm đạo tỳ khoảng 7 - 8 người) và quỷ dữ (hiện thân của bọn cường hào ác bá địa phương). Khi di quan, giữa 2 nhóm người đại diện cho 2 phía thiện và ác xông vào đánh nhau dữ dội. Mục đích là di chuyển quan tài đến nơi chôn cất được an toàn, không bị quấy phá và giúp cho người quá cố ra đi thanh thản, được yên nghỉ.

“Họ đánh thắng bọn cường hào quỷ dữ xong thì ca hát, gào khóc với hình thức diễn xướng rất u uất, bi thương, nhằm thể hiện nỗi đau của người con trước linh cữu của cha mẹ mình. Sau đó, thì di quan chôn cất dưới cửu tiền. Đó là phong tục, nét văn hóa đặc trưng trong ma chay ngày xưa ở Nam Bộ và tục múa phá quàn chủ yếu là bảo vệ thi hài không bị quỷ dữ ám phá sau nhiều ngày tổ chức ma chay”, một cụ cao niên giải thích.

Nay có cả Tề thiên tham gia

Theo người này, sở dĩ ngày nay trong múa phá quàn có sự xuất hiện của Tề thiên là do cải tiến, theo sự phát triển của xã hội. Mục đích là các cơ sở kinh doanh muốn kéo thời gian dài ra thêm. Nhiều người cho rằng, nhu cầu xã hội phát triển là tích cực, phù hợp phải đổi mới, cải tiến. Tuy nhiên, hiện nay việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ tự “cải tiến” trong tục múa phá quàn ngày nay còn có phần diễn múa của Tề thiên trong đám tang, trông rất phản cảm, không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục xa xưa của cha ông.

Anh Hồ Chí Cường, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau chia sẻ quan điểm về nét văn hóa múa Tề thiên trong ma chay hiện nay - Ảnh: Khải Trần

Anh Hồ Chí Cường (32 tuổi, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), nhìn nhận: “Họ phải chế ra như vậy, để làm vui mắt người khác, nhưng theo tôi thấy đây là nét văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của mình nữa, việc cải tiến này rất phản cảm, chủ yếu theo trào lưu”.

Anh Cường đánh giá, anh không biết các cơ sở kinh doanh ma chay nghĩ gì mà trong đám tang lại đi múa máy tùm lum. Chẳng những thế, đám tang mà hát nhạc sống là không thể chấp nhận được, thậm chí còn có những người khóc mướn. Theo nhiều người dân, việc múa phá quàn có vai diễn của Tề thiên sẽ khiến cho nhiều người tò mò, thấy vui mắt.

“Nhưng đám cưới, hiếu hỉ còn vui vẻ, ca hát đờn ca được, nhưng đám tang thì nỗi buồn, ảm đạm và u ám làm sao mình vui vẻ và tâm trạng đâu mà ca hát được? Phản cảm lắm nó không phù hợp với phong tục vốn có của ngày xưa. Đám tang mà múa diễn, ca hát, nhảy nhót ì xèo cho nhiều người coi là không phù hợp”, một người lớn tuổi (xin giấu tên) đánh giá.

Cũng theo người này, trong khi gia đình người đã khuất chịu đau thương, mất mát, khiến gia đình buồn bã, mà những trại hòm lại vẽ ra dịch vụ này, họ làm vậy chủ yếu để buôn bán được, mục đích là bao sô trọn gói và chủ yếu là hình thức kinh doanh. Từ việc tụng kinh, múa máy, khóc thuê, hát mướn đến việc truy điệu đọc điếu văn… Tất cả, họ đều tính phí cả.

Ông Trương Văn Trạng, người có hiểu biết chuyên ngành văn hóa Việt Nam, ngụ H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho rằng: “Theo tôi thì chủ yếu theo phong trào, trào lưu thôi. Theo bước tiến của xã hội, nhiều phong tục được cải tiến dần mất đi nét văn hóa vốn có của ngày xưa.

Tôi lấy ví như việc khóc mướn, khi người quá cố qua đời, thì người thân, con cháu khóc đã đành, vì họ tiếc thương cho người thân đã khuất, đó là sự mất mát to lớn, không gì có thể bù đắp được đối với gia đình họ. Tuy nhiên, hiện nay lại rộ lên phong trào khóc mướn, khóc thuê trông rất phản cảm. Điều đó, không có trong phong tục về ma chay của người Việt mình ngày xưa, hiện phong tục ma chay đã biến tướng rất nhiều”.

Ông Trạng cho rằng nét văn hóa này không phù hợp với nét văn hóa xa xưa.Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào để cấm cái vấn đề này. “Đây không phải là hủ tục và nó không làm ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống xã hội, cho nên người ta chưa nói đến vấn đề này nhiều. Nhưng theo quan niệm của nhiều người thì họ không thích, họ cho rằng múa Tề thiên rất phản cảm, chủ yếu là do phong trào, do các cơ sở kinh doanh họ bày vẽ ra để kiếm cớ thu tiền người dân mình thôi”, ông Trạng nhìn nhận.

Tranh cãi về sự xuất hiện của Tề thiên trong múa phá quàn

Ông Trần Văn Hoàng, ngụ TP.Cà Mau, cho biết múa Tề thiên với mục đích hỗ trợ cho vị thủ lĩnh đánh đuổi yêu ma quỷ dữ. “Ngày xưa thì không có phần múa của Tề thiên. Vị thủ lĩnh xuống núi đánh đuổi quỷ dữ, bảo vệ quan tài rồi di quan, chôn cất. Còn bây giờ, sở dĩ có phần múa Tề thiên là gì vị thủ lĩnh kia đánh không lại quỷ dữ nên mới gọi cho Tề thiên đến hỗ trợ”, ông Hoàng nói. Và ông cho biết thêm, việc múa Tề thiên hiện nay có gì đó sai sai với nét văn hóa truyền thống xưa.

Theo nhiều người, ngày trước vị thần xuống thu phục quỷ dữ được ngay, chứ không như ngày nay. “Ngày xưa làm gì có chuyện, vị thủ lĩnh không thu phục được quỷ dữ rồi… điện thoại cho Tề thiên trợ giúp. Đúng là xã hội ngày càng phát triển thì thứ gì cũng có thể hình thành được. Thời kỳ 4.0, thời của công nghệ thông tin thì tục cúng ma chay cúng phát triển theo hướng văn minh luôn, nhưng tôi thấy nét văn hóa này bị biến tướng và không còn phù hợp. Như vậy là phản cảm”, ông Trần Thanh Tr., ngụ H.Thới Bình đánh giá.

Ông Võ Quốc Thái, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển nhìn nhận: “Phong tục này vẫn định hình, hình thành theo sự tiến bộ của xã hội và vẫn được tồn tại. Tuy nhiên, xét thấy phong tục này không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương thì mình vẫn cho người ta tồn tại”.

Khải Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những biến tướng gây tranh cãi của tục múa phá quàn trong đám tang vùng Nam Bộ